Cố Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (Ảnh tư liệu).
2 giờ thuyết phục Bộ Chính trị đưa Việt Nam hội nhập với quốc tế
Sau bài viết Dấu ấn cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đỗ Mười những năm đầu đổi mới được đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt vào ngày 27/1/2020. Một ngày đầu tháng 2/2020, khi cả nước đang tích cực chuẩn bị Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), người viết có dịp gặp lại GS. Võ Đại Lược trong căn phòng làm việc của ông ở trụ sở Viện Triết học.
GS. Võ Đại Lược.
Là người tư vấn cho các Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải trong giai đoạn đất nước chuyển đổi, sau khi Đảng từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, mở cửa, GS. Võ Đại Lược tổng kết lại: “Con người của ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt là khác nhau, nhưng về đổi mới thì lúc nào cũng nhất trí với nhau. Nếu nói đúng ra, ông Đỗ Mười hết sức bảo thủ. Một số hội nghị của Bộ Chính trị mà tôi được dự thính, ông Mười phê phán rất nhiều những ai chủ trương kinh tế hàng hoá. Nhưng có một điểm rất hay là khi ông Mười tiến hành đổi mới thì những vị lãnh đạo bảo thủ khác tự nhiên không có ý kiến gì. Về điểm này ông Mười giống ông Trường Chinh. Trước đây, ông Trường Chinh từng cấm cả chuyện khoán hộ, nhưng khi quyết định đổi mới được ông đưa ra thì mọi người đều phải tôn trọng”.
5 năm kể từ sau Đại hội VI của Đảng, tới năm 1991, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc, rồi dần ổn định và phát triển mạnh mẽ trong những năm sau đó. Lúc này, một vấn đề được đặt ra, đó là: “Việt Nam có tham gia ASEAN, APEC không? Có nối lại quan hệ với các định chế tài chính nước ngoài World Bank và IMF không?”.
Trong ký ức của ông Võ Đại Lược, khi vấn đề được đưa ra thảo luận tại Bộ Chính trị, đã có ý kiến phản đối hội nhập rất mạnh.
“Các tổ chức tài chính đó là của tư bản, đế quốc lập ra và chi phối, ta theo xã hội chủ nghĩa, sao lại tham gia các tổ chức đó?”, GS. Võ Đại Lược kể lại.
Với vai trò Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, ông Lược sau đó đã có những chia sẻ với Tổng Bí thư Đỗ Mười những mặt lợi và hại khi hội nhập. Sau khi lắng nghe, ông Đỗ Mười đồng ý và yêu cầu ông Lược, cùng ông Nguyễn Mạnh Cầm, Lê Văn Triết thuyết phục Bộ Chính trị.
“Trước Bộ Chính trị, tôi đã trình bày điều lệ, quy chế của các tổ chức quốc tế. Thứ nhất, tuy các tổ chức quốc tế này do các nước tư bản chủ nghĩa thành lập, nhưng trong tất cả những nguyên tắc của các tổ chức này đều được công bố công khai và không có một chữ nào là phản động, áp bức, bóc lột cả. Đồng thời, chứng minh các tổ chức quốc tế này lập ra vì sự tiến bộ, phát triển của các quốc gia, dân tộc
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, rồi Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết mỗi người nói chừng nửa tiếng từ góc độ ngoại giao và thương mại. Vậy là Bộ Chính trị đồng ý, không còn phản đối nữa. Sau này, Việt Nam đã gia nhập ASEAN, APEC và các tổ chức quốc tế khác bắt nguồn từ ý kiến có tính chất quyết định của ông Đỗ Mười”, GS. Võ Đại Lược cho biết.
Kết quả, ngày 11/7/1995, Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tới này 28/7/1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Tới ngày 1/1/1996, Việt Nam tiếp tục gia nhập AFTA. Cũng trong năm 1996, Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Và đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Cuộc trò chuyện về kinh tế quốc doanh với ông John Kerry
Năm 2020 có thể nói là một năm đặc biệt đối với Việt Nam. Không chỉ diễn ra Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2020 còn đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào "mái nhà chung" ASEAN và kỷ niệm 25 năm Việt Nam – Mỹ bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Nhìn lại 25 năm qua, có một điểm quan trọng là quan hệ hai nước luôn được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ. Đơn cử như biểu tượng của hai đảng là hai Thượng nghị sỹ John Mccain (Cộng hoà) và John Kerry (Dân chủ), hai con người có thể khác nhau về quan điểm chính trị, nhưng lại trùng nhau trong ủng hộ thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ.
Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Thượng nghị sĩ John Kerry dẫn đầu đoàn đại biểu Thượng viện và Hạ viện Mỹ, Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ sang thăm Việt Nam, ngày 1/6/1993.
Nhắc tới đây, GS. Võ Đại Lược đã chia sẻ một phần câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Đỗ Mười và ông John Kerry, cùng những bước phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam sau đó.
Mọi chuyện bắt đầu từ sau Đại hội VII của Đảng năm 1991, khi ông Đỗ Mười trở thành Tổng Bí thư, còn ông Võ Văn Kiệt là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
GS. Võ Đại Lược tiếp tục kể: “Tôi nhớ có lần ông John Kerry từ Mỹ sang Việt Nam gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi cũng may mắn được tham dự. Khi đó, ông Đỗ Mười hỏi: Ở nước Mỹ các ngài, doanh nghiệp quốc doanh còn bao nhiêu phần trăm?
Ông John Kerry đáp lại: Tôi không phải nhà kinh tế nên không nắm rõ số liệu, có lẽ là 1%. Ở nước tôi, tới vũ khí cũng do tư nhân thực hiện. Còn nhà nước làm rất ít, chỉ ở một số lĩnh vực công mà tư nhân không thể thực hiện được thì nhà nước mới làm”.
Ở một dịp khác, trở về sau chuyến công tác tại Nhật Bản, hành trang ông Võ Đại Lược mang theo có thêm một cuốn sách với tên gọi “Kinh tế - chính trị học Nhật Bản” do một tập thể gồm các tác giả người Mỹ và Nhật viết, nội dung phân tích về lý luận và thực tiễn phát triển của Nhật Bản.
“Biết tôi có cuốn sách đó, ông Mười yêu cầu tôi dịch lại sang tiếng Việt. Tôi dịch tới đâu, ông Mười đọc hết tới đó. Bản thân ông là người rất ham đọc sách, nên lượng kiến thức tích luỹ rất lớn. Khi chúng tôi thuyết phục ông phát triển kinh tế tư nhân, ông đồng ý ngay”, ông Lược nói.
Nhắc lại câu chuyện chống lạm phát năm 1989, ông Lược cho biết thêm: “Trước đây, DNNN sống khoẻ nhờ lãi suất khi vay gần như bằng 0, được nhà nước bao cấp tín dụng. Sau đó, khi tiến hành phương án nâng lãi suất thực dương lên 12% nhằm giảm tỷ lệ lạm phát đã khiến nhiều xí nghiệp quốc doanh đình đốn, công nhân thất nghiệp dẫn tới phải thực hiện cổ phần hoá, bán khoán, cho thuê…
Đây chính là bối cảnh dẫn tới sự bùng phát của kinh tế thị trường. Nhiều lãnh đạo DNNN đã chuyển hướng sang làm kinh tế tư nhân, còn công nhân, người lao động cũng tìm cách ra ngoài buôn bán. Nền tảng ban đầu dù manh mún, nhưng là nền tảng cho sự phát triển sau này”, GS. Võ Đại Lược nhớ lại.
Tuy nhiên, đây là lúc nhiều vị lãnh đạo đặt ra câu hỏi: “Đảng viên có được làm chủ doanh nghiệp không? Bởi làm chủ doanh nghiệp, thuê công nhân về nghĩa là họ trở thành người bóc lột rồi. Thậm chí, có ý kiến còn đề xuất nếu Đảng viên làm chủ doanh nghiệp, chỉ được thuê một số lượng công nhân rất hạn chế”, GS. Võ Đại Lược nói.
Tuy nhiên, theo ông Lược, tư tưởng cho phép kinh tế tư nhân được phát triển tự do, không hạn chế trong những lĩnh vực nhà nước không cấm đã manh nha xuất hiện từ thời kỳ đó. Kết hợp với tư tưởng cho phép Đảng viên làm kinh tế tư nhân xuất hiện sau đó đã giúp hình thành khu vực kinh tế tư nhân tuy nhỏ, nhưng thực sự là tư nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.