Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những năm trở lại đây, thương hiệu hạt dưa Lâm Xuân ngày càng gần gũi với người tiêu dùng khắp cả nước bởi chất lượng đã được khẳng định. Thế nhưng, đằng sau thành công ấy là quá trình khởi nghiệp với bao vất vả của cô gái trẻ Phan Thị Tuyết Nhung.
Những ngày này, công xưởng nhỏ tại gia của Nhung ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tất bật vào vụ tết.
Người rang hạt dưa, người đóng gói luôn tay luôn chân. Thế nhưng, giai đoạn này còn "dễ thở", cao điểm những ngày cận tết gần chục lao động tại xưởng hầu như không ngủ, ai cũng cố gắng cho kịp tiến độ giao hàng.
Tranh thủ chút thời gian, Nhung chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp làm hạt dưa của mình. Từ nhỏ, Nhung đã thích ăn hạt dưa. Mỗi độ tết đến xuân về, mẹ Nhung tự rang hạt dưa để mời khách. "Vị khách" đặc biệt, ăn nhiều hạt dưa nhà làm nhất chính là cô bé Nhung.
Từ niềm đam mê ấy, những năm học THPT, mỗi khi mẹ mua dưa hấu về nhà ăn, hoặc có ai ăn hạt dưa, Nhung đều xin hạt về tập rang. Sản phẩm làm ra, Nhung cùng người thân, bạn bè thưởng thức rồi ghi nhận những đánh giá để rút kinh nghiệm.
Học hết lớp 12, theo mong muốn của cha mẹ, Nhung chọn học ngành mầm non, trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị. Thế nhưng, niềm đam mê làm giàu từ hạt dưa vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi nhịp thở của cô gái miền "đất lửa".
Giữa năm 2016, khi đang là sinh viên năm 2, Nhung lên mạng tìm hiểu kỹ thuật rang sấy hạt dưa rồi mua hạt dưa giống về nhà trồng thử.
"Hồi ấy, mình phải làm thêm ở quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới… để kiếm tiền mua hạt dưa, xoong chảo rang sấy thủ công. Mình trồng dưa với mong muốn chủ động nguồn cung cấp nguyên liệu cho việc rang sấy hạt dưa. Đáng tiếc, sau nhiều lần trồng đều thất bại, bởi chất đất và khí hậu quê hương không đảm bảo để cho ra hạt dưa chất lượng" – Nhung bộc bạch.
Không nản lòng trước thất bại, Nhung tích góp tiền làm thêm để vào tận tỉnh Gia Lai tìm mua hạt dưa nguyên liệu. Sau này, khi đã "bắt được mối", Nhung chỉ cần gọi điện là hạt dưa nguyên liệu sẽ được ship về tận nhà.
Sau khi tốt nghiệp năm 2017, Nhung dạy tại trường mầm non xã Gio Mai. Ngày đi dạy, đêm về cô giáo trẻ lại vùi mình vào niềm đam mê sản xuất hạt dưa. Thế nhưng, gia cảnh khó khăn, Nhung chỉ có thể rang sấy hạt dưa thủ công.
Nhung cho biết, nhìn bề ngoài thì việc rang hạt dưa khá dễ, nhưng thực chất lại rất khó khăn. Bởi trong quá trình rang, chỉ cần không cẩn thận trong việc gia nhiệt thì hạt dưa sẽ bị cháy. Bản thân Nhung đã phải vứt bỏ không biết bao nhiêu tạ hạt dưa vì lỗi này. Lương giáo viên không đủ bù cho những lần thất bại khiến cô nhiều khi "cháy túi".
Đầu năm 2018, thông qua mạng xã hội, Nhung tình cờ quen một người bạn đang du học ở Úc. Khi nghe Nhung tâm sự, người bạn có cùng đam mê sản xuất, chế biến hạt dưa này đã nhiệt tình giúp đỡ.
Cuối năm 2018, người bạn ấy đã liên hệ mua bản quyền công thức rang sấy hạt dưa của một cơ sở rang sấy ở Úc rồi chuyển về Việt Nam.
Nhung cho biết, phía Úc bán công thức và máy móc rang sấy dạt dưa với giá gần 400 triệu đồng. Nhưng lúc đó, Nhung không đủ tiền nên chỉ mua bản quyền công thức. Từ công thức này, Nhung mày mò nghiên cứu để áp dụng làm với máy móc có phần thô sơ của mình.
Từ mô tả của người bạn quen qua mạng ở Úc, Nhung tìm đến các kỹ sư, thợ cơ khí ở TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An và Đắk Lắk cùng thảo luận, nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp máy rang sấy.
Sau hơn chục lần tháo lắp, chỉnh sửa, cỗ máy rang sấy hạt dưa của Nhung mới hoạt động trơn tru.
Có máy móc và công thức rang hạt dưa, Nhung quyết tâm tạo dựng thương hiệu. Chính vì thế, tháng 6/2019, Nhung nghỉ làm giáo viên để chuyên tâm sản xuất hạt dưa. Nghe con gái nói muốn nghỉ dạy, cha mẹ Nhung phản đối kịch liệt.
Lý do là cha mẹ Nhung làm nghề kinh doanh nên hiểu rõ sự vất vả của nghề này. Cha mẹ Nhung chỉ mong con gái có việc làm ổn định, sau đó kiếm tấm chồng. Thế nhưng, sự quyết tâm của Nhung đã khiến cha mẹ lay chuyển.
Ấy vậy, từ ý chí, mục tiêu đến thực tiễn là một quãng đường dài, nhiều khi cô bật khóc. Trải qua 6 lần thất bại, thiệt hại khoảng 60 triệu đồng, đến mẻ rang thứ 7, Nhung mới vỡ oà sung sướng khi đã thành công.
Sau khi được thị trường chấp nhận, Nhung đăng ký nhãn mác, lấy thương hiệu hạt dưa Lâm Xuân, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhung chia sẻ, cách rang hạt dưa bằng gia nhiệt điện sẽ tiện lợi, nhẹ nhàng hơn nhưng sản phẩm không có hương vị đặc trưng. Vì vậy, Nhung đang áp dụng phương pháp rang hạt dưa khép kín bằng nhiệt lượng của lò đốt củi, có hệ thống tự đảo với thiết kế công nghệ Úc.
Việc rang sấy hạt dưa cần sử dụng thính giác, khứu giác và thị giác. Nghĩa là phải nghe tiếng kêu, ngửi mùi thơm và nhìn xem hạt dưa đã rang đến mức độ nào, vừa hay chưa.
Để tăng khả năng tiếp cận thị trường, Nhung áp dụng chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Nhung xuất bán ra thị trường toàn quốc từ 25 đến 30 tấn hạt dưa thành phẩm. Sau khi trừ các khoản chi phí, Nhung có lãi khoảng 125 triệu đồng đến 150 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 5 đến 10 lao động thời vụ.
Năm 2022, hạt dưa Lâm Xuân vinh dự đoạt giải Ba và là 1 trong 22 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.