Cơ cực phận nữ nhi bám biển - Kỳ cuối: Tóc dài trên biển cả

Phan Phương Thứ năm, ngày 22/10/2015 06:34 AM (GMT+7)
Xưa nay, nghề đi biển vốn chỉ dành cho những người đàn ông sức dài vai rộng. Thế nhưng ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có những người đàn bà theo chồng đi biển đã gần 40 năm. Câu chuyện về họ tuy đầy nỗi vất vả nhưng cũng vô cùng ly kỳ và thú vị...
Bình luận 0

40 năm theo chồng đi biển

Mấy ngày qua biển động, chiếc thuyền câu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sả và bà Hoàng Thị Lé ở xã Bảo Ninh không ra khơi. Khi chúng tôi đến nhà hỏi chuyện về nghề đi biển, bà Lé cười hồn hậu: “Nghề biển có chi mà kể. Tui cũng quăng lưới, bủa lưới đánh cá, câu mực, câu tôm như bao người đàn ông khác thôi. Có điều, tui đi biển với chồng thì ông không nhậu nhẹt, lại lo được cho ông ấy 3 bữa cơm nóng hổi, ngọt ngon”.

img

Bà Hoàng Thị Thương chuẩn bị ngư cụ để ra khơi.  Ảnh:  Phan Phương

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát của bà Lé, ít ai ngờ năm nay bà đã ngoài 60 tuổi và có gần 40 năm theo chồng đi đánh cá trên biển. Bà kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề biển, nhà lại không có con trai nên năm lên 15 tuổi đã theo cha ra biển thả lưới, đánh cá. Lập gia đình rồi ra ở riêng, tôi tiếp tục theo chồng đi biển. Cuộc sống, cơ nghiệp của vợ chồng tôi cũng chắt chiu từ những chuyến đi biển…”.

Gần 40 năm qua, mỗi năm có gần 300 ngày bà Lé cùng chồng lênh đênh trên biển. Thường nhật, 2 ông bà thức dậy từ 3 giờ sáng, đánh  thuyền ra biển Nhật Lệ, cách bờ khoản 10-15 hải lý cũng là lúc mặt trời vừa lên. Trong thời gia đó, bà Lé đã kịp chuẩn bị cho 2 vợ chồng một bữa sáng nóng hổi. Bà Lé cho biết, mỗi ngày 2 vợ chồng thả 5 tấm lưới. Lúc mặt trời đứng bóng thì vợ chồng bà đã thả lưới xong. “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng vất vả vô cùng. Những ngày hè thì nắng đỏ trốc (đầu), ngày đông biển động, những cơn sóng nhào giật liên tục như muốn hất tung vợ chồng tôi ra khỏi thuyền. Ngồi trên thuyền  trong những lúc đó đã khó, song tôi vẫn cố nấu bữa cơm ngon cho chồng”-  bà Lé tự hào kể với tôi.

Đến trưa, ông bà thu lưới, phân loại cá ngay trên thuyền. Bà khéo léo gỡ cá, nhốt cá vào lồng để cá vẫn sống khi vào bờ. Về đến bến  khoảng 3-4 giờ chiều, bà Lé lại tất tưởi mang những món quà tươi rói của biển lên chợ Đồng Hới bán cho người dân thành phố. Khi bà trở về nhà cũng là lúc phố đã lên đèn.

Gần 40 năm qua, đều đặn số tiền 2 vợ chồng bà kiếm được trong một ngày làm việc quần quật 18 giờ trên biển cũng đủ  lo cho 3 đứa con ăn học nên người. Không những thế, bà còn tiết kiệm để hỗ trợ con cái cất nhà khi dựng vợ, gả chồng.

Nhiều ngày tác nghiệp ở làng biển Bảo Ninh, tôi đã nghe nhiều câu chuyện ly kỳ của người phụ nữ đi biển. Nhiều người  bây giờ đã già, không còn đi tàu lớn ra xa bờ được nữa, nhưng nỗi nhớ biển trong họ không bao giờ nguôi. Bà Nguyễn Thị Tần (61 tuổi, ở làng Sa Động, Bảo Ninh) chiều chiều vẫn ra bến thuyền ngắm những tàu lớn vừa trở về từ biển cả. Bà kể: “Ngày trước, khi còn thanh niên, tôi cùng mấy chị em trong làng đi tàu của hợp tác xã, chở gạo từ sông Gianh về Nhật Lệ. Sau đó chúng tôi cùng các thuyền viên khác dong buồm ra khơi, đánh bắt hải sản. Gần chục năm nay không còn đi được tàu lớn, tôi lại cùng chồng thả lưới cách bờ 5-10 hải lý. Không đi, tôi nhớ biển không chịu nổi”.

Suýt đẻ rơi trên biển

"Biết tôi mẹ tròn con vuông, chồng tôi mới hết run, quay lại mắng tôi té tát vì cái tội đã sắp đẻ rồi mà còn nằng nặc đòi đi biển”. 

Bà Thương chia sẻ

Đã gần 40 năm theo chồng vượt sóng mưu sinh, nhưng bà Hoàng Thị Thương (57 tuổi) vẫn không quên cái ngày đầu tiên ra lộng. “Trước khi lấy chồng, tôi không đi biển. Lấy chồng được 1 năm, sinh con đầu lòng xong thì nhà neo người quá, tôi đánh liều đi biển cùng chồng. Mà lạ, chưa đi biển lần nào, nhưng tôi xuống thuyền lại không say sóng. Chuyến biển đầu tiên đi 2 đêm 1 ngày, tôi đi êm ru. Nhưng khi lên bờ thì người cứ nhấp nhô cùng sóng. Đứng trên mặt đất mà đầu cứ lâng lâng, nhẹ bẫng. Cảm giác đó kéo dài đến mấy chuyến biển, lâu dần mới quen” – bà Thương chia sẻ.

Lấy chồng có 4 mặt con, nhưng kỷ niệm về lần sinh con gái thứ 3 khiến bà Thương không khỏi “tự hào” về sự may mắn của mình. “Tôi nhớ rất rõ hôm đó là ngày 26.5.1991, dù bụng chửa vượt mặt, tôi vẫn quyết định theo chồng đi một hai chuyến nữa rồi mới ở nhà sinh con. Hôm đó, khi đang đánh cá chũa cách bờ 20 hải lý, tôi đang cố sức kéo con cá 20kg đầu mũi tàu thì bụng chợt quặn đau và bỗng xoẹt, vỡ ối. Tôi cuống chân cuống tay, nhưng vẫn giữ cần câu, gọi chồng lại đỡ. Chồng tôi sợ quá, kéo cá lên boong thì đỡ tôi ngồi xuống. Tôi nói chồng rải cho tôi tấm bạt, định bụng nếu sinh là tôi sinh con ở trên tàu, hút mũi với nước trong miệng con, để dây rốn đấy rồi vô trạm xá cắt. Khi đó là 2 giờ chiều, chồng tôi cho máy chạy hết công suất khiến máy nóng suýt cháy tàu.  Chồng tôi vừa cho tàu chạy, vừa quay lại nhìn vợ đang ôm bụng quặn đau. Khi tàu về đến cửa biển, ông ấy cho chạy thẳng vào Trạm quân y Biên phòng Nhật Lệ. Tôi sinh con lúc 5 giờ chiều. Lạy trời, con bé nặng 3,5kg, hồng hào, trắng trẻo. Chồng tôi khi đó mới hết run,  quay lại mắng tôi vì cái tội không chịu ở nhà, cứ đòi đi biển”- bà Thương cười hiền bộc bạch.

Suốt bao năm lênh đênh trên sóng nước, cuộc đời bà Thương cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, yêu chồng, thương con, chăm lo, vun vén cho gia đình. Sau mỗi chuyến biển trở về, đàn ông lên bờ nghỉ ngơi, còn bà Thương lại tất bật với bao công việc khác như bán cá, cọ rửa tàu thuyền. Nhìn những người đàn bà thấp đậm, nước da đen bóng, giọng nói ào ào như sóng biển, tôi càng khâm phục sự can trường của những người phụ nữ đi biển. Sự vất vả của họ khó có thể đong đếm được.

Nhìn họ, tôi thầm so sánh họ với biển, dịu dàng, nhân hậu nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ và quyết liệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem