TS. Nguyễn Đức Kiên: Hiểu đúng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước

Hoàng Thắng (ghi) Thứ ba, ngày 28/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
“DNNN vẫn phải tồn tại bởi đây là công cụ giúp nhà nước điều tiết thị trường và là công cụ vật chất tham gia định hướng thị trường. DNNN lúc này phải đi trước, mở đường, chịu rủi ro lớn hơn”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận.
Bình luận 0

img

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Tiến Chương).

Quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn đổi mới. Trải qua 34 năm, Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần. Trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế.

Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, nhà nước đã dần "nhường sân" cho kinh tế tư nhân. Song trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, nếu muốn đảm bảo sự độc lập, tự chủ, nền kinh tế Việt Nam rất cần những tập đoàn kinh tế lớn đảm đương vai trò "sếu đầu đàn". Bên cạnh đó, kinh tế Nhà nước, DNNN cũng phải giữ được vai trò chủ đạo của mình.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Quá trình phát triển không thể đảo ngược sau 34 năm đổi mới

Thưa ông, sau 34 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân đang dần trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế. Song bối cảnh mới dường như đang đòi hỏi phải có hành lang pháp lý giúp kinh tế tư nhân vừa phát triển đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền đề để có thêm nhiều tập đoàn hùng mạnh đạt tầm khu vực và thế giới?

Phải nói tới thời điểm này, kinh tế tư nhân có một vai trò rất tích cực. Nó là thành quả của 34 năm đổi mới đất nước. Từ gần như không có đóng góp gì cho nền kinh tế, tới nay đã chiếm 34 – 35% GDP, đồng thời giải quyết một lực lượng lao động rất lớn. Thành công của kinh tế tư nhân là minh chứng cho quá trình phát triển không thể đảo ngược của Đổi mới.

Để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tại Hội nghị TW 5, Ban chấp hành trung ương đã ban hành đồng bộ 3 Nghị quyết chuyên đề số 11, 12, 13 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và tiếp tục đổi mới DNNN.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Cương lĩnh 2011 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã lần lượt có các bước đi pháp điển hoá các văn bản nghị quyết này nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, củng cố địa vị pháp lý của doanh nghiệp tư nhân, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và DNNN.

Chỉ trong vòng 4 năm từ 2013 – 2017, trên cơ sở Hiến pháp 2013, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành tương đối đồng bộ hệ thống các văn bản pháp luật tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế như Luật DN và Luật Đầu tư 2014, Luật Đấu thầu, Luật xây dựng (sửa đổi).

Đặc biệt, ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành nhằm tạo nền tảng cho việc hình thành khuôn khổ pháp lý để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho DNNVV của Việt Nam. Việc ban hành luật là cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành, địa phương thống nhất xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp đối với gần 97% số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, phù hợp với các cam kết mà Chính phủ đã ký kết theo các hiệp định và hiệp ước song phương, đa phương.

Như vậy, có thể thấy, Trung ương luôn nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Và một cách gián tiếp, Trung ương đã xác định tiếp tục quan điểm của Hội nghị Trung ương 6 khoá IX về phát triển kinh tế đất nước, khẳng định ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định. Ở đây, Trung ương đã đặt vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân và DNNN, coi đây là phần nội lực để quyết định ngoại lực.

Ông có thể chia sẻ thêm về những vấn đề được nhấn mạnh trong nội dung Nghị quyết TW 5 khoá XII? 

Có một thực tế là 97% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là DNNVV. Một nền kinh tế muốn vượt lên khỏi bẫy thu nhập trung bình, đạt được bước chuyển mình ngoạn mục bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về KHCN, vốn. Trước yêu cầu như vậy, những doanh nghiệp tư nhân nhỏ khó mà đáp ứng được.

Nhìn sang những doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia G7 như Bosch, Bayer, Siemens… của Đức, họ đều có tiềm lực rất lớn. Nhưng bên cạnh những doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, họ cũng có những DNNN như Công ty Đường sắt quốc gia Đức (Deutsche Bahn). Đặt trong bối cảnh tổng quan, cơ cấu của các nền kinh tế G7 luôn bao gồm các doanh nghiệp lớn song hành cùng những doanh nghiệp nhỏ, tạo thành hệ sinh thái hướng tới sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Tới đây, chúng ta sẽ thấy sự đổi mới về tư duy và nhận thức khi Đảng, Chính phủ đã xác định tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ vươn lên thông qua đảm nhận những phần việc mà trước đây các DNNN phải làm.

Hiện nay, trong lĩnh vực bất động sản, quy mô và doanh thu của Sungroup, Vingroup thậm chí lớn hơn các Tổng Công ty phát triển nhà của Bộ Xây dựng hay Tổng Công ty phát triển đô thị của Hà Nội rất nhiều lần. Tại lĩnh vực công nghiệp ô tô, VEAM hay VINAMOTOR đã tiến hành nhiều dự án phát triển ô tô. Song cuối cùng, thành công lại tới từ 3 doanh nghiệp tư nhân là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast.

Tổng kết lại, với mong muốn phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị TW 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đây là sự khẳng định về phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng.

Tại Hội nghị TW 10 khoá XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra thông điệp: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng”. Phải chăng tâm lý vừa thích, vừa cần nhưng cũng vừa ghét đối với kinh tế tư nhân vẫn đang tồn tại đâu đó trong bộ máy?

Theo tôi, đây là một thói quen. Chúng ta vẫn chưa thể chuyển đổi bộ máy của chúng ta từ vai trò quản lý với tư cách là chủ sở hữu sang bộ máy chỉ quản lý hành chính. Nhiều người vẫn quen với khái niệm: “Nhà nước vừa là chủ sở hữu, vừa là cơ quan quản lý nhà nước”. Vậy nên, nhiều cán bộ, công chức, nhiều cơ quan quản lý can thiệp rất sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Họ vẫn giữ tư duy: “Anh làm gì phải báo cáo cho tôi biết”, rồi thỉnh thoảng họ lại xuống kiểm tra hoạt động doanh nghiệp.

Rõ ràng chúng ta chưa quen với việc doanh nghiệp hoạt động theo Luật, được phép làm tất cả những điều pháp luật không cấm. Còn nhà nước không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây là những tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung còn sót lại trong quá trình chuyển đổi bộ máy nhà nước. Kết quả là khi bộ máy nhà nước chưa rạch ròi giữa các khái niệm thì các cán bộ, công chức nhà nước sẽ tranh thủ, tận dụng.

Nhắc tới đối tượng cán bộ, công chức nhà nước. Theo ông, liệu có hay không sự tồn tại của một cơ chế "khuyến khích ngược" khiến họ có tâm lý gây khó, đẩy việc thay vì vận dụng linh hoạt chính sách nhằm xử lý nhanh gọn vấn đề của người dân và doanh nghiệp?

Về phía bản thân đối tượng công chức nhà nước. Hiện đang tồn tại khá nhiều luồng quan điểm.

Thực tế, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Nhưng nhiều ý kiến lại đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, thấu hiểu, sẻ chia của công chức đối với doanh nghiệp. Đây là một mâu thuẫn trong quá trình phát triển.

Nếu anh đòi hỏi công chức phải thấu hiểu, sẻ chia với doanh nghiệp nghĩa là anh đã vượt quá giới hạn mà anh đang áp cho công chức. Nếu anh là doanh nghiệp, khi anh có việc phải liên hệ với chính quyền thì trước tiên bản thân anh phải rà soát lại trong lĩnh vực đó yêu cầu những thủ tục, giấy tờ gì và anh đã chuẩn bị những gì? Những gì thiếu, chưa hoàn thiện anh cần phải làm?

Trong một nền kinh tế thị trường, nhiều trường hợp anh phải thuê dịch vụ từ các công ty tư vấn để họ tư vấn giúp anh nhanh chóng hoàn thành thủ tục, giấy tờ. Tới khi gặp cơ quan quản lý nhà nước liên quan, anh chỉ cần trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cho người công chức đại diện cho cơ quan đó. Còn người công chức sau khi nhận đủ hồ sơ, giấy tờ chỉ cần chiếu theo quy định hiện hành, rồi trao cho anh tờ giấy hẹn là với quy định pháp luật hiện hành, sau thời gian bao lâu họ sẽ phê duyệt giấy phép hoặc trả lời anh.

Song nhiều doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí, tranh thủ chất xám của công chức. Họ lại tới cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu được công chức hướng dẫn tỉ mỉ mọi thứ. Thậm chí, yêu cầu đó còn cao hơn những gì pháp luật cho phép công chức làm. Trong khi bản thân công chức không có nhiệm vụ, chức năng đó.

Tôi xin lấy ví dụ. Hiện tại, chúng ta đã ban hành các Luật, Nghị định về cấp sổ đỏ cho các hộ dân ở thành phố. Nội dung của các văn bản cũng đã quy định những giấy tờ cần có. Vậy bản thân mỗi công dân đã chuẩn bị đủ giấy tờ chưa? Nếu thiếu, người công chức sẽ trả hồ sơ, yêu cầu công dân trở về và hoàn thiện theo quy định, số lượng hồ sơ đối chiếu theo bảng hướn dẫn treo trên tường. Nhiều người thấy vậy nghĩ rằng công chức nhà nước không tạo điều kiện cho họ.

Bây giờ tôi xin đặt câu hỏi: “Ở các nước tư bản, người dân và doanh nghiệp chấp hành các thủ tục hành chính ra sao?”

Cùng là căn hộ, mảnh đất đó. Họ sẽ thuê một công ty tư vấn luật, cung cấp các giấy tờ hiện có và đưa ra đề nghị. Vị luật sư được thuê có trách nhiệm rà soát, tư vấn và hỗ trợ khách hàng. Nếu xác định đây là tài sản được thừa kế lại từ cha mẹ, anh phải có giấy từ chối thừa kế của các thành viên trong gia đình có công chứng. Rồi anh phải chứng minh tài sản của anh thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định trong Luật Thừa kế tài sản, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Khi hồ sơ và thủ tục đã được thực hiện đầy đủ, người dân hay doanh nghiệp sẽ nộp chúng cho cơ quan quản lý nhà nước. Rồi yêu cầu họ cấp giấy chứng nhận hay thực hiện các dịch vụ công khác theo yêu cầu.  

Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều người lại đòi hỏi công chức phải hướng dẫn cho họ cách làm hồ sơ, thủ tục như thế nào? Như vậy thì công chức trở thành người tư vấn rồi, không còn đúng với quy định của Luật Cán bộ, công chức nữa.

Vai trò của nhà nước và tham gia của tư nhân

Từ khi Nghị quyết 19-NQ/CP về cải thiện môi trường kinh doanh với những tiêu chí đo lường cụ thể được ban hành, nhiều rào cản kinh doanh, gia nhập thị trường đã được gỡ bỏ. Nhưng khối kinh tế tư nhân cần nhiều hơn nữa việc được tạo bình đẳng trong phát triển và công cụ nào để bảo vệ tài sản của mình?

Cách đặt vấn đề như vậy có điểm đúng và điểm chưa đúng. Nhìn lại lĩnh vực đất đai và tài nguyên, ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, khi chính quyền địa phương cấp đất, giấy phép cho xây dựng căn hộ cao tầng và khu đô thị, đối tượng doanh nghiệp nào xin được nhiều đất nhất?

Tìm được câu trả lời cho câu hỏi nêu trên, chúng ta sẽ thấy vấn đề này đặt ra ở một số nơi thì đúng, nhưng ở một số nơi khác lại chưa đúng.

Tôi còn nhớ, trong một buổi trao đổi ở hội trường Quốc hội liên quan tới nội dung dự thảo Nghị quyết về Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Có ĐBQH cho rằng nếu để các DNNN thực hiện dự án, trình tự, thủ tục đấu thầu có thể kéo dài tới 3 năm. Ngược lại, để doanh nghiệp tư nhân làm có thể tiết kiệm được 3 năm.

Hay liên quan tới vấn đề đất đai. Nhiều doanh nghiệp đi xin đất để làm dự án, xây dựng nhà máy đều phàn nàn phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, căng thẳng. Nhưng theo Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Khi doanh nghiệp muốn xin đất để thực hiện dự án cũng có nghĩa là đã diễn ra sự chuyển đổi từ sở hữu toàn dân sang sở hữu cá nhân.

Việc này đòi hỏi một quy trình chặt chẽ, doanh nghiệp phải chứng minh được khi đất đai chuyển từ sở hữu toàn dân sang sở hữu cá nhân thì toàn dân được thụ hưởng lợi ích gì? Lợi ích đó có cân bằng không? Vậy nên, quá trình xin đất có thể kéo dài tới 3 năm, thậm chí 5 năm.

img

"Nhiều DNNN đòi hỏi trao cho họ quyền như doanh nghiệp tư nhân, còn doanh nghiệp tư nhân lại muốn có được mối quan hệ như DNNN", TS. Nguyễn Đức Kiên nhận xét. (Ảnh: Tiến Chương).

Cá nhân tôi thấy nhiều DNNN đòi hỏi trao cho họ quyền như doanh nghiệp tư nhân, còn doanh nghiệp tư nhân lại muốn có được mối quan hệ như DNNN. Vậy là ai cũng không hài lòng với vị thế của mình. Nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng trong một xã hội đang phát triển với tốc độ rất nhanh, tổ chức bộ máy cũng không thể theo kịp và chúng ta sẽ chọn điểm đột phá để thay đổi.

Điểm đột phá đó nằm trong Hiến pháp năm 2013, với nội dung quy định rõ về quyền tài sản và quyền nhân thân của công dân. Quyền tài sản của công dân là một quyền trong những quyền cơ bản, khi Hiến pháp đã quy định như vậy, công dân được phép bảo về quyền của họ. Bao gồm quyền họ là chủ doanh nghiệp hay sở hữu một lượng cổ phiếu lớn.

Nhìn từ trường hợp chúng ta xây dựng Tràng Tiền Plaza – tiền thân là Bách hóa Tổng hợp, tới nay doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã thuê lại mặt bằng để kinh doanh các mặt hàng đắt tiền. Hay cũng chính vị doanh nhân này cũng các đối tác đã rót tiền xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Trong khi đó, DNNN chủ yếu xây dựng các nhà ga nội địa, vón do nhà nước bỏ ra. Sau khi nhà ga đi vào khai thác, nhà nước không thu được phí sử dụng dân bay. Còn ở nhà ga hành khách quốc tế do ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các đối tác đầu tư, mỗi khách quốc tế giúp họ thu về 12 USD.

Kinh tế nhân hiện đã là động lực quan trọng để phát triển đất nước với đầu tàu là những tập đoàn kinh tế như Vingroup, Sungroup, Vietjet Air… Ngược lại, hoạt động của một số DNNN trong thời gian qua đã bộc lộ bất cập, gây ra nhiều thất thoát tại các dự án quan trọng. Liệu đây có phải thời điểm phù hợp để chúng ta tập trung nguồn lực, đưa tư nhân trở thành trụ cột phát triển chính hay nền kinh tế?

Doanh nghiệp tư nhân thành lập và hoạt động đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận. Khi không đạt được con số mong muốn, họ có thể rút khỏi thị trường. Còn hoạt động DNNN còn bao hàm thêm cả nhiệm vụ chính trị. Có DNNN nhiều năm thua lỗ nhưng vẫn phải duy trì sản xuất để bảo toàn vốn nhà nước, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Thêm vào đó, chúng ta phải đặt câu hỏi: “Có phải doanh nghiệp tư nhân chưa từng thất bại không?”.

Thực tế dòng chảy phát triển của kinh tế đất nước, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân vươn lên thành doanh nghiệp lớn, Tập đoàn đa ngành, song cũng không ít doanh nghiệp phá sản.

Trong ngành ô tô, Vinaxuki là trường hợp điển hình. Họ sản xuất ra những chiếc xe có chất lượng tốt, nhưng vốn không đủ lớn, không tìm ra bước đi thích hợp nên cuối cùng vẫn phải đóng cửa. Còn Thaco chọn giải pháp lắp ráp và hợp tác với Kia, Mazda. VinFast lại đi theo một hướng khác là mua dây chuyền công nghệ của Đức… Mỗi doanh nghiệp đều có một hướng đi và sự lựa chọn của mình.

img

Ngành hàng không chứng kiến cuộc cạnh tranh thị phân giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air trong những năm gần đây. (Ảnh minh hoạ).

Trong ngành hàng không, Air Mekong xuất hiện sớm nhưng không đạt được mục tiêu kinh doanh của mình nên ngừng bay và tuyên bố phá sản. Sau đó, tới lượt Vietjet Air, Bamboo Airways gia nhập thị trường, dần vươn lên, chiếm một thị phần đáng kể tại thị trường hàng không Việt Nam. Đó điều rất bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Ở chiều ngược lại, Jetstar Pacific – một công ty cổ phần với 67% vốn thuộc sở hữu của Vietnam Airlines. Trong chiến lược thương hiệu kép, hãng hàng không mẹ sẽ vận tập chung hoạt động trong phân khúc cao và tạo ra một hãng hàng không giá rẻ riêng để với tay tới thị trường hàng không giá rẻ (LCC). Vậy nên, Jetstar Pacific muốn phát triển cũng khó. Chưa kể nguồn lực doanh nghiệp bị phân mảnh như vậy, rất khó để đạt được hiệu quả kinh doanh như các hãng có nguồn lực tập trung.

Đối với đóng góp của DNNN. Trong lĩnh vực viễn thông – di động, bản thân chiếc điện thoại thông minh hỗ trợ 4G mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày chính là kết quả tới từ sự nỗ lực của các DNNN như Viettel, VNPT, MobiFone…

"DNNN vẫn phải tồn tại bởi đây là công cụ giúp nhà nước điều tiết thị trường và là công cụ vật chất tham gia định hướng thị trường. DNNN lúc này phải đi trước, mở đường, chịu rủi ro lớn hơn", TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Nếu thay vào đó là các doanh nghiệp tư nhân, vậy liệu có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực đầu tư hệ thống hạ tầng viễn thông, đủ khả năng phủ sóng rộng khắp như các doanh nghiệp nêu trên?

Đặt trong trường hợp họ không đủ vốn, phải huy động từ các định chế tài chính quốc tế hoặc hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Vậy chúng ta quản lý vấn đề an toàn thông tin, an ninh quốc gia ra sao khi tất cả các cuộc gọi, tin nhắn đều được ghi lại? Quyền tự do công dân lúc đó còn được đảm bảo không?

Vấn đề này đã từng có tiền lệ, đó là khi Chính phủ Mỹ chính thức nhờ một tòa án, yêu cầu Apple giúp FBI bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của cặp vợ chồng là các tay súng trong vụ bắn người hàng loạt ở San Bernardino, nhưng bị phía Apple từ chối.

Một thực tế khác cũng cho thấy nhà nước đã dần "nhường sân" cho kinh tế tư nhân. Trong lĩnh vực bán lẻ, số lượng doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động trên thị trường không nhiều. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp tư nhân có đủ sức vươn lên chiếm lĩnh thị trường không hay gặp thất bại trước các doanh nghiệp nước ngoài, phải bán cổ phần, rời bỏ thị trường.

Thị trường chứng khoán, lúc mới thành lập tồn tại rất nhiều rủi ro, nếu không có nhà nước bù lỗ thì không thể hình thành thị trường chứng khoán. Nhưng khi thị trường đã hình thành thì nhà nước thoái hết vốn để tư nhân tham gia.

Tôi cho rằng chúng ta cần một góc nhìn hết sức biện chứng. Kinh tế Việt Nam đã có những bước đi rất nhanh, nhưng vẫn có những bước đi chưa thật sự tốt. Và từ những bước đi tốt, chúng ta rút kinh nghiệm để giải quyết những bước đi chưa tốt.

Yếu tố chưa được của chúng ta là vẫn còn nhiều khả năng huy động vốn từ xã hội để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước và DNNN phải chọn những ngành, lĩnh vực, công việc mà doanh nghiệp tư nhân không làm hoặc DNNN phải làm để giữ quyền chi phối.

"Một thị trường rất nhạy cảm là ngân hàng, nhà nước từ nắm giữ 100% vốn cung ứng cho thị trường thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước thì nay các ngân hàng có vốn nhà nước chỉ đóng góp chưa tới 60% giá trị vốn trên toàn thị trường. Như vậy là nhà nước đã “lùi” hơn 40%", TS. Nguyễn Đức Kiên nhớ lại.

Ví dụ, hỗ trợ quỹ đất cho doanh nghiệp. Ở đây, nhà nước sẽ sử dụng tiền từ NSNN để đầu tư hạ tầng cho các khu công nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp nào có nhu cầu phát triển sẽ tới đăng ký thuê đất của nhà nước, trả phí dịch vụ xử lý chất thải… Thay vì lo lắng vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, họ chỉ cần tới gặp cơ quan quản lý, đề đạt nguyện vọng, kế hoạch. Còn lại, cơ quan quản lý sẽ có trách nhiệm phân bổ nguồn lực một cách hợp lý.

Một doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy may với quy mô 1.000 lao động ở địa phương. Khi tới gặp cơ quan quản lý, những người chịu trách nhiệm sẽ phải sắp xếp nguồn, phân bổ lực đất đai, tìm ra vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy và khu nhà ở cho công nhân.

Doanh nghiệp có thể hỗ trợ địa phương thông qua hoạt động liên kết xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê lại với mức giá thấp. Những chi phí mang tính chất hỗ trợ như vậy có thể được tính vào chi phí hợp lý của sản xuất để được hưởng ưu đãi thuế hoặc miễn thuế.  

Theo ông, Đảng và Chính phủ cần làm gì để Việt Nam có những doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn mạnh, đủ sức vươn ra thị trường quốc tế?

Đòi hỏi này cần được đáp ứng từ hai phía. Về phía nhà nước, cần những bước chuyển đổi quyết liệt hơn nữa để vận hành bộ máy theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận yếu tố đa sở hữu. Và sở hữu nhà nước như lời Lenin, chỉ là một bộ phận cấu thành nên nền kinh tế.

Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, cần thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Không thể mang tư tưởng “trách nhiệm xã hội nhẹ đi, lợi nhuận cao lên”, mà cần bảo đảm sự hài hoà với quyền lợi của người lao động làm việc trực tiếp với tại doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, đóng góp thuế…

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem