Hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèoGia đình ông Hoàng Kim Đức ở thôn Tặng An, xã Mường Lai là một hộ gia đình nghèo trong xã. Mỗi vụ lúa, gia đình ông chỉ thu được trên tấn thóc, bán đi được 3-4 triệu đồng chưa trừ chi phí chăm bón. Nghèo đói tưởng chừng không lối thoát, nhưng bước sang năm 2012, gia đình ông được chọn tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của dự án giảm nghèo huyện Lục Yên, với mức hỗ trợ là 8 triệu đồng. Đã có sẵn ao, ông mua con giống về nuôi, lại được cán bộ quản lý dự án giúp đỡ về kỹ thuật và đọc thêm sách báo, học hỏi kinh nghiệm, nên ao cá của gia đình phát triển rất nhanh.
Dẫn chúng tôi đến thăm áo cá nằm dưới chân đập Tặng An, vỗ vỗ tay ra hiệu, ông Đức cho biết: Gia đình thả 2.000 con cá giống, sau 4 tháng đàn cá đã có trọng lượng từ 3-5 lạng/con. Nếu nuôi thêm 3-4 tháng nữa, con to có thể đạt từ 1,5-2kg. “Nếu cứ quanh quẩn với mấy sào ruộng thì chắc mấy đứa nhà tôi phải bỏ học giữa chừng. Nay được tham gia dự án, thấy cá lớn nhanh và bắt đầu có lãi. Chắc chắn gia đình tôi sẽ có cơ hội thoát nghèo khó…”.
Anh Lê Văn Viễn, thôn Loong Đeng (Mường Lai) cũng là hộ gia đình nghèo với căn nhà lá đơn sơ không một vật dụng gì đáng giá. Nhà có 2 con nhỏ, bản thân anh Viễn bị tàn tật, sức khỏe yếu. Gia đình anh đã được chọn tham gia mô hình nuôi vịt, được hỗ trợ 100 con vịt giống, tiền thức ăn chăn nuôi với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng. Anh Viễn cho biết: Sau 4 tháng nuôi, gia đình anh đã bán được lứa vịt đầu tiên, thu về trên 6 triệu đồng, chưa kể đàn vịt còn trên 40 con nữa đang trong thời kỳ xuất bán. Đối với anh đây là một khoản thu nhập trong mơ, là cơ hội để gia đình có thể thoát nghèo.
Là địa phương được tham gia nhiều dự án, với 13 tiểu dự án chăn nuôi thu hút 188 hộ dân tham gia trên tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, đến nay các mô hình của dự án ở Mường Lai đang phát huy hiệu quả và mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào. Ông Mã Đình Chanh – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho hay: “Tuy mới tham gia dự án, nhưng qua đánh giá, các hộ tham gia đều thực hiện tốt các tiêu chí và rất quyết tâm để thoát nghèo”.
Tạo niềm tin cho đồng bàoĐể các dự án giảm nghèo phát huy hiệu quả, Ban Quản lý dự án đã cử cán bộ, hướng dẫn viên cộng đồng (CF) tăng cường phối hợp với các xã, hướng dẫn lập đề xuất, lập quy chế nhóm thực hiện… để các thôn tự họp bàn, chọn nhóm sở thích cùng tham gia vào dự án.
"Qua hạch toán kinh tế, các mô hình đều cho thu lãi trên 5 triệu đồng, chúng tôi tin rằng sau khi tham gia dự án các hộ sẽ vươn lên thoát nghèo”. Ông Mã Đình Chanh
|
Theo đó mỗi nhóm sẽ có khoảng 20% là hộ cận nghèo và khá cùng tham gia với các hộ nghèo. Qua kiểm tra, đánh giá, hiện nay các dự án đang phát huy hiệu quả tốt, các hộ tham gia dự án đã nỗ lực trong chăn nuôi, sản xuất, có phương pháp chăn nuôi khoa học, nên các con giống nuôi có tỷ lệ sống đảm bảo theo yêu cầu của dự án, tăng nhanh về trọng lượng và đảm bảo xuất bán ra thị trường, tạo nguồn thu nhập. Bà Hoàng Thị Ảnh – Phó ban Thường trực Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện Lục Yên cho biết: “Để dự án thực sự phát huy hiệu quả, chúng tôi đã tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ dự án các cấp và người dân. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ mọi khó khăn cho bà con. Có thể đánh giá, hiện nay các tiểu dự án chăn nuôi đang phát huy hiệu quả tích cực, đây được coi là một cơ hội tốt để đồng bào nghèo có thể vươn lên thoát nghèo”.
Triệu Huấn (Triệu Huấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.