Những ngôi sao khoa cử xưa của nước Việt khiến “láng giềng phương Bắc” phải kiêng nể

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ ba, ngày 08/07/2014 07:00 AM (GMT+7)
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam khoa thi nào cũng có người đậu (trúng tuyển). Tất nhiên trong số đậu phải có người đậu đầu, nhưng những người đậu đầu ấy không phải hễ thi thì đậu, có khi họ phải "nấu sử sôi kinh nhừ tử", năm lần bảy lượt mới trả được "nợ sách đèn". Tuy nhiên cũng có khá nhiều người đi thi, không hề biết trượt là gì!
Bình luận 0
Xưa, ở nước Việt ta có 3 khoa thi, gồm thi Hương (lấy Tú tài, Cử nhân, tổ chức tại các xứ, có tính khu vực), thi Hội (lấy Tiến sĩ, do Bộ Lễ trực tiếp trông coi nên gọi Lễ vi) và thi Đình (lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp… do nhà vua chủ trì khảo thí tại sân triều đình). Trong 3 khoa thi ấy, chúng ta hết sức tự hào vì đã có đến 3.415 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 251 đỗ Tiến sĩ đệ nhất giáp gồm 199 Trạng nguyên, 69 Bảng nhãn, 69 Thám hoa. Tính chung cả tam giáp có đến 2.675 vị.
img Khi cuộc thi bắt đầu, các quan chủ khảo ngồi trên chiếc ghế cao (Ảnh sưu tầm, nguồn: internet)

Càng tự hào hơn khi được biết trong số ấy đã có ít nhất 17 vị đỗ đầu cả 2 kỳ thi Hội (gọi là Hội nguyên hay Khôi nguyên) và thi Đình (gọi Đình nguyên). Trong đó có: 4 vị đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Trạng nguyên là các ông:

Nguyễn Xuân Chính (khoa Đinh Sửu, 1637), Lê Nại (khoa Ất Sửu, 1505), Nguyễn Thiến (khoa Nhâm Thìn, 1532) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (khoa Ất Mùi, 1535).

- 6 vị đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Thám hoa là các ông: Nguyễn Đăng Hạo (khoa Bính Tuất, 1646), Vũ Công Tể (khoa Mậu Tuất, 1718), Đặng Thi Thố (khoa Kỷ Mùi, 1559), Nguyễn Giáo Phượng (khoa Bính Tuất, 1586), Giang Văn Minh (khoa Mậu Thìn, 1628) và Nguyễn Minh Triết, tức Nguyễn Thọ Xuân (khoa Tân Mùi, 1631).

- 5 vị đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Hoàng giáp là các ông: Phí Văn Thuật (khoa Canh Thìn, 1640), Nguyễn Quyền (khoa Đinh Sửu, 1697), Hồ Sĩ Đống (khoa Nhâm Thìn, 1772), Bùi Dương Lịch (khoa Đinh Mùi, 1787 – chế khoa) và Nguyễn Văn Giai (khoa Canh Thìn, 1580).

- 1 vị đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Tiến sĩ là ông Nguyễn Công Trạc (khoa Giáp Tuất, 1694).

- 1 vị đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, đồng Tiến sĩ là ông Nguyễn Đình Trụ (khoa Bính Thân, 1656).

img Một bài làm của sĩ tử trong kỳ thi Hội khoa thi 1913 (Ảnh tư liệu)

Lại càng cực kỳ tự hào về những con người vĩ đại sau đây, hễ thi thì đậu và hết sức đặc biệt là đều đậu đầu bảng của cả 3 khoa Hương, Hội và Đình. Đó là ông: Đào Sư Tích, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp (khoa Nhâm Dần, 1602); Phạm Đôn Lễ, đỗ Đình nguyên Trạng nguyên (khoa Tân Sửu, 1481); Vũ Dương, đỗ Đình Nguyên Trạng nguyên (khoa Quý Sửu, 1493); Nguyễn Đăng, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp (khoa Nhâm Dần, 1602); Lê Quý Đôn, đỗ Đình nguyên Bảng nhãn (khoa Nhâm Thân, 1752); Ngô Thì Sĩ, đỗ Đình nguyên Bảng nhãn (khoa Bính Tuất, 1766 – con của Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm); Trần Bích San, đỗ Đình nguyên (khoa Ất Sửu, 1865 – con của Phó bảng Doãn Đạt); Nguyễn Khuyến, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp (khoa Tân Mùi, 1871 – có con đậu Phó bảng); Vũ Phạm Hàm, đậu Đình nguyên (khoa Nhâm Thìn, 1891).

img Các tân khoa dược Tổng đốc thay mặt nhà vua ban yến (Ảnh tư liệu)

Và hơn hết là ông Nguyễn Hiền, đậu Đình nguyên Trạng nguyên lúc mới 13 tuổi, dẫn đầu 48 Tiến sĩ trong khoa Đại tỷ năm Đinh Mùi, 1247. (Nhà sử học đầu tiên của nước ta là ông Lê Văn Hưu đậu Bảng nhãn năm ông mới 18 tuổi).

img Các tân khoa được ban mũ, áo, hia (Ảnh tư liệu)

Cá biệt, những con người xuất sắc trong khoa cử ngày trước có Trạng nguyên Nguyễn Trực (đỗ khoa Nhâm Tuất, 1442 – khoa này có 3 vị đỗ Tiến sĩ cập đệ, 7 vị đỗ Tiến sĩ xuất thân và 23 vị đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Đây là khoa thi đầu tiên các Tiến sĩ được vua Lê Thái Tông cho khắc tên vào bia dựng ở văn miếu để "phấn chấn lòng người văn học").

