Chuyên gia điểm rõ "mấu chốt" của đầu tư vốn cho giao thông xanh

Thế Anh Thứ ba, ngày 02/01/2024 15:30 PM (GMT+7)
Tình trạng ô nhiễm không khí do lượng khí thải khổng lồ được tạo ra từ hoạt động giao thông vận tải ngày càng trở nên báo động. Vì vậy, xây dựng giao thông xanh, thân thiện với môi trường được coi là giải pháp "cứu" môi trường sống, hướng tới giá trị phát triển bền vững trong tương lai.
Bình luận 0

LTS: Phát triển kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Kể từ sau COP 26 ở Glasgow, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế. Tháng 12 vừa qua tại Hội nghị COP 28, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và đã đưa ra chương trình cụ thể của nước ta. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, các lĩnh vực, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đã có những kết quả bước đầu được ghi nhận, song những hạn chế cũng lộ diện. Cùng Dân Việt đi tìm lời giải cho bài toán "xanh" của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Phát triển hạ tầng giao thông xanh còn nhiều khó khăn

Việc phát triển giao thông xanh đang được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế hiệu quả đột phá. Tuy nhiên, quá trình phát triển giao thông xanh vẫn còn nhiều thách thức và cần phải có những giải pháp đột phá, thông minh.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông xanh, rất cần những chính sách có tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh. Quá trình triển khai thi công các dự án giao thông, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước – người dân, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường.

Cùng đó, cần tạo sự thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng.

Chuyên gia "điểm rõ" mấu chốt đầu tư vốn cho giao thông xanh không - Ảnh 1.

Ts. Trần Khắc Tâm, Ủy viên BCH VCCI, PCT Hội đồng Các hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV Dân Việt về phát triển hạ tầng giao thông xanh, TS. Trần Khắc Tâm, Ủy viên BCH VCCI, PCT Hội đồng Các hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho rằng: "Phát triển giao thông xanh là việc áp dụng công nghệ cao trong quản lý, có sự liên kết giữa các hệ thống thông tin với nhau, đồng bộ trong quy hoạch kết cấu hạ tầng. Ứng dụng khoa học công nghệ, giảm thiếu tác động xấu đến môi trường sống xung quanh".

TS. Trần Khắc Tâm nhấn mạnh: "Giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Giao thông giúp kết nối các hoạt động kinh tế - xã hội giữa các vùng, giữa đất nước với thế giới; đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước".

"Tôi rất vui mừng, bởi trong những năm qua Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông", TS. Trần Khắc Tâm chia sẻ.

Nhìn từ dự án cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, Cảng biển, TS. Trần Khắc Tâm đánh giá, những năm qua, các dự án cao tốc Bắc – Nam, sân bay,... đường sắt được đầu tư xây dựng vận hành khai thác đã giúp liên kết vùng, giảm thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics. Như vậy, có thể thấy rõ được hiệu quả của các dự án giao thông.

Tuy nhiên, phát triển hạ tầng giao thông xanh còn nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài việc, quản lý, tập trung tăng trưởng và phát triển kinh tế, cần phải chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyên gia "điểm rõ" mấu chốt đầu tư vốn cho giao thông xanh không - Ảnh 2.

Cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: TA

TS. Trần Khắc Tâm cho rằng, khó khăn thường nằm ở bối cảnh tổ chức, bối cảnh xã hội nơi công nghệ và dự án cơ sở hạ tầng này cần được triển khai. Đặc biệt, với các nền kinh tế phát triển sẽ còn khó khăn hơn, bởi hạ tầng đã phát triển mà hạ tầng đó lại chưa được thiết kế ban đầu ngay để phục vụ cho mục tiêu gọi là giao thông xanh.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội cho rằng: Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 so với các ngành khác như ngành năng lượng, ngành nông nghiệp. Tỉ lệ khí phát thải trong giao thông là xấp xỉ 20%. Những giải pháp giảm phát thải trong giao thông là rất tích cực trong giai đoạn này.

"Chuyển đổi hướng tới giao thông xanh thì chúng ta đã có những chỉ đạo từ Chính phủ, từ các cơ quan chức năng. Hiện, Chính phủ đã có quyết định số 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan và carbon trong ngành GTVT. Đó là định hướng rất quan trọng", ông Hải chia sẻ.

Chuyên gia "điểm rõ" mấu chốt đầu tư vốn cho giao thông xanh không - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh: TA

Cần chiến lược phát triển đa dạng

Theo ông Hải, để giao thông xanh được phát triển mạnh mẽ cần nhiều điều kiện cần và đủ. Trong đó, cần có hành lang pháp lý, những tiêu chuẩn được ban hành thống nhất, định hướng trong công tác đầu tư, quản lý, có định mức nếu đưa vào hệ thống quản lý của thành phố. Quan trọng hơn hết, đó chính là nguồn vốn đầu tư cho các dự án, có những định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành một cách phù hợp đối với loại hình giao thông này.

"Đầu tư cho giao thông xanh không phải nhỏ, còn phải đầu tư cho hạ tầng. Cần có những chính sách hỗ trợ về giá, về vốn để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn", ông Hải nêu rõ.

Chuyên gia "điểm rõ" mấu chốt đầu tư vốn cho giao thông xanh không - Ảnh 4.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Ảnh: TA

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: "Để phát triển kinh tế xã hội của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào hạ tầng giao thông, logistics. Hiện nay, hạ tầng giao thông của chúng ta còn nhiều bất cập khi đường sắt còn lạc hậu, việc vận chuyển hành khách, hàng hóa phần lớn là đường bộ. Bên cạnh đó là đường biển, đường thủy nội địa, và đường bay.

Nêu ra giải pháp phát triển giao thông xanh, GS.TSKH Nguyễn Mại nêu ra các giải pháp: Thứ nhất, có chiến lược phát triển đa dạng hạ tầng giao thông, đa dạng hạ tầng logistics ở nhiều địa phương, kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tới các Cảng biển, ga đường sắt,...

Thứ 2, cần phải có công nghệ hiện đại, phải hình thành các chuỗi cung ứng một cách hoàn chỉnh. Để không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mà còn các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng này.

Thứ 3, phải hoàn thiện hạ tầng logistics trong nước bao gồm: Vận chuyển, kho bãi, thành một hệ thống đồng bộ hiện đại.

Thứ 4, khuyến khích đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với một cơ chế thích ứng với điều kiện hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cần có cơ chế hỗ trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại các nước đang phát triển, các nước kém phát triển, đảm bảo không có quốc gia nào, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi giao thông bền vững, chống lại ảnh hưởng bất lợi và rủi ro tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, nâng cao tính thích ứng và khả năng phục hồi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông.

Theo Bộ trưởng Thắng, phát triển giao thông xanh cần tăng cường hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành GTVT; hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xanh, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam coi phát triển GTVT bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics. Đồng thời, đang tích cực triển khai các chương trình, công ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) với mục tiêu chung tay thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem