Cô giáo trường làng vùng cao

Bùi Việt Phương Thứ năm, ngày 12/11/2015 06:06 AM (GMT+7)
Tôi học ở trường làng, cái làng miền núi lại có bao điều thú vị chẳng giống ở miền xuôi, khó khăn, thiếu thốn cũng chẳng giống nơi nào nhưng tình thầy trò, sau bao năm nhớ lại vẫn mãi là một điều quý giá. Quý giá bởi sau bao nhiêu va vấp, nếm trải vẫn thấy nó thành thật và sáng trong.
Bình luận 0

Chưa đến sáu tuổi, tôi đã được đi qua trường làng. Cái danh từ mà người lớn định ra ấy là một bãi đất phẳng, không có người trồng cấy. Thay vào đó là vài ba nếp nhà mái tranh, vách phên nứa dựng cao chừng hơn mét với lá cờ đỏ sao vàng cắm trên một cây tre. Đó là hình ảnh đầu tiên về ngôi trường làng trong tuổi thơ của tôi.

Mỗi lần qua trường, tôi lại nghe tiếng gõ thước kẻ lách cách trên bàn lấy nhịp, kéo theo tiếng đọc bài của học trò quê. Có hôm vang dưới vòm lá ve ngân là những tiếng hát đồng thanh, lời những bài ca gợi cho tôi liên tưởng bao hình ảnh thú vị, tiếng hát làm chim rừng ngẩn ngơ rồi líu lo hòa theo vang núi rừng.

Sau này được đến trường, ngồi dưới mái tranh ấy, tôi lại có thêm những cảm giác mới lạ. Thay cho chiếc áo nâu mà lúc chiều muộn hay sáng sớm tất tả cuốc luống khoai, xúc con tép ngoài suối vắng, cô giáo trên bục giảng với màu áo trắng hiền từ nhưng vẫn còn đó giọt mồ hôi, cái tay áo xắn vội. Ấy vậy mà từng nét chữ, từng bài toán cô dạy chúng tôi lại như đến từ một thế giới khác. Ngoài kia những luống rau của cô trồng vẫn hanh hao bởi sương muối từ núi tràn về, trong này những lời giảng vẫn vang lên trong trẻo.

img

Trường làng vùng cao (Ảnh minh họa, nguồn: VnExpress)

Sau này lớn thêm, có lần chúng tôi đến nhà giúp cô rào lại cái vườn rau, tìm lại mấy con gà con lạc mẹ. Người giáo viên trường làng những năm đó cũng chẳng khác dân làng. Mấy đồng lương ít ỏi gửi vào mấy thếp giấy, lọ mực, hộp phấn trắng… Điều dư giả còn lại là mỗi khi ra đường, người làng kính cẩn chào cô giáo, thầy giáo, là củ khoai, quả trứng mang biếu mỗi khi trái gió, trở trời thấy vắng bóng người giáo viên trong cái lớp học tuềnh toàng.

Hết lớp 5, mỗi ngày tôi phải ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch của cha đi hơn 5 cây số ra thị trấn để học lớp 6. Tôi rủ, các bạn lớp tôi đều nhìn về phía con đường xa xăm ấy rồi cúi đầu buồn bã. Tôi đi học về trên con đường nhìn xuống ruộng, các bạn đang lầm lũi cấy hái như chưa từng đến trường, tôi thấy mình như người được đi học mất phần của mọi người, buồn và thương các bạn. Tôi đem những điểm 10 về khoe với cô, cô xoa đầu tôi bảo nhớ học hộ phần của các bạn nhé, ngu ngơ, tôi chẳng hiểu gì.

Chúng tôi lớn lên bằng những ngả rẽ cuộc đời khác nhau. Làng ven núi cũng dần đổi thay, ngôi trường mới mọc lên khang trang, bao lớp học trò đã thành thầy, cô giáo rồi trở về ngôi trường cũ năm xưa. Những ô cửa vẫn vang lên tiếng đọc bài của lũ trẻ làng tôi, bóng một cụ già bên căn nhà gỗ hàng ngày vẫn ngóng về ngôi trường ấy. Thời gian chẳng cho ai sống lâu với một thời dù đó là lúc cơ cực hay no ấm. Nhưng, thời gian cũng chẳng thể xóa nhòa những hình ảnh, những kỷ niệm đã khắc sâu trong lòng. Cô giáo trường làng và lũ học trò nghèo chúng tôi đã có một thời như thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem