Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. (Ảnh: TTXVN).
34 năm từ ngày đất nước mở cửa, 21 năm từ thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam tới nay đã có nhiều sự thay đổi. Từ tâm lý còn rụt rè vì chưa được định danh, đến nay, kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng, góp phần giúp kinh tế Việt Nam chuyển mình vượt bậc, vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình khá. Ngày càng có nhiều người trẻ khởi nghiệp trong làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0. Song vẫn vẫn còn những tồn tại khiến người trong cuộc phải suy nghĩ.
Vị thế lớn mạnh của kinh tế tư nhân
Theo TS. Võ Trí Thành, 34 năm đổi mới kinh tế đất nước cũng là quá trình thay đổi nhận thức về vai trò kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế.
“Vai trò kinh tế tư nhân được nhìn nhận đầy đủ hơn, thực chất hơn. Kinh tế thị trường mà không có kinh tế tư nhân thì chắc chắn không có cạnh tranh, không có thị trường. Cái cốt lõi và đằng sau chính là kinh tế tư nhân. Từ chỗ nhìn nhận là kinh tế nhiều thành phần nay thừa nhận là động lực phát triển kinh tế là một bước tiến”, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Theo ông Thành, sau những thành tựu đã đạt được hơn 30 năm đổi mới, tương lai kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điều mới mẻ với Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
“Cái hay là ở một số lĩnh vực chúng ta có thể cùng đi với thế giới chứ không đi sau. Vấn đề là doanh nghiệp có khát vọng, có quyết liệt, có dám chấp nhận sáng tạo và phát triển không?”, TS. Võ Trí Thành nói.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. (Ảnh: Tiến Chương).
Nhìn nhận sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam từ góc độ xây dựng chính sách, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết tới thời điểm này, kinh tế tư nhân chính là thành quả của 35 năm đổi mới. Từ không có đóng góp đáng kể, nay đã đóng góp 34-35% GDP của cả nước. Đồng thời, giải quyết một lượng lao động rất lớn.
"Thành công của kinh tế tư nhân minh chứng cho quá trình phát triển không thể đảo ngược trong xu thế đổi mới của đất nước”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Một góc bên trong khuôn viên tổ hợp Tổ hợp nhà máy ô tô VinFast.
Theo ông Kiên, minh chứng rõ nét nhất về thành công của kinh tế tư nhân chính là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup và Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco).
“Trong lĩnh vực bất động sản, quy mô và doanh thu của Sungroup, Vingroup thậm chí lớn hơn các Tổng Công ty phát triển nhà của Bộ Xây dựng hay Tổng Công ty phát triển đô thị của Hà Nội rất nhiều lần. Tại lĩnh vực công nghiệp ô tô, VEAM hay VINAMOTOR đã tiến hành nhiều dự án phát triển ô tô. Song cuối cùng, thành công lại tới từ 3 doanh nghiệp tư nhân là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast”, ông Kiên nói.
Ở chiều ngược lại, phân tích những vấn đề hạn chế, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, nếu so với các nước trong khu vực thì kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa có nhiều đột phá.
Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có một nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định, bao gồm: chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tỏ ra không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận xét.
Thêm vào đó, một bộ phận trong xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận xét: “Phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh ưu thế là giải quyết việc làm so với DNNN và DN FDI thì đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các DN thuộc loại tỷ USD của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản”.
Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khiến doanh nghiệp tư nhân “hởi lòng hởi dạ”
Thực tế trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ở mức trung bình 7%/năm và luôn nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã thực sự thay đổi. Việt Nam được quốc tế đánh giá cao nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng, là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo.
Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho khu vực kinh tế tư nhân 4 cụm từ là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Sau đó ít ngày, tại Hội nghị TƯ 10 về việc chuẩn bị các đề cương cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa”.
Bình luận về thông điệp này, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau khi Hội nghị TƯ 5 ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình giám sát và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết cho thấy, vẫn còn những vấn đề mà nội dung Nghị quyết chưa được thể hiện đầy đủ do đó là những vấn đề cụ thể.
Ông Kiên phân tích: “Khi thay đổi nhận thức về doanh nghiệp tư nhân, chúng ta cần đi thêm một bước nữa. Đó là họ cần được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp nhà nước. Từ trước tới nay chúng ta thường mặc nhiên việc trao tặng các danh hiệu cao quý của nhà nước chỉ dành cho các công chức, viên chức hoặc các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI – PV), chúng ta cũng có những phần thưởng xứng đáng như huân chương hữu nghị cho các doanh nhân có đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Rất ít người để ý tới các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác dù đóng góp của họ không hề nhỏ”.
TS. Võ Trí Thành.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, bản thân ông ấn tượng nhất với cụm từ “trao cơ hội” mà được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho khu vực kinh tế tư nhân.
“Trao cơ hội ở đây không phải là xin-cho, mà là sự nhìn nhận của Chính phủ với kinh tế tư nhân. Nó là cơ hội sản xuất - kinh doanh mang lại cho tư nhân nhiều hơn và đồng thời phản ánh bản chất của quá trình cải cách, đổi mới ở Việt Nam. Yếu tố khích lệ về lâu dài cũng phải được thực hiện đúng cách, đúng cam kết, phù hợp với kinh tế thị trường”, TS. Võ Trí Thành nói.
Theo ông Thành, dù Chính phủ đã có những chính sách nhằm kiến tạo môi trường phát triển cho kinh tế tư nhân, song Việt Nam mới chỉ có nhiều doanh nghiệp to (doanh số, lao động), đang “tập làm người lớn” chứ chưa có doanh nghiệp lớn.
5 năm vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi đáng kể nhận thức của xã hội theo chiều hướng tích cực. Ví dụ, Vingroup, Vinamilk, Viettel, Techcombank... cùng nhiều doanh nghiệp khác đang chuyển hướng đầu tư từ tập trung cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ sang lĩnh vực công nghệ, R&D.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành vẫn bày tỏ sự lăn tăn về xã hội. Bởi cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp lớn, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam cũng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
"Tôi nghĩ rằng xã hội nhìn vào những vấn đề này còn lăn tăn ở sự quang minh chính trực. Tiếp nữa là chúng ta giàu lên vẫn còn dựa vào tài nguyên sẵn có, đó chưa phải là xu thế của thế giới, và thứ ba là khoảng cách giàu nghèo", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.