Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít?

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 23/03/2023 18:38 PM (GMT+7)
Rất nhiều ý kiến sắc sảo, thực tế của các chuyên gia du lịch nước ngoài nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đông hơn tại buổi tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế".
Bình luận 0

Để khách quốc tế đến Việt Nam đông hơn, hãy biến mỗi vị khách là một đại sứ du lịch

Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít? - Ảnh 1.

Du khách chen chân tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Nhìn con số thống kê lượt khách quốc tế đến Việt Nam sau một năm mở cửa ( số lượng khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70%), có thể thấy thị trường này đang "đi" chậm hơn so với các nước trong khu vực, như Thái Lan đạt gần 10 triệu lượt khách; Singapore ước đạt gần 6 triệu lượt khách; Malaysia, Philippines, Indonesia đều đạt chỉ tiêu.

Điều này cũng nói lên rằng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khiến thị trường du lịch quốc tế chỉ đạt con số khiêm tốn đến vậy. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cũng đã nêu ra nhiều vướng mắc và giải pháp, đề xuất của các cơ quan quản lý là Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, lữ hành nhằm tháo gỡ và thúc đẩy phát triển ngành du lịch.

Mới đây (ngày 22/3) tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" do báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia du lịch nước ngoài cũng đã đưa ra những giải pháp, hiến kế làm thế nào để thu hút được nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam, đạt được con số 8 triệu lượt khách năm 2023, thậm chí là 10 triệu lượt khách.

Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro – Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT trình bày tham luận tại tọa đàm diễn ra ngày 22/3. Ảnh: Huy Hoàng

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro – Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT cho hay, theo nghiên cứu và thống kê, du khách quốc tế chi tiêu trung bình gấp 11 lần so với du khách nội địa, vì vậy Việt Nam cần tìm giải pháp để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, để họ không chỉ đến Việt Nam một lần mà họ quay trở lại làm nhiều lần, hãy để họ là những đại sứ du lịch cho Việt Nam.

"Tôi rất vui mừng thời gian vừa qua Việt Nam đã rất nỗ lực để phục hồi, phát triển, mở cửa du lịch, bằng chứng là nâng cao hiệu quả thủ tục hành chính; Mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa); Kéo dài thời hạn lưu trú theo thị thực; Tăng số lượng các quốc gia được miễn thị thực; Nỗ lực quảng bá trên thị trường quốc tế; Cải thiện cơ sở hạ tầng".

Tuy nhiên theo tôi, Việt Nam đang có những vấn đề đã gây ảnh hưởng khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn.

Tôi thường nói với sinh viên Việt Nam rằng, tôi không thích khi tôi gõ chữ Việt Nam ở youtube thì hiện lên những dòng chữ: "Làm thế nào đến Việt Nam để chi tiêu thấp nhất; Làm thế nào đến Việt Nam chi tiêu ít hơn 100 USD".

Tôi cho rằng, điều này dẫn tới việc thu hút phân khúc khách du lịch mà chúng ta không mong muốn, họ muốn đi du lịch rẻ nhất có thể, đấy không phải là loại khách có thể quay trở lại lần hai. Vì vậy vấn đề gây ảnh hưởng khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn đầu tiên tôi muốn nói đến đó là: Nhận thức của công chúng và truyền thông về Việt Nam.

Điều thứ hai đó là thủ tục hành chính rườm rà; Thứ ba là số nước được miễn thị thực còn ít; Khoảng cách từ các thị trường trọng điểm; Nỗ lực quảng bá chưa tương xứng; Tỷ lệ khách quay lại thấp và cuối cùng là rào cản ngôn ngữ.

Tôi đã thử học tiếng Việt sau 2 năm tôi đã bỏ cuộc, rất là khó, đặc biệt là có khách du lịch ở độ tuổi nhất định, họ tới chỉ ở một thời gian ngắn, nên khó để bắt họ đầu tư thời gian học tiếng Việt với những câu như: Cảm ơn; xin lỗi, gọi taxi… và như vậy nếu không có cách nào khắc phục rào cản ngôn ngữ này thì sẽ rất khó để khách quốc tế quay lại lần thứ hai", tiến sĩ Nuno F.Ribeiro nói.

Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít? - Ảnh 3.

Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Theo vị chuyên gia du lịch này, câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên hướng tới phân khúc khách quốc tế như thế nào?

"Tôi xin chia sẻ câu chuyện của tôi, cách đây 2 năm tôi đến Việt Nam với tư cách là du khách Tây ba lô, sau khi về nước, tôi nghĩ một lúc nào đó mình sẽ quay trở lại và bây giờ tôi đã quay trở lại Việt Nam.

Với khách Tây ba lô, là những vị khách họ ở thời gian lâu nhất, họ không quan tâm tới khách sạn sang, 5 sao hay 6 sao. Thời gian họ ở lâu, họ sẽ là những vị khách hiểu rõ nền văn hóa Việt Nam. Họ sẽ là những người có khả năng nhất truyền miệng về trải nghiệm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần quyết định thêm những khách hàng ở mức chi tiêu nhiều, khách hàng hạng sang, cung cấp cho họ những khách sạn hạng sang, để họ trải nghiệm những dịch vụ chất lượng, cao cấp", tiến sĩ Nuno F.Ribeiro cho hay.

Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro đã đưa ra ba giải pháp để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, đó là giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Cụ thể với giải pháp ngắn hạn trong thời gian 1 năm là: Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước; Tăng số nước được miễn thị thực; Tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm; Thực thi các luật và quy định du lịch hiện hành (liên quan tới hướng dẫn viên du lịch, ăn xin, v.v.); Thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương; Đầu tư mạnh để quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng.

Với giải pháp trung hạn thời gian từ 1 năm – 5 năm sẽ là: Giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng trước mắt (VD: giao thông, vệ sinh, viễn thông) dựa trên tính toán sức chứa của các điểm đến du lịch chính; Giải quyết các vấn đề về vệ sinh và tái chế cùng với chính quyền địa phương; Giải quyết các vấn đề về chất lượng dịch vụ bằng cách tuyển dụng lao động có trình độ từ nước ngoài và/hoặc triển khai các khóa (tái) đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có; Phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa văn hóa, thiên nhiên và cuộc sống đô thị; Xem xét lại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn cho 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền.

Và giải pháp trung hạn thời gian trên 5 năm là: Đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, lý tưởng nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường; Tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải; Đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, khách sạn ở các bậc trung học, đại học và sau đại học; Phát triển các khu vực cụ thể cho du lịch đồng thời bảo vệ các khu vực khác khỏi hoạt động du lịch quá mức; Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và hạn chế sử dụng tài nguyên dựa trên các chính sách phát triển bền vững.

Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít? - Ảnh 4.

Nhà tù Côn Đảo, một trong những điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong nước và du khách quốc tế. Ảnh: Huy Hoàng

Việt Nam cần tạo sức mạnh liên kết để quảng bá, truyền thông 

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận định, chính sách visa hiện tại của Việt Nam rất hạn chế và phức tạp so với các nước như Singapore, Thái Lan. Trong khi Thái Lan hiện đang cấp thị thực lên đến 60 ngày, Peru miễn visa đến 90 ngày… thì Việt Nam mới cho khách 15 ngày. Ngoài ra, visa điện tử (e-visa) chưa được áp dụng một cách đầy đủ. Ông Martin khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng mở rộng e-visa cho một số nước.

Theo chuyên gia này, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt tại cửa khẩu xuất nhập cảnh.

"Khi tôi tới Thái Lan hay các nước châu Á khác, nhân viên ở sân bay là những người tiếp xúc với khách du lịch đầu tiên, đều rất thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong khi đó, tại khu vực xuất nhập cảnh ở Nội Bài (Việt Nam), du khách cảm thấy các nhân viên nhập cảnh không cười, mặt rất nghiêm nghị, điều này khiến du khách cảm thấy mình không được chào đón. Chưa kể thời gian chờ đợi nhập cảnh cũng rất lâu, với những chuyến bay dài mười mấy tiếng, khi nhập cảnh tại sân bay của Việt Nam, họ lại phải chờ đợi 3 đến 4 tiếng, những du khách lớn tuổi họ sẽ thấy mệt mỏi và không thoải mái. Và như vậy họ sẽ không muốn quay trở lại Việt Nam, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines", ông Martin nói.

Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít? - Ảnh 5.

Đại Nội Huế là một trong những điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Ảnh: Huy Hoàng

Người nước ngoài nói gì khi du khách quốc tế đến Việt Nam quá ít? - Ảnh 6.

Du khách nước ngoài nghe hướng dẫn viên thuyết minh tại Đại Nội Huế. Ảnh: Huy Hoàng

Ông Andre’ Erasmus - Tổng giám đốc khách sạn Grand Mercure thì chia sẻ, ngoài rào cản thủ tục visa thì Việt Nam cần quảng bá, truyền thông mạnh mẽ giống như ở đảo Bali của Indonesia hay Thái Lan.

"Hai nước này họ đã làm rất tốt, họ liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân cùng các lữ hành, các nhà hàng, dịch vụ, các youtuber nổi tiếng, các Kols để cùng nhau làm truyền thông, cùng bắt tay đưa ra chiến dịch quảng bá", ông Andre’ Erasmus nói.

Theo ông Andre’ Erasmus, Việt Nam là một đất nước tươi đẹp với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và thơ mộng. Nhiều tiềm năng để khai thác du lịch từ thiên nhiên tới biển đảo, ẩm thực, văn hóa…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem