Chuyện kể rằng, cụ Phan, tục danh là San, nguyên xuất thân con nhà hàn nho hiếu học, mới 15 tuổi đã có tiếng “thần đồng”, năm 18 tuổi đỗ đầu xứ trong một kỳ hạch tuyển các thí sinh tại tỉnh Nghệ An, nên người đời lúc bấy giờ gọi ông là “Đầu xứ San”.
Tuy học giỏi văn hay, tài cao chí lớn hơn người, nhưng qua mấy khoa thi Hương đều bị hỏng! Không thất chí, Phan xin thụ giáo cụ đồ Sơn ở làng Đông Chử, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ để nhờ thầy chỉ dẫn lối hành văn cho hợp với thể thức khoa trường, cho khỏi phụ lòng ao ước của nghiêm đường.
Cụ đồ Sơn, tức Cử nhân Nguyễn Thúc Tự, hiệu Đông Khê, từng làm quan đến chức Chánh sứ Sơn phòng, hàm Tam phẩm, ngang hàng với chức Bố chánh, nhưng sau đó treo ấn từ quan, về nhà dạy học – cụ đồ Sơn không chỉ là bậc thầy về kinh sử và nhân cách, mà còn có biệt tài đào luyện, nên hầu hết các môn sinh đều thi đỗ đại khoa.
Phan Bội Châu bị an trí tại Huế và được gọi là ông già bến Ngự kéo dài gần 15 năm (1926- 1940).
Mấy ngày đầu, Đầu xứ San làm bài nào cũng bị thầy phê “liệt”! Tức mình, bèn hỏi tôn sư:
- Thưa thầy, San tuy không tài giỏi, hay ho gì hơn ai, song các sĩ phu đều công nhận San là kẻ có học thức ít nhiều, chẳng rõ vì lẽ gì mà từ ngày tới tập bài với thầy đến giờ không bài nào mà khỏi bị phê “liệt” cả?
Cụ Sơn đáp:
- Tôi cũng công nhận anh học giỏi và hay chữ hơn tôi. Song anh chưa đỗ Hương thí, mà đã hành văn theo lối thi Hội, thi Đình, nên tôi phải phê “liệt”, để anh nhớ mà thay đổi lối văn chương cho trúng tuyến mà thôi.
- Vậy xin thầy chữa cho một bài để làm kiểu mẫu.
- Được, tôi sẽ sửa cho anh một bài để anh bắt chước. Hành văn trước hết cần phải gạt bỏ những chữ phù phiếm, đừng cầu kỳ lập dị, và nhứt là phải sát với đề mục.
Nhờ vậy, từ đó trở đi, trong những lần thi “viết hương” (hạn thời gian làm bài là tàn một cây hương), bài nào Phan cũng được phê “Ưu” hoặc “Bình”.
Tài học Đầu xứ San vượt hẳn các đồng môn. Giai thoại văn học: sáng sớm hôm ấy, có một người khăn đen áo dài, mang trầu rượu đến xin thầy một đôi câu đối để phúng điếu Nhạc đường, cụ liền bảo các học trò mỗi người làm một câu, để cụ chọn mà trao cho người ấy.
Trong khi mọi người còn đang nghĩ ngợi, Đầu xứ San đã làm xong hai câu như sau:
Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô thống hận/ Tử tuy vân bán, nhân tình thúy khả bán ai tư.
(Con gái được coi không, nhưng lẽ trời há lại không đau xót? Con rể tuy là phần nửa, nhưng lòng người ai nở nửa sầu thương?).
Đọc, thầy khen ngợi Đầu xứ San thật là hay chữ, và chọn lấy câu ấy đưa cho người nọ.
Cuối năm học, cụ Sơn bảo Đầu xứ San rằng: “Anh hãy thu xếp mà về nghỉ ngơi một đôi tháng đặng đi dự thi Hương khoa (Đinh Dậu, 1897). Thế nào anh cũng giựt giải nguyên trường Nghệ An. Quyết không tay nào tranh được anh đâu”.
Vâng lời, đến tháng 3 năm sau, Đầu xứ San dự thi...
Tại “trường đệ nhứt”, Phan làm bài Kinh nghĩa, và nạp quyển trước hồi trống thu không. Các bài ấy đều được các quan sơ khảo, phân khảo, phúc khảo và giám khảo chấm phê “Ưu” và “Bình”. Nhưng thật trớ trêu, sang “trường đệ nhị”, giữa lúc Phan đang cắm cúi làm bài, bỗng có người từ lều khác chạy ào sang hỏi chữ, bị quan trường phát hiện nên hoảng sợ bỏ chạy, đang cơn quýnh quáng vứt lại một quyển sách nhỏ, chữ viết li ti như kiến.
Luật lệ trường thi bao giờ cũng cấm sĩ tử mang “tài liệu” vào và cũng cấm ngặt chạy qua lều người khác để trò chuyện, trao đổi, do đó cụ Phan bị khép tội “Hoài hiệp văn tự”, lập tức “giải giam cứu”, để rồi phải lãnh án “chung thân bất đắc ứng thí”.
Sau, do văn chương lỗi lạc mà các quan đại thần biết đến, mới tâu lên. Vua Thành Thái cho minh xét tận tường, nên cuối cùng cho tiêu hủy bản án kỳ quặc ấy. Thế là Phan được tiếp tục ứng thí trong những kỳ thi tới. Và, như chúng ta đều đã biết, trong một khoa thi sau đó, năm Canh Tý (1900) cụ đỗ Thủ khoa tại trường thi Nghệ An – có 30 người thi đậu.
Nhờ được giám khảo vốn là thầy dạy của mình cho biết, lần này nhờ cố hãm bớt “cái tài” của mình lại, nên quan trường công đồng táo bạo là, cho yết riêng tên cụ một bảng. Vinh diệu biết dường nào!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.