Nguyễn Trực  nhân đi sứ sang Trung Quốc, gặp khoa, nghĩ rằng đây là dịp may hiếm có để thử so tài với sĩ nhân Trung Hoa, bèn tâu lên, được vua Tàu đặc cách cho thi. Kết quả thật bất ngờ, ông đã đỗ ngay Trạng nguyên, trở thành danh Trạng nguyên cả hai nước! Không chỉ thế, cũng trong khoa thi này, Bảng nhãn Trịnh Thiết Tường người cùng đi trong sứ đoàn, đỗ sát kế đó, vua Tàu cũng phong ngay "Lưỡng quốc Bảng nhãn". Thế là khoa ấy, các ông Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Tường của Việt Nam đã trở thành những người vĩ đại nhất của Trung Quốc thời bấy giờ.

Lại một trường hợp hi hữu nữa, đó là ông Phan Cảnh (cũng gọi Phan Kính) sau khi đỗ Thám Hoa đầu khoa Quý Hợi, 1743 (khoa nầy không lấy Trạng Nguyên và Bảng Nhãn), ông được bổ làm Kinh lược sứ ở vùng biên giới Việt Trung (Tuyên Quang – Vân Nam), có làm quen với viên Tham phủ họ Hoa (cũng đỗ Thám hoa năm Quý Hợi, triều nhà Thanh), hai người có làm những vần thơ xướng họa thể hiện mối tình bang giao sâu đậm giữa văn nhân hai nước, vua Càn Long nghe biết, cảm phục văn tài đức độ của Phan Cảnh nên đặc tứ gia phong "Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa" và ban tặng ông chiếc áo cẩm bào.

Những hiện tượng này đã khẳng định tư chất thông minh tuyệt vời của người Việt Nam, tích cực góp phần tô thắm những trang sử vàng son dân tộc, làm cho ngoại bang phải kiêng nể nước ta, củng cố quan hệ bình đẳng trong bang giao. Cho đến thời Lê – Trịnh, thấy nội lực nước ta khi ấy đang suy yếu, mới dám kéo quân sang, nhưng cũng đã bị vua Quang Trung cầm quân đánh cho tan tác.

img Bác Hồ đọc bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc tử giám (Ảnh tư liệu)

Một học giả Trung Hoa, ông Châu Sán, từng chép trong tập "Sứ giao kỷ sự" về tình trạng trường thi của nước ta: "Nước ấy thi cử, không có nhà cho học sinh, chỉ lấy trúc làm lều che, khi làm văn, phục xuống đất mà viết".

Đọc, ta không thể không đau lòng cho cái nghèo, cái thiếu tất yếu của nước nhà cứ liên miên ngập chìm trong can qua khói lửa! Nhưng ta sẽ tỉnh táo ngay khi bắt gặp đoạn văn với những nhận xét khách quan sau đây của Chử Giá Hiên (cũng là nhà học giả Trung Hoa) trong sách "Kiên biều dư tập":

Nước An Nam cách nước Trung Quốc mấy nghìn dặm. Bề ngoài tuy có tiếng là chịu ảnh hưởng Trung Quốc, nhưng sự thực thì tự xưng Hoàng đế một nước, tự đặt niên hiệu riêng, pháp luật riêng, rồi chia nước ra làm mấy đạo, cũng như các tỉnh của Trung Quốc vậy. Trong các đạo, có một đạo gọi là An Bang đạo, người ta thấy có tập "An Bang hương thí lục" chép rằng: " Khoa thi năm Hồng Đức thứ hai (1471), kỳ đệ nhất, thi 4 bài kinh nghĩa, hỏi về Ngũ kinh. Kỳ đệ nhị thi một bài chiếu. Kỳ đệ tam thi một bài thơ và một bài phú. Kỳ đệ tứ thi một bài văn sách cực dài". Xem thế thì phép kén chọn nhân tài của nước ấy, so với Trung Quốc có phần tường tận hơn. Mà những câu đối liên ở trong bài biểu, bài phú, văn thi của họ đều rất hay". (Ghi lại trong "Kiến văn tiểu lục" – Lê Quý Đôn.

Những ngôi sao rực sáng trong vòm trời khoa cử ngày xưa của nước Việt Nam luôn soi đường tỏ rõ để các thế hệ đời sau nối tiếp. Và ngay trong thời điểm hiện nay, nhân dân ta hết sức tự hào vì đã thấy có không ít ngôi sao mới đã và đang hiện ra tỏ rõ, lấp lánh trên bầu trời khoa học thế giới.

(Tài liệu tham khảo chính: Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục; Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục. Nxb. Tp. HCM, 1993.)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem