Đặt câu hỏi về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu: “Trong các đại án tham nhũng, nhiều sai phạm được chỉ ra rất rõ ràng với những chứng cứ cụ thể. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản thì không tương xứng hay nói thẳng ra là thu hồi được rất ít. Xin hỏi Bộ trưởng nhận định thế nào và có những giải pháp gì?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất nhiều. Ở nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất và minh bạch. Với bất động sản hay động sản đều không có sự khác biệt khi việc mua bán qua tài khoản chưa được thực hiện nghiêm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng có sự cắt khúc nghiêm trọng trong tố tụng hình sự khi thi hành án dân sự lại bị tách rời khỏi quyền lực của cơ quan tư pháp là tòa án. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp muốn thi hành án lại phải có điều kiện kèm theo là đơn yêu cầu”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng lấy dẫn chứng cụ thể: Trong vụ án Vinashin, án chủ động đã thi hành xong, nhưng việc bồi thường cho các doanh nghiệp con, cháu thì cần phải có đơn yêu cầu của chính những doanh nghiệp này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã vào cuộc, nhưng các doanh nghiệp con, cháu nói trên lại không đòi bồi thường trong khi con số này không phải ít.
“Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để hoàn thiện thể chế pháp luật. Chính sách hình sự cần có sự đổi mới với tội tham nhũng trong Bộ luật Hình sự sửa đổi sắp tới. Ban soạn thảo và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã ra nghị quyết về các định hướng lớn. Về tội tham nhũng, Ban soạn thảo đã cho ý kiến và Ban Nội chính Trung ương đã làm việc trực tiếp về vấn đề này theo hướng bổ sung tội phạm tham nhũng vào luật. Có thể sẽ bổ sung tội “Làm giàu bất hợp pháp”, “Kê khai tài sản rắc rối”, “Tham nhũng trong khu vực tư nhân”. Bộ Tư pháp cũng đã trình Chính phủ nghiên cứu bổ sung vấn đề truy tố pháp nhân, cụ thể là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có dấu hiệu rửa tiền”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.
Cũng trong phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc nhiều văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Trong 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, có 186 văn bản sai về căn cứ pháp lý, kỹ thuật, 64 văn bản sai về hiệu lực, 11 văn bản sai về thẩm quyền và còn lại là sai về nội dung. Qua kiểm tra, không có văn bản nào vi hiến. Trong các văn bản sai về nội dung, có 19 văn bản đã được sửa ngay, số còn lại đã xử lý xong hoặc đang trong quá trình xử lý”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh: “Việc tiếp tục ban hành văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ sai về nội dung trong thời điểm đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới về xây dựng nhà nước pháp quyền là không thể chấp nhận được. Số lượng văn bản sai không cao, nhưng cần kiểm điểm, làm rõ. Hàng tháng, Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo tại phiên họp Chính phủ về tình hình kiểm tra văn bản để Chính phủ xem xét, có ý kiến”.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc ban hành văn bản chậm đã là yếu kém, ban hành sai thì lại càng yếu kém hơn nữa. “Tôi thấy tỉ lệ sai là khá cao đấy chứ không phải ít đâu. Hình như việc kiểm tra này còn chưa xem hết đến cấp xã. Sẽ rất nguy hiểm nếu để tình trạng ban hành văn bản sai xảy ra”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.