Cơ cực phận nữ nhi bám biển - Kỳ 1: Làng góa bụa

Gia Tưởng Thứ ba, ngày 20/10/2015 06:37 AM (GMT+7)
Đi dọc đê biển Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào buổi chiều, chỉ thấy toàn phụ nữ, người già và trẻ con. Các chị, các mẹ đứng chờ chồng, chờ con từ biển về. Nhưng cũng không ít người chỉ nhìn ra biển một cách tuyệt vọng... Để tiếp tục mưu sinh, họ trở thành những cửu vạn bất đắc dĩ, việc nặng nhọc nào cũng làm.
Bình luận 0

“Lấy chồng đi biển là hồn treo cột buồm”, câu nói đó phụ nữ ven biển ai cũng thuộc. Nhưng thấm nhất và cũng đau xót nhiều nhất là những người đã mất chồng trên biển ở Ngư Lộc. Đàn ông đi biển không về, đã biến nhiều người phụ nữ ở Ngư Lộc thành những trụ cột bất đắc dĩ, để bám trụ với biển, đánh vật với cuộc sống hàng ngày. Trong sự khắc khoải, họ không nguôi nghĩ về phép màu rằng một ngày nào đó, biển sẽ trả chồng về với mình để tiếp tục sống.

Ngày “giỗ làng”

Ngư­ Lộc xưa kia gọi là Diêm Phố, người dân sống dọc theo con đê biển dài chừng 4km. Năm 1931, làng biển này có tới 344 trai đinh đi biển không về chỉ sau một cơn bão. Làng xóm nơi đây không khí tang thương khi ấy còn hơn trải qua một trận càn của giặc. Hậu quả của ngày tang bão đó, rồi cũng được thời gian làm phôi phai đi ít nhiều, vì những người vợ, người mẹ thời đó cũng đã theo chồng, theo con về với biển. Nhân dân địa phương đã lập ngôi miếu thờ 344 người con của Ngư Lộc. Đến tháng 8 âm lịch hàng năm, dân làng không đi làm mà chuẩn bị vàng hương, hoa quả ra biển cúng. Nhiều gia đình còn làm cả bè mảng bằng giấy, cúng xong hóa xuống biển để tưởng nhớ người thân của mình trong trận bão kinh thiên động địa đó. Họ cúng cầu cho những người đã khuất được siêu thoát dưới đáy biển cùng long vương, phù hộ cho người làng trúng nhiều tôm, cá và được bình an mỗi khi ra khơi.

img

 Bất kể mưa to, gió lớn, những người phụ nữ góa bụa vẫn nhẫn nại chờ việc bên bờ biển. Ảnh: G.T

Trận giỗ làng gần nhất là vào tháng 10.1996, khi xã Ngư Lộc chỉ trong một đêm đã mất đi 51 người đàn ông. Họ bỏ lại mái ấm và những người đàn bà đau khổ. Nhớ về những ngày tang tóc của làng, xã năm đó, bà Phạm Thị Lá (63 tuổi, thôn Thắng Tây) kể: “Đi tới mô trong làng cũng nghe tiếng khóc, lúc thì gào gọi, lúc thì rấm rứt, khói hương thắp cho người chết mù mịt khắp làng. Trẻ con trong làng từng đám đội khăn trắng, đàn bà túm tụm nhau mặc áo xô. Những ngày đó cả làng gặp nhau chỉ biết lau nước mắt chứ chẳng ai cười nổi lấy một tiếng”.

Do người dân đi biển thường đi theo phiên, vì tính theo lịch trăng, nên khi gặp bão thường tử nạn cùng nhau. Vì thế, thường có những ngày “giỗ làng”. Tuy tang tóc là vậy, nhưng chưa bao giờ người dân Ngư Lộc quay lưng lại với biển. Bởi thực tế, biển đã nuôi sống hơn 30.000 người trong xã này. Do nơi đây không có đất canh tác, mọi cuộc mưu sinh chỉ có thể trông chờ vào biển.

Gánh nặng góa bụa

Chiều đến, trên khắp mặt đê chắn sóng trước xã Ngư Lộc, chỉ thấy toàn trẻ con chạy nhảy vui chơi, ông Hoàng Xuân Ngọc (54 tuổi) giải thích: “Sống ở vùng biển, đàn ông quan trọng lắm. Nhà nào cũng phải kiếm kỳ được con trai để sau này kế nghiệp đi biển. Do vậy, xã tôi lúc nào trẻ con cũng đông hơn nơi khác, mật độ dân số có khi cao nhất cả nước”.

Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc, tính từ năm 1996, năm nào xã cũng có người chết vì đi biển. Toàn xã có khoảng 150 phụ nữ chịu tang chồng khi đi làm nghề biển.  

Nghe ông Ngọc nói tôi cũng chỉ lờ mờ hiểu. Đến khi gặp những phụ nữ góa chồng vì biển, tôi mới hiểu được sự hẫng hụt, mất mát, khủng khiếp là thế nào khi nhà vắng bóng đàn ông.

Đã gần 20 năm từ khi người chồng Lê Văn Sơn đi biển không về, bà Phạm Thị Nở - em gái bà Lá chẳng ngày nào nguôi thương nhớ. Bà phải một mình gánh vác việc nuôi 3 đứa con bằng nghề cửu vạn. Mỗi khi nhắc tới người chồng, nước mắt lại chảy dài trên gò má sạm nắng của người đàn bà hơn 50 tuổi này. Bà kể: “Lúc chồng tôi mất, ông ấy mới 41 tuổi, là người có sức khỏe hơn người và đi biển giỏi có tiếng trong xã. Chồng khỏe mạnh, tôi chịu khó làm việc nên kinh tế gia đình cũng khấm khá. Nhưng cơn bão hung ác năm 1996 đã cướp mất ông ấy, để lại mình tôi và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Một mình tôi đầu tắt mặt tối suốt ngày ngoài bãi biển. Ai thuê gì làm đó, lúc thì vác đá, lúc thì khênh cá, khênh lưới, máy móc, cái gì cũng khênh hết để nuôi con”.

Nhiều lúc đau yếu, bà Nở cũng chẳng dám nghỉ. Nhưng sức vóc có hạn, tuy bà vất vả đến vậy cũng chỉ đủ rau cháo cá vụn qua ngày. Chồng mất, nhà cửa chẳng sửa sang hay kiên cố được, mỗi lần bão gió ập về là mấy mẹ con bà Nở chỉ có nước ôm nhau khóc vì sợ nhà sập. Rồi 4 mẹ con lại lếch thếch sang nhà hàng xóm tránh nhờ tới khi bão tan mới dám về.

Nhắc đến người chồng đã đi xa, bà Đồng Thị Quyên (52 tuổi) ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc chưa nguôi nỗi đau. Bà cho biết: “Năm 1996, ông thoát chết, về được tới nhà với vợ con, nói sẽ bỏ nghề đi biển. Nhưng là đàn ông, không được đi biển ông buồn lắm, chiều về lại ra bờ kè ngồi thẫn thờ ngắm khơi xa. Nhất là mỗi khi thấy anh em chòm xóm chuẩn bị đi câu mực, đi biển về là ông ấy cứ nhấp nhổm. Thế là năm 2010, ông lại đi biển tiếp. Không may, lần này, ông ấy không thoát khỏi bão tố, vĩnh viễn nằm lại lòng biển. Đi cùng ông ấy còn có 8 người đàn ông khác của làng”. Mất chồng là mất đi 80% thu nhập của gia đình. Tuy lúc đó, gia đình bà Quyên được chính quyền đoàn thể hỗ trợ, nhưng chẳng thấm vào đâu. Đàn con chưa đủ lớn để đỡ đần mẹ việc nặng. Bà chỉ biết làm việc vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng để kiếm tiền nuôi con.

Cũng may trong làng, trong xã, có nhiều chị em cùng cảnh góa bụa, tập hợp thành những tổ bốc vác. Họ sống nương tựa vào nhau, cùng nhau làm việc và bảo ban con cái. Đây cũng là truyền thống của đàn bà vùng biển Ngư Lộc. Dù có mất mát, nhưng họ vẫn phải chấp nhận, phải nuốt nỗi đau vào trong. Bởi dù xót xa với những người ra khơi không trở lại, nhưng cuộc sống của những người ở lại vẫn phải bám lấy biển như một điều bất biến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem