Chuyện kỳ lạ về những vật, xác trôi sông tại Ba Kẽm

Huỳnh Xây (Dòng đời) Thứ sáu, ngày 19/09/2014 19:29 PM (GMT+7)
Sông Ba Kẽm (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), từ lâu là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân miệt sông nước miền Tây mỗi khi đi ngang qua đây. Nhiều bí ẩn đồn thổi rùng rợn xung quanh khúc sông này đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Bình luận 0
Ba Kẽm thật ra là tên gọi một con sông lớn, có vị trí giáp ranh giữa Cù lao Tân Phong (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy,  Tiền Giang) và ấp Tân Thới (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). 

Về Ba Kẽm tìm vật trôi sông

Ông Trần Văn Mi, một người trên 60 tuổi và có hơn 30 năm làm nghề thợ lặn trên sông Ba Kẽm ở ấp Tân Thời chỉ về hướng sông vừa nói: “Từ xưa đến nay, năm nào cũng có hàng chục ghe tàu hoặc xác chết từ nơi khác trôi về sông này. Tùy thuộc vào thời tiết, nếu có giông bão lớn thì số lượng ghe tàu, xác chết trôi về đây sẽ càng nhiều. Nhiều người dân biết được quy luật này nên nếu có chuyện gì thì đi về đây tìm kiếm. Chính vì vậy mà trong dân gian có câu nói: Về Ba Kẽm mà tìm vật trôi sông”.
img Một đoạn sông Ba Kẽm.

“Vào năm 1996, có một đoàn ghe từ Vĩnh Long đi Châu Đốc (An Giang) bị chìm. Lúc đó người nhà tìm xác hoài không gặp, mấy ngày sau mới đi tìm theo dòng chảy và tìm thấy xác người thân nằm ở sông Ba Kẽm này. Sự kỳ lạ không dừng lại ở đây, bởi sau vụ đó, ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có một phụ nữ tự vẫn vì thiếu nợ ngân hàng, người nhà mướn nhiều thợ lặn tìm trong nhiều ngày không gặp. Cũng trong thời gian này, có lần tôi đi chài trên sông Bà Kẽm thì nhìn thấy xác chết trên nổi lên nên tôi báo cho người nhà đến. Có lẽ lưới chài của tôi đụng nhánh cây làm cho xác nổi lên...” - ông Mi hồi tưởng.

Ông Trần Văn Hiệp, ngụ ở xã Sơn Định quả quyết rằng: “Tôi có người cháu ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Khoảng 5 tháng trước đây, nó bận việc nên để con nó coi chiếc ghe. Ham chơi, con nó đã để cho chiếc ghe “biến” đâu mất. Sau một đêm tìm kiếm không gặp, cháu tôi định bỏ cuộc vì nghĩ có thể bị trộm. Khi hay tin trên, tôi đã nói cháu tôi về sông Ba Kẽm tìm. Kết quả, chiếc ghe đang quay tròn ở đây”.

Khi chúng tôi vừa chào ông Mi và ông Hiệp để ra sông thì có một đoàn khoảng 7 người vừa đi vừa nói tìm được xác của một người đàn ông  ở đoạn sông này. Ông Trần Văn Hy (quê ở An Giang), người trong đoàn cho biết: “Chúng tôi có người bà con chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Người này rất giỏi, thường đi nhiều nơi theo con nước và biết được nơi nào có nhiều cá, nơi nào có ít cá. Tuy nhiên, không biết lý do gì ông này tự nhiên mất tích lâu ngày, không tin tức gì. Gia đình và chúng tôi nghi ổng chết trên sông nên mấy ngày qua đã tìm nhiều nơi nhưng không gặp. May là hôm nay đến đoạn sông này lại tìm thấy được”.

Cũng theo ông Hy, lý do ông và đoàn người tìm đến đoạn sông này là vì người chết đã báo mộng cho gia đình, nói rằng đã chết nhiều ngày và trôi trên sông vô cùng lạnh lẽo, không ăn uống được gì, nhờ người nhà đi tìm đem về chôn cất, làm đám tang giúp. “Khi tìm thì phải đi nhiều người đến đoạn sông Ba Kẽm bởi nơi đó sâu và rộng lắm” - ông Hy thuật lại lời báo mộng. Một người dân địa phương tiếp lời, không những bà con họ được báo mộng, người dân ở đây cũng được báo mộng như vậy, có người còn được báo cụ thể hơn là xác ở gần bụi cây cuối đoạn sông, gần khu vực tàu ghe đang đậu…

Vòng xoáy - “thảm họa” của tàu ghe

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 30 năm trở lại đây, tại sông Ba Kẽm này đã xảy ra nhiều vụ chìm tàu ghe. Người dân địa phương không ai dám đến ứng cứu vì sợ sẽ bị nước cuốn trôi theo. Một số thợ lặn có tiếng ở nơi đây đã đến gần khu vực trên tìm hiểu. Sau đó, họ thấy ở khu vực thường xảy ra các vụ chìm tàu ghe có một vòng nước xoáy chảy rất nhanh, mạnh. Vì không thể tiếp cận với vòng nước xoáy này nên các chợ lặn đã quyết định đi ra xa và lặn xuống đo độ sâu, kết quả con sông ở đoạn này sâu khoảng 60m.
img Ông Trần Văn Rã chỉ đoạn nguy hiểm của con sông.

Theo ông Mi, một vòng nước xoáy mạnh ở giữa sông sẽ sẵn sàng nhấn chìm bất cứ tàu ghe nào khi đi qua, nhất là những lúc có gió giật mạnh, mưa bão. Gần đây, những người có tàu ghe bị nhấn chìm thường là người ở địa phương khác vì người dân ở địa phương đã bị “nếm mùi” nhiều lần nên biết và tránh xa. Thay vì đi thẳng qua vòng nước xoáy cho nhanh, người dân ở đây đi đường vòng để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Ông Trần Văn Rã (tên thường gọi là Tám Rã) – cũng là một trong những thợ lặn giỏi ở sông Ba Kẽm, thông tin: “Nước xoáy ở đây rất mạnh nên sẽ không ngại nhấn chìm bất cứ tàu ghe nào khi đi ngang qua đây. Để hạn chế tình trạng này, khi đến đoạn này, người lái phương tiện nên chạy vòng theo hướng phà Thới Lộc phía Chợ Lách rồi chạy thẳng lên huyện Cái Bè (Tiền Giang), tuy khoảng cách có xa nhưng đảm bảo an toàn. Đa số trường hợp chìm ghe đều do người phương xa lại, không biết nên bị vòng nước xoáy hút chìm”.

Qua giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi đã tìm được ông Thạch Phênh, quê ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) – người chuyên đi mua bán trái cây từ nhỏ đến lớn bằng thuyền. Ông Phênh chia sẻ: “Tôi đã từng trực tiếp chứng kiến cảnh một chiếc ghe chứa khoảng 6 tấn lúa và một chiếc chứa khoảng 5 tấn mía bị nhấn chìm”. 
Tương truyền, khoảng 200 năm trước, sóng đánh làm nước lở đi rất nhiều đất ở khu vực này nhưng đến gần mộ ông Ba Kẽm thì không lở mà còn tự động bồi lắp, dần dần thành khu vực rộng lớn như ngày nay.

Ngôi mộ cổ nằm cạnh con sông và những câu chuyện li kỳ

Mặc dù chúng tôi đã đi hỏi nhiều gia đình nhưng không ai biết tại sao con sông trên gọi là sông Ba Kẽm. Tuy nhiên, người dân lại đặt ra một nghi vấn, có thể là do ông Ba Kẽm – chủ ngôi mộ cổ ở ấp Tân Sơn (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã mất cách đây mấy trăm năm là người đào con sông này. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, 82 tuổi, ấp Tân Sơn kể: “Hai đời trước đây nhà tôi sống ở đây nhưng không biết mặt ông Ba Kẽm cũng như không ai biết ông là người ở đâu và mất năm nào. Thế nhưng không biết tự bao giờ, người dân nơi đây gọi ngôi mộ cổ nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Ngũ Hiệp thuộc xã Tân Sơn là mộ ông Ba Kẽm. Mộ này có 2 mộ nhỏ hai bên, người ta cho rằng đó là 2 người mọi theo để hầu hạ ông. Dân gian đồn những mộ được chôn theo hình thức trên là mộ của người quý tộc”.

 Ông cho biết thêm:  “Ông bà xưa nói, trước đây khu vực này toàn là rừng rú, rất có thể, ông Ba Kẽm là người có công lớn khai phá mảnh đất này, trong đó có con sông. Vì người dân chỉ lấy tên của người có công đặt tên cho  con sông, rạch, đoạn đường, cây cầu... Như khu vực này có sông Ba Kẽm, cầu Ba Kẽm, đập ông Thiệu, đập ông Vú... ”.

Ông Nguyễn Văn Tám, 80 tuổi, người trông coi ngôi mộ, cổ cho biết: Ngày xưa trước mộ có trồng một cây khế, có một người dân đến đốn thì cây khế chạy xung quanh mộ khiến người đó hốt hoảng và về nhà bệnh đến chết. Thêm một câu chuyện mang màu sắc huyền tích nữa là, giữa đêm, ông Tư Thiệu - có nhà gần ngôi mộ - thấy xuất hiện một ánh sáng vàng chói bay lên từ lòng đất rồi vụt đi mất. Ông Thiệu cho đó là vàng chôn dưới đất lâu năm rồi bay lên trời. Hôm sau ông này lấy cuốc đào tìm vàng thử nhưng không thấy, ông bèn trồng một bụi tre làm dấu nơi vàng bay lên. 

Theo ông bà xưa kể, bia mộ ông Ba Kẽm có khắc tên, song ngày nay không còn nữa. Hằng năm, dân làng đều cúng giỗ ông Ba Kẽm. Dù dân mình không biết gốc tích về ông này nhưng dù sao mảnh đất này đã có những nơi ghi tên Ba Kẽm thì ít nhiều ổng cũng có công” - ông Tám Cụt bộc bạch. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem