Tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm mới để giảm hộ nghèo ở Ea Hiu của Đắk Lắk

Ngọc Giàu Thứ tư, ngày 16/11/2022 18:22 PM (GMT+7)
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bằng nhiều giải pháp giảm nghèo phù hợp, như tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các nông dân; hướng dẫn bà con cách làm ăn mới...đã giúp xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) giảm hộ nghèo hằng năm.
Bình luận 0

Có dịp đến xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) hôm nay mới thấy hết sự thay đổi của vùng nông thôn có trên 65% dân số là người dân tộc thiểu số. 

Đi đến đâu cũng nghe bà con bàn chuyện làm ăn kinh tế, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, từ đó có thể thấy ý thức, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của bà con là rất lớn. 

Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức thoát nghèo. 

Địa phương khuyến khích người dân phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp tập quán canh tác, thực hiện hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, đồng thời tập trung triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ các chương trình, dự án và chính sách dân tộc ưu đãi cho địa phương.

Xã vùng 3 ở Đắk Lắk nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 1.

Vườn cà phê tái canh phát triển tốt của gia đình ông Ai Dên ở buôn Ra Lu (xã Ea Hiu)

Theo ông Võ Hữu Chút - Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu, hằng năm xã chỉ đạo công tác rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, sau đó tổ chức đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo tại từng thôn, buôn và nắm nhu cầu của từng hộ, đồng thời giao cho các tổ chức đoàn thể xem xét để quản lý và có hướng hỗ trợ cụ thể. 

Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao kiến thức mới cho nông dân

Để đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, dự án và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, các đoàn thể có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn để bà con khai thác hiệu quả đồng vốn, góp phần vào công tác xóa nghèo của địa phương.

Gia đình ông Ai Dên (buôn Ra Lu) từng là một trong những hộ nghèo của xã Ea Hiu bởi kinh tế rất khó khăn. Đầu năm 2019, được địa phương hỗ trợ cây giống tái canh cà phê, ông Ai Dên tiến hành cải tạo 4 sào cà phê già cỗi bằng cách nhổ bỏ, trồng mới 400 cây cà phê giống TR4. 

Lấy ngắn nuôi dài, cùng với nguồn vốn 40 triệu đồng được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Pắc, ông đầu tư chăn nuôi bò, heo, dê để có nguồn thu thường xuyên. 

Xã vùng 3 ở Đắk Lắk nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 2.

Trồng trọt kết hợp chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân ở xã Ea Hiu thoát nghèo. Địa phương, các Hội đoàn thể đã tổ chức các buổi tập huẩn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân...

Để sản xuất hiệu quả, ông Ai Dên được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tham gia lớp các lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. 

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cùng lợi thế đất đai, nguồn nước thuận lợi, hiện mô hình kinh tế của gia đình ông Ai Dên phát triển tốt. Có nguồn thu ổn định, trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2022 tại địa phương, gia đình ông Ai Dên đã tự nguyện xin thoát nghèo.

Tương tự, cuộc sống của gia đình chị Mó Súc ở buôn Tà Cỡng (xã Ea Hiu) đã có nhiều thay đổi đáng kể sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống và Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng. Nhờ có vốn chăm sóc cây trồng, năng suất vườn cà phê xen cây ăn trái ngày càng tăng, thu nhập gia đình chị cũng dần ổn định. 

Chị Mó Súc chia sẻ: "Trước kia do thiếu vốn lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Nếu không có những sự hỗ trợ của Nhà nước không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát được nghèo".

Xã vùng 3 ở Đắk Lắk nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 3.

Mô hình phát triển chăn nuôi bò của gia đình chị Mun Loi Kham Kalu ở buôn Tà Cỡng (xã Ea Hiu) mang lại nguồn thu ổn định

Tranh thủ các nguồn lực để giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu

Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Ea Hiu đã phân bổ hơn 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn huy động để thực hiện công tác giảm nghèo. 

Toàn xã có 288 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số dư nợ gần 33 tỷ đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Pắc. Ngoài ra, xã Ea Hiu phối hợp với các đơn vị đã trao 6 mô hình nuôi dê sinh sản cho các hộ nghèo ở các buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã; thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nuôi bò gồm 20 hộ của 8 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; mở 5 lớp đào tạo nghề giúp gần 200 lao động nông thôn có việc làm ổn định... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 158 hộ, giảm 139 hộ so với năm 2021.

Việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn và khơi dậy ý thức vươn lên của hộ nghèo đã giúp đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Xã vùng 3 ở Đắk Lắk nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 4.

Đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo là cách làm giúp xã Ea Hiu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương

Để tiếp tục hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian tới, xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, buôn… góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem