Cổ phiếu vua "hồi kinh", cổ đông hết thời ấm ức vì cổ tức

Quốc Hải Thứ năm, ngày 22/04/2021 16:40 PM (GMT+7)
Giá cổ phiếu “vua” tăng mạnh thời gian qua, khiến cổ đông các nhà băng năm nay không còn “õng ẹo” với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu như những năm trước…
Bình luận 0

Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng được giới đầu tư săn đón khá nhiều. Bởi, không chỉ kỳ vọng giá cổ phiếu tăng trưởng khi lợi nhuận của ngành ngân hàng khởi sắc sau dịch Covid-19, giới đầu tư còn chờ đợi được chia cổ tức bằng cổ phiếu, khi những năm gần đây, các nhà băng đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao.

Đến thời của cổ phiếu "vua", cổ đông không còn "tức" vì cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 1.

Nhà đầu tư khá hứng khởi với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm nay...

Ngân hàng "bạo tay" chia cổ tức

"Quán quân" về chia cổ tức hiện tại là Vietinbank. Theo chia sẻ của Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Vietinbank có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017-2019, đang được NHNN trình lên Chính phủ để được phê chuẩn.

Cụ thể, có 2 phương án được lãnh đạo Vietinbank đưa ra, gồm: Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,6%; và chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17,7%.

Như vậy, nếu kế hoạch chia cổ tức nói trên được phê chuẩn, cổ đông VietinBank có thể sắp nhận được nhận cổ tức lên tới hơn 45% (Hồi cuối năm 2020, ngân hàng này đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8%).

Xếp sau Vietinbank là VIB, nhà băng này dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận này, tỷ lệ tối đa là 40%, nhờ đó vốn điều lệ tăng từ 11.093 tỷ đồng hiện tại lên hơn 15.530 tỷ đồng. Việc chia cổ phiếu thưởng VIB dự kiến hoàn thành trước 30/9/2021.

Kế đến là MB, tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 27/4 tới đây, ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tương đương với chi gần 10.000 tỷ đồng để chia cổ tức.

Xếp thứ 4 về tỷ lệ chia cổ tức là MSB. Tại đại hội cổ đông của nhà băng này diễn ra mới đây, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng bằng việc trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.

Một loạt nhà băng khác như HDBank, OCB, ACB… cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

Đến thời của cổ phiếu "vua", cổ đông không còn "tức" vì cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 2.

Kỳ vọng về dư địa tăng trưởng vẫn còn giúp cổ phiếu ngân hàng hút nhà đầu tư

Các nhà băng còn lại dù tỷ lệ cổ tức có thấp hơn nhưng đa số vẫn là cổ tức bằng cổ phiếu, chẳng hạn như BIDV dự kiến trả cổ tức năm 2019-2020 với tỷ lệ lần lượt là 5,2% và 7% bằng cổ phiếu trong năm nay. 

SHB dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Hoặc, SeABank dự kiến phát hành hơn 110 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 9,12%) để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu…

Đáng chú ý nhất, 5 năm gần đây, cổ đông của Sacombank không được chia cổ tức do ngân hàng này phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu sau sáp nhập với Southern Bank. Tuy nhiên, năm nay Sacombank muốn chia cổ tức cho cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại hơn 6.000 tỷ đồng (chưa công bố tỷ lệ). Hiện, đề xuất của Sacombank đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Lợi cả đôi đường (!?)

Theo nhận định của lãnh đạo một NH TMCP tại TP.HCM, việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay đối với các ngân hàng là rất phù hợp, "vẹn cả đôi đường" vì vừa đáp ứng nhu cầu của cổ đông, vừa đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ của ngân hàng.

"Ví dụ, nếu chia cổ tức 15% bằng tiền, một cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu chỉ nhận được 15 triệu đồng, trong khi chia bằng cổ phiếu thì có thể nhận được thêm 1.500 cổ phiếu. Trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh vượt xa thị giá như hiện nay, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi hơn nhiều với nhà đầu tư", vị này nói.

Cũng theo vị này, ở góc độ ngân hàng, bên cạnh việc cắt giảm chi phí, tăng vốn thông qua hình thức này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II. Bởi, Ngân hàng Nhà nước có lộ trình kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng hệ số CAR, thay vì giao chỉ tiêu, hạn mức như nhiều năm trước, giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh.

Đến thời của cổ phiếu "vua", cổ đông không còn "tức" vì cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 4.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp các nhà băng tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel III

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia đầu tư, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - lại có cái nhìn khá minh bạch.

Theo ông Phương, nếu tính về góc độ đầu tư thì nhà đầu tư có lợi hơn so với cổ tức tiền mặt, vì giá cổ phiếu nhiều ngân hàng hiện nay bao giờ cũng cao hơn mệnh giá (10.000 đồng), nhưng đây chỉ là về lý thuyết. Còn nếu xét về thực tế, khi vào ngày chốt giao dịch không hưởng quyền, thị giá cổ phiếu sẽ bị giảm giá bằng đúng với giá trị cổ tức được chia, như vậy nhà đầu tư tính ra cũng… chẳng hưởng gì.

"Ví dụ, khi nhà đầu tư bỏ 100 triệu mua 1.000 cổ phiếu và chờ đến ngày nhận cổ tức (giả sử 20%), nghĩa là nhận được thêm 200 cổ phiếu, nếu ngày mai là ngày giao dịch không hưởng quyền thì thị giá ngày mai sẽ giảm đúng về mức cổ tức được hưởng. Nếu một nhà đầu tư khác nhảy vô trong ngày giao dịch không hưởng quyền này, bỏ ra 100 triệu thì cũng mua được 1.200 cổ phiếu. Cho nên công của nhà đầu tư chờ hưởng cổ tức chở thành… công cốc. Còn nếu gặp thị trường giảm điểm như phiên giao dịch hôm nay thì việc chờ hưởng cổ tức còn bị… lỗ nữa", ông Phương dẫn giải.

Về phía các ngân hàng, chia cổ tức bằng cổ phiếu rất có lợi, đặc biệt với các nhà băng có nhu cầu tăng vốn. Thực tế cho thấy hầu hết các NH Việt Nam đều đang có nhu cầu tăng vốn để đáp ứng Basel III, cho nên đây cũng là lý do chính để các nhà băng chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.

"Ngân hàng nếu trả cổ tức bằng tiền thì phải lấy một lượng tiền mặt hiện hữu của mình để trả cho nhà đầu tư, trong khi NH không được lợi gì hết. Trong khi nếu trả bằng cổ phiếu thì NH không phải xuất lượng tiền mặt ra, và vẫn giữ được lượng tiền mặt này. Thứ 2, khi tăng vốn bằng cổ phiếu thì NH sẽ đáp ứng các tiêu chí về mặt tín dụng, đặc biệt các tiêu chí của Basel III", ông Phương nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem