Ở Đắk Lắk giá sầu riêng cao ngất, vì sao ngành chức năng cảnh báo nông dân nhiều rủi ro?

Chủ nhật, ngày 06/08/2023 05:32 AM (GMT+7)
Vùng trồng sầu riêng Đắk Lắk mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, nhưng giá sầu riêng đầu vụ đã bị đẩy lên cao ngất ngưởng, cao gấp đôi so với thời điểm năm ngoái. Giá sầu riêng cao chót vót là niềm vui, nhưng cũng là nỗi lo của ngành hàng sầu riêng.
Bình luận 0

Nhiễu loạn giá sầu riêng vì... “cò sầu riêng”

Vụ sầu riêng năm 2023, Đắk Lắk có 22.500 ha, với sản lượng trên 200.000 tấn. Các chuyên gia đánh giá, vụ sầu riêng năm nay của Đắk Lắk sẽ gặp nhiều thuận lợi về giá (tăng từ 15 – 20%) cũng như thị trường tiêu thụ. 

Một số nhà vườn trồng sầu riêng đã bắt đầu cho thu hoạch trái, với giá sầu riêng bán khá cao, đây là tín hiệu mừng cho nông dân trồng sầu riêng. Tuy nhiên, việc đẩy giá bán sầu riêng lên cao của nhiều “cò” cũng như một số nhà thu mua đã gây ra những nguy cơ rủi ro cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Theo ghi nhận tại một số vùng trồng sầu riêng của Đắk Lắk, hiện nay có rất nhiều thương lái, kể cả người Trung Quốc và “cò” sầu riêng đang "thổi" giá sầu riêng lên đến 75.000 – 90.000 đồng/kg mua xô tại vườn, cao gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. 

Một “cò” sầu riêng cho biết, nhiệm vụ của họ là đi tìm các vườn sầu riêng đẹp, sau đó chụp ảnh, quay clip gửi cho người thu mua của Trung Quốc và họ sẽ ra giá mua, nếu chủ vườn đồng ý thì sẽ chốt cọc. Nếu chốt cọc thành công, “cò” sẽ được “hoa hồng” khoảng 1.000 đồng/kg.

Trong khi nhiều doanh nghiệp tuyên bố sẽ không nhập hàng với giá sầu riêng mua vào cao như hiện nay thì cũng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu chốt cọc giá với nông dân (30% giá trị vườn cây). Nhưng hợp đồng mua bán sầu riêng thì không ràng buộc nhiều, không ghi ngày cắt cụ thể, chỉ ghi khi nào có trái rụng thì cắt và cũng không ghi ngày trả vườn…

Ở Đắk Lắk giá sầu riêng cao ngất ngưỡng, nhiễu loạn vì "cò", vì sao ngành chức năng cảnh báo nhiều rủi ro? - Ảnh 1.

Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Đình Kế (phường Đoàn Kết, TX Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) còn khoảng một tháng nữa mới cho thu hoạch.

Bà Bùi Thu Phương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ bền vững Tấn Khang (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, trước tình trạng đẩy giá mua cao của các lái buôn, có tới 80% thành viên không chốt bán sản phẩm cho HTX mà bán ra ngoài.

Bởi theo bà Phương, so với giá của HTX ở thời điểm trái đẹp mà chốt xô là 75.000 đồng/kg thì giá sầu riêng bên ngoài đã chốt tới 95.000 đồng/kg. Việc chênh lệch giá sầu riêng rất cao nên các vườn thành viên so sánh và cân nhắc.

Trước tình hình trên, HTX cũng đã cảnh báo nông dân, nhưng bà con thấy lợi nhuận trước mắt nên cứ nhận chốt giá. 

Với tình trạng này, HTX rất lo lắng cho bà con, thứ nhất là có thể bị neo vườn (để trái rụng, sau đó ép giá); thứ hai trong trường hợp nông dân "bẻ" cọc, bên mua có thể sẽ thuê giang hồ bảo kê, không cho chủ vườn cắt bán cho người khác.

“Tình hình giá cao sẽ dẫn đến tranh mua tranh bán, mất an ninh trật tự, điều này đòi hỏi cần sự vào cuộc của chính quyền sở tại để bảo đảm vụ thu hoạch sầu riêng 2023 được diễn ra an toàn, thuận lợi” - ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.

Tại thị xã Buôn Hồ, tình trạng các "cò" vào vườn chốt giá cũng diễn ra phổ biến tại các vùng trồng sầu riêng. 

Ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Hồ cho biết, năm nay sầu riêng của các thành viên đều được mùa, năng suất tăng khoảng 20% so với năm trước. Hiện còn khoảng hơn một tháng nữa mới vào vụ thu hoạch sầu riêng, nhưng cũng xuất hiện tình trạng một số “cò” sầu riêng từ những nơi khác tìm đến hét giá cao (khoảng 100.000 đồng/kg) gây nhiễu loạn thị trường khiến nhiều người dân lưỡng lự, chưa ký kết hợp đồng mua bán với đơn vị liên kết.

Hộ ông Nguyễn Đình Kế (phường Đoàn Kết, TX Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, nhiều ngày nay, gia đình buộc phải khóa cửa vườn để tránh bị làm phiền. Trung bình mỗi ngày ông Kế phải tiếp cả chục lượt “cò” tìm đến hỏi mua sầu riêng và thương lượng mức giá chốt vườn. Ông chưa thấy năm nào có tình trạng "cò" hét giá, làm loạn giá như năm nay.

Ông Kế cho biết, năm nay sản lượng sầu riêng của gia đình ước đạt 15 tấn, nhưng phải tầm 40 ngày nữa mới đạt chất lượng để thu hoạch. 

Mặc dù được “cò” sầu riêng đưa ra với giá hơn 100.000 đồng/kg, nhưng ông Kế không đồng ý mà quyết định để chờ thu hoạch bán theo giá thị trường. 

Bởi với kinh nghiệm qua các mùa sầu riêng thì ông cho rằng, việc "cò" chốt giá cao hơn các đại lý, đơn vị thu mua chưa hẳn là đã mừng mà tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là tình trạng “cò” neo vườn, không hẹn ngày trả vườn khiến cho vườn cây bị bỏ bê, dễ bị nhiễm sâu bệnh hay cây bị kiệt sức do phải nuôi quả quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất mùa vụ sau.

Nhiều rủi ro khi giá sầu riêng bị đẩy tăng cao

Lý giải nguyên nhân vì sao giá sầu riêng bị đẩy lên cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đã gây ra một trào lưu tranh giành mua các vườn sầu riêng. 

Trên thực tế, sầu riêng của Việt Nam chưa phải là quá nhiều, nhưng người vào liên kết thu mua thì rất nhiều. Các nhà thu mua đều muốn tìm đến những nhà cung cấp mới như Việt Nam. Mức giá trên 100.000 đồng/kg sầu riêng là giá trị không thực, đó là giá cạnh tranh. Vì vậy, người dân cần có sự tỉnh táo trước sự nhiễu loạn về giá như hiện nay.

Theo các HTX trồng sầu riêng nhìn nhận, khi bà con có kỹ thuật tốt, giá thành sản xuất dưới 20.000 đồng/kg; trường hợp làm không tốt thì khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg. Do đó, giá bán ổn định từ 50.000 – 60.000 đồng/kg thì bà con đã có thể yên tâm sản xuất và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tình trạng tranh mua khiến giá bị đẩy lên cao, nông dân cũng không biết đâu là giá thực tế và đâu là giá "ảo". 

Bên cạnh đó, bà con chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật đánh giá tỷ lệ trái đủ tuổi cắt cũng như kỹ thuật cắt tại vườn nên dễ bị thương lái vào ép giá và neo vườn. Nếu nông dân nắm vững kỹ thuật, thời điểm nào bán giá thời điểm đó, sẽ thuận lợi và chủ động hơn, thay vì cứ chạy theo giá thị trường, không phân biệt được giá thật và giá "ảo" thì sẽ gặp nhiều rủi ro.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đánh giá, vụ sầu riêng năm 2023 có nhiều thuận lợi, trước hết là được tiêu thụ với giá cao và đầu ra ổn định hơn do sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, người dân đầu tư, chăm sóc vườn cây tốt hơn nên năng suất khá cao; sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với vụ năm 2022.

Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của vụ sầu riêng năm nay là tình hình thu mua đang rất "nóng", do đó có thể việc chốt giá sớm sẽ có những bất lợi và những hệ lụy không tốt vì sẽ có nhiều hợp đồng khó thực hiện như đã ký (khi giá vào vụ thu hoạch biến động).

Mặt khác, nếu như cứ chạy theo giá cả thì việc phát triển bền vững, liên kết lâu dài sẽ bị coi nhẹ và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bán ngay trong vụ này, cũng như việc phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng. 

Hiệp hội chỉ khuyến cáo, các nhà vườn cần bình tĩnh, không nên nôn nóng chốt giá sớm có thể gây bất lợi cho chính mình và người mua. Ngoài chuyện giá cả, cần quan tâm thỏa đáng đến chuyện hợp tác, liên kết bền vững với những doanh nghiệp, những nhà thu mua có đầu tư trong từng vụ hoặc trong dài hạn.

Minh Thuận-Tuyết Mai (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem