Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu/tháng:Không bằng mấy ngày phụ hồ?!

Minh Phong Thứ hai, ngày 30/10/2017 10:18 AM (GMT+7)
Có ý kiến bạn đọc đã nhận xét chua xót như trên về trường hợp cô giáo Trương Thị Lan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác chỉ nhận được mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

Không bằng công phụ hồ?

Như Dân Việt đã thông tin, sau 37 năm giảng dạy tại trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cô giáo Trương Thị Lan đã khuỵu ngã khi nhìn thấy mức lương trong quyết định hưởng chế độ hưu trí của mình.

“Cầm quyết định hưu trí với lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán, tôi ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt”, cô giáo Trương Thị Lan, giáo viên trường mầm non Lê Duẩn chia sẻ với PV Dân Việt.

img

Cô giáo Trương Thị Lan đã rất thất vọng khi nhìn thấy mức lương hưu của mình. Ảnh Hữu Anh. 

Theo đó, sau 37 năm cống hiến, phục vụ dạy học trong bậc mầm non (vào ngành 5.9.1980), cô Lan có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng. Trước khi nghỉ hưu cô Lan nhận hệ số lương là 3,46. Nay về hưu được hưởng lương với số tiền 1.268.000 đồng/tháng và được  bù thêm 32.000 đồng, tổng một tháng lương hưu cô Lan nhận được 1,3 triệu đồng. 

Sau khi đọc được những thông tin trên, độc giả Đặng Văn Phúc nhận xét: “Những người gieo trồng thế thệ tương lai cho đất nước mà hưởng chế độ quá ít so với 37 năm làm việc”.

Một bạn đọc khác cho rằng trong số giáo viên, cô giáo dạy mầm non là người vất vả nhất. Vì vậy, độc giả này rất bức xúc khi có ai đó nói vì GV mầm non không cần kiến thức nhiều như các bậc học khác nên lương cũng thấp hơn.

Trong khi đó, độc giả Minh Minh đặt ra câu hỏi chua xót: “Lương hưu 1,3 triệu/tháng, không bằng công đi phụ hồ vài ngày ư?”.

Với mức lương trên, độc giả Võ Đức Quang chia ra chỉ được 45.000 đồng/ngày và đặt câu hỏi liệu có đủ cho một người chi tiêu ăn uống, sinh hoạt. Đây là điều các nhà làm chính sách cần quan tâm.

“Cống hiến đến khi hết tuổi lao động mà nhận đồng lương hưu không nuôi nổi bản thân ở mức tối thiểu thì người về hưu biết trông cậy vào ai?” – một độc giả khác đặt dấu hỏi.

Quá thiệt thòi!

Trong khi đó, độc giả Hà Nguyễn đưa ra phân tích cho rằng phía Bảo Hiểm xã hội nên tính đến mức trượt giá. “Những năm trước mức lương tối thiểu 250.000 đồng/tháng, 450.000 đồng/tháng, 470.000 đồng/tháng. Mức lương đó lớn hơn giá trị 1 chỉ vàng và vẫn đảm bảo được cuộc sống. Nay về hưu, tính bình quân mức tiền lương căn cứ đóng như vậy mà không tính trượt giá thì rõ ràng người lao động thiệt thòi rồi” – độc giả Hà Nguyễn đưa ra ý kiến.

img

Quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của cô giáo Trương Thị Lan. Ảnh Hữu Anh. 

Tương tự, độc giả Trần Hữu Hùng cho rằng trước đây gạo chỉ có 6.000 đồng/1kg giờ gạo đã 12.000 –17.000 đồng/1kg. “Nói vậy để thấy mức độ trượt giá của đồng tiền. BHXH chỉ căn cứ trên số tiền đóng BHXH của từng năm mà không tính giá trị sức mua hay độ lạm phát của đồng tiền qua từng năm. Do vậy người lao động vô cùng thiệt thòi khi lĩnh chế độ BHXH” – độc giả Hùng cho hay. 

Bên cạnh đó, độc giả Đình Thắng kể câu chuyện nghỉ hưu năm 60 tuổi, sau 42 năm làm việc nhận 4 triệu đồng lương hưu một tháng, không đủ sống thì với 1,3 triệu đồng/tháng sao nhằm nhò gì? “Không lẽ, đi làm thì cận nghèo, về hưu thì tái nghèo. Cái nghèo dai dẳng và bền vững” – độc giả Đình Thắng than.

Cần nghiên cứu điều chỉnh

Vấn đề về chính sách bảo hiểm cũng được các độc giả đặt ra sau câu chuyện của cô giáo Trương Thị Lan.

Độc giả Long Thăng cho rằng phía Bảo hiểm xã hội đã làm đúng quy định. Lý do phần lớn các cô giáo mầm non trước đây là người của xã, dạy học được trả công bằng thóc. Sau đó vào biên chế, thời gian đóng bảo hiểm ít, mức đóng thấp dẫn đến lương hưu rất thấp.

Đồng quan điểm, độc giả Phan Ngọc Quang cho rằng: “Cơ quan BHXH không sai đâu, đã là Luật thì bình đẳng với bất kỳ ai. Cô giáo có 37 năm công tác nhưng mức đóng BHXH thấp dẫn đến hệ số lương chỉ bằng hệ số lương của kỹ sư ra trường sau 3 năm. Do đó, cần nghiên cứu để điều chỉnh hệ số lương đối với giáo viên hệ này cho đỡ thiệt thòi.

Chi tiết hơn, độc giả Phùng Ngọc Linh cho rằng lương giáo viên và nhiều ngành khác là như nhau vì được chi trẻ theo bằng cấp, ngạch bậc. Tuy nhiên, trong quá trình công tác nhiều giáo viên với các lý do khác nhau không thể nâng ngạch, chuyển chức danh để hưởng lương cao hơn. Đồng thời, không phải ai cũng có cơ hội được khen thưởng để nâng lương trước thời hạn.  

“Từ năm 2012 đến nay, Luật viên chức có hiệu lực được 5 năm nhưng các cấp chưa có hướng dẫn cụ thể về thăng hạng (trước đây gọi là nâng ngạch) cho viên chức nói chung, giáo viên nói riêng. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên đủ điều kiện nâng lương trước thời hạn nhưng không nắm rõ nên chỉ thực hiện đề nghị nâng lương thường xuyên. Do đó, bỏ qua cơ hội được nâng lương trước thời hạn” – độc giả Phùng Ngọc Linh nhận xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem