Chuyên gia: Putin không thể chịu được các cuộc khủng hoảng ở cả Kazakhstan và Ukraine
Chuyên gia: Putin không thể chịu được các cuộc khủng hoảng ở cả Kazakhstan và Ukraine
Tuấn Anh (Theo WP, Sputnik)
Thứ bảy, ngày 08/01/2022 10:47 AM (GMT+7)
Mặc dù chính phủ Kazakhstan đã ngắt mạng lưới Internet, nhưng tin tức gây sốc vẫn tiếp tục xuất hiện về các cuộc biểu tình bạo lực ở đó đã khiến cảnh sát phải trả đũa gay gắt trên toàn quốc, buộc Tổng thống nước này phải nhờ đến sự giúp đỡ của Tổng thống Nga Putin.
Lần đầu tiên, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã triển khai quân đội bên trong Kazakhstan, được cho là theo yêu cầu của Kazakhstan, để chống lại những công dân nổi loạn mà chính phủ hiện gọi là "những kẻ khủng bố". Vẫn còn sớm và còn nhiều điều chưa biết, nhưng có nguy cơ thực sự khiến cuộc khủng hoảng Kazakhstan có thể biến thành một vũng lầy mà Nga không dự tính tới.
"Đây là một kịch bản chưa từng có và không thể tưởng tượng được, khi chính phủ tự hào là mạnh mẽ và ổn định đã kêu gọi tổ chức do Nga lãnh đạo này can thiệp, khi tổ chức này chưa từng làm bất cứ điều gì như thế này trước đây", phó giáo sư Erica Marat của Trường Cao đẳng Các vấn đề An ninh Quốc tế thuộc Đại học Quốc phòng bình luận. "Về cơ bản đây là việc Kazakhstan đầu hàng chủ quyền của mình cho một lực lượng quân sự do Nga dẫn đầu. … Nó nằm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai", chuyên gia Marat nói thêm.
Marat cảnh báo rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Kazakhstan là trong nước, bắt nguồn từ nhiều thập kỷ bất bình đẳng xã hội, tham nhũng, nghèo đói và việc chính phủ không thực hiện lời hứa ban đầu về một hệ thống chính trị đa dạng và toàn diện hơn. Khủng hoảng của Kazakhstan thực chất là bắt nguồn từ các vấn đề kinh tế xã hội và hợp đồng xã hội bị phá vỡ giữa người dân và chính quyền, không liên quan gì đến Nga.
Nhưng giờ đây sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan đã thành một sự kiện địa chính trị, nên không thể bỏ qua những tác động đối với quan hệ Mỹ-Nga, vốn đang đạt đến đỉnh điểm đối với Ukraine. Việc Putin tập trung 100.000 quân Nga ở biên giới Ukraine nhằm buộc phương Tây phải đàm phán về những yêu cầu an ninh của Moscow, chẳng hạn như NATO rút lui về biên giới năm 1997. Có vẻ như những yêu cầu của Nga đã được kích hoạt, các quan chức hàng đầu của Mỹ sẽ tham gia một loạt cuộc họp với các quan chức Nga vào tuần tới.
Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn rất thận trọng khi đánh giá rằng, Tổng thống Putin không thể biết rằng Almaty sẽ bùng cháy ngay khi mối quan hệ của ông với Kiev và Washington sắp bùng nổ. Liệu Nga có cần những binh sĩ Nga đang ngồi ở biên giới Ukraine để triển khai tới Kazakhstan sớm hay không. Tính toán rủi ro của ông Putin chắc chắn đã thay đổi - và không có lợi cho một kế hoạch tấn công Ukraine nếu có.
"Tình hình bất ổn ở Kazakhstan đặt ra một câu hỏi cho Putin: Liệu ông có nên tiếp tục chiến dịch tăng cường sức mạnh quân sự ở sườn phía Tây của mình, hay ông nên giải quyết những mối nguy hiểm ở phía nam? Hay Putin có thể làm cả hai? " cựu đại sứ tại Ukraine và Uzbekistan John Herbst đã viết thư cho Hội đồng Đại Tây Dương nêu ra vấn đề này.
Theo quan điểm của ông Herbst: "Phương Tây nên khai thác lỗ hổng này để đảm bảo Putin không thể ra tay với Ukraine và đồng thời nắm quyền kiểm soát quân sự đối với Kazakhstan. Không ai đề nghị Mỹ can thiệp trực tiếp vào Kazakhstan, điều này sẽ chứng thực những cáo buộc vô lý của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev rằng những người biểu tình được nước ngoài ủng hộ. Thay vào đó, chúng ta nên tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cả lĩnh vực quân sự và ngoại giao, để thuyết phục Putin rằng tấn công Ukraine lúc này sẽ là một thảm họa".
Về mặt quân sự, chính quyền Biden vẫn chưa đồng ý cung cấp hoặc bán cho Ukraine một số mặt hàng mà họ cần để khiến chi phí cho một cuộc tấn công Ukraine cao đến mức nghiêm trọng. Quân đội Ukraine cần trang bị cho tác chiến điện tử, phòng không, hỗ trợ tình báo, hệ thống chống bắn tỉa, công nghệ thông tin liên lạc tiên tiến và máy bay trực thăng. Vào tháng 11, chính quyền Biden đã cử hơn hai tàu tuần tra.
Về mặt ngoại giao, các quan chức Biden đang cảnh báo Moscow về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga thực sự tấn công Ukraine. Cùng lúc đó, Biden đang cử một nhóm do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu đến gặp các quan chức Nga tại Geneva vào ngày 10 tháng 1. Churchill nói rằng, đối thoại tốt hơn chiến tranh: "Ông Putin không có lựa chọn nào khác khi phải ngăn Kazakhstan rơi vào tầm kiểm soát của phe đối lập Nazarbayev, Trung Quốc hoặc - thậm chí tệ hơn – là những người biểu tình. Nhưng ông Putin cũng không cần phải phát động một cuộc chiến mới tốn kém ở Ukraine. Đối với Putin, đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Phương Tây nên tận dụng lợi thế", chuyên gia này nêu quan điểm.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay vận tải quân sự nước này đang vận chuyển quân đội chủ lực của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan từ các sân bay tại khu vực Moscow, Ivanovo và Ulyanovsk. "Từ các sân bay ở khu vực Moskva, Ivanovo, Ulyanovsk, các lực lượng chính của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO của Nga tiếp tục được chuyển đến lãnh thổ của Cộng hòa Kazakhstan. Các binh sĩ dù từ đội quân gìn giữ hòa bình CSTO của Nga, đã thực hiện các cuộc hành quân trước đó, tại các sân bay vận tải Chkalovsky, "Ivanovo-Severny" và "Ulyanovsk-Vostochny", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Hiện tại, lực lượng lính dù đang vận chuyển quân trang và các loại vũ khí tiêu chuẩn. Lực lượng gìn giữ hòa bình đã đến Kazakhstan, bắt đầu thực thi các nhiệm vụ được giao và đảm bảo việc tiếp nhận và triển khai các lực lượng chủ lực của đội đã triển khai.
Trước đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev đã yêu cầu việc triển khai binh sĩ của CSTO. Ông Tokayev gọi tình hình trong nước là "cuộc xâm lược của các băng nhóm khủng bố được đào tạo ở nước ngoài". CSTO đã quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến Kazakhstan trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài quân đội Nga, lực lượng này sẽ bao gồm đại diện của Lực lượng vũ trang của 4 quốc gia khác là Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan. Lực lượng này sẽ bảo vệ nhà nước và các cơ sở quân sự, hỗ trợ các lực lượng của luật pháp thiết lập trật tự.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow cho rằng các sự kiện ở Kazakhstan có thế lực nước ngoài đứng sau nhằm nhằm phá hoại một cách thô bạo an ninh và tính toàn vẹn của nhà nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.