Bốn vị đại khoa đất Thái Bình, có Lê Quý Đôn đỗ bảng nhãn cùng năm, tất cả đều tuổi Thân
Bốn vị đại khoa đất Thái Bình, đỗ bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ cùng một năm Nhâm Thân
thaibinhtv.vn
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 05:00 AM (GMT+7)
Trong quan niệm dân gian thì người tuổi thân (cầm tinh con khỉ) thì vất vả đủ điều nhưng thực tế thì năm Thân không phải mọi điều là không tốt đẹp, xin nêu ra đây bốn đại khoa đất Thái Bình đỗ bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ vào cùng năm Nhâm Thân, Cảnh Hưng năm thứ 14 (1752).
Từ xa xưa, các triều vua nước ta đã biết “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp”.
Bởi vậy các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều tổ chức thi để tuyển chọn hiền tài. Từ triều Lê định lệ cứ 3 năm một lần tổ chức thi, dù năm đó là năm con khỉ hay con gà.
Tượng nhà bác học Lê Quý Đôn trong khuôn viên khu tưởng niệm ông tại quê nhà, thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Sở Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình.
Khoa thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1752) đời vua Lê Hiển Tông có hàng nghìn người dự thi chỉ lấy đỗ có 6 người, trong đó Thái Bình có tới 4 người.
Đây được xem là khoa thi có nhiều người Thái Bình đỗ đại khoa nhất, gồm có:
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) Lê Qúy Đôn. Lê Quý Đôn quê ở xã Diên Hà, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) Đoàn Nguyễn Thục, xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Bình (nay là thôn Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) là: Nghiêm Vũ Đằng, xã Kỳ Nhai, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình (nay là thôn Kỳ Nhai, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) Nguyễn Xuân Huyên, xã Hoàng Xá, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương (nay là thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Sau khi thi đỗ, các ông đều được bổ dụng ra làm quan, đều nổi tiếng, trong đó có người nổi tiếng ở cả ngoài nước.
Bảng nhãn Lê Qúy Đôn (1726-1784)
Lê Quý Đôn tên thật là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày mùng 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, tức là ngày mùng 2 tháng 6 năm 1726 ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Thân phụ ông là Lê Trọng Thứ đậu Tiến Sĩ làm quan đến Thượng Thư bộ Hình tước Hầu. Thân mẫu là Trương Thị Ích, con gái Tiến sĩ Trương Minh Lượng, làm quan Hoằng phái hầu.
Thủa nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là thần đồng, năm 1739 theo cha lên kinh đô theo học thày là tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Năm 18 tuổi thi Hương đậu giải nguyên, sau ở nhà dạy học và làm sách. Năm 27 tuổi thi Hội đỗ đầu, thi Đình đỗ Bảng Nhãn
Lê Quý Đôn làm quan đến Công bộ Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc), qua những trước tác của mình, ông đã để lại cho đời một kho tàng tri thức lớn, gồm nhiều lĩnh vực khoa học.
Lê Qúy Đông được đánh giá là "người thông minh nhất đời", "nước ta vài ba trăm năm mới có một người như vậy".
Ông được các trí thức Trung Quốc và Triều Tiên đánh giá là “Đệ nhất nhân tài của nước Nam”. Lê Qúy Đôn là nhà Bác học Việt Nam thế kỷ XVIII là “một ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam”.
Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục (1728-1775)
Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục sau khi thi đỗ, được vào làm việc ở Ngự sử đài, thăng Thiêm đô ngự sử, rồi phố Đô ngự sử, từng được cử làm Đốc tướng đi đánh Đàng Trong, rồi được cử làm Tây đạo tướng quân đi dẹp loạn ở Tây Bắc, lại được cử làm chánh sứ sang sứ Trung Quốc. Ghi nhận về chuyến đi này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên, đỗ đồng khoa với ông ghi tặng:
Đã lên Điền Việt xua hùm sói
Lại đến Yên Đài tỏ phụng lân
Ghi nhận về tài năng, phẩm chất của ông, sử nước ta viết: “Ông học vấn rộng rãi, phong thế khí độ chững chạc, dọc ngang văn võ, việc gì cũng làm được”, “Là người cương trực, uy phong khảng khái, khi ở trong triều giữ khí tiết”.
Tiến sĩ Nghiêm Vũ Đằng
Tiến sĩ Nghiêm Vũ Đằng được dân gian thường gọi “Ông Nghè Nâu” vì trước khi đỗ Tiến sĩ, nhà nghèo ông phải đi bán củ Nâu (củ này mọc ở trên rừng, người ta đưa về đồng bằng bán cho nông dân mua, dã nhỏ, trộn với nước đem nhuộm vải may quần áo.
Vải nhuộm nâu bền, sạch hợp với lao động đồng ruộng). Sau khi thi đỗ, Nghiêm Vũ Đằng được cử làm Hàn lâm viện đại chế.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên (1728-1775)
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên thuở nhỏ nhà nghèo, chỉ có một thúng thóc đổ ra chiếu phơi, mẹ dặn khi mưa thì chạy thóc vào nhà nhưng mải học, trời mưa quên lời mẹ dặn thóc trôi hết, mẹ con phải nhịn đói.
Thi đỗ được bổ vào viện Hàn lâm, thăng dần đến chức Hữu thị lang bộ Lễ (tương đương chức Thứ trưởng một Bộ bây giờ).
Ông hai lần được cử đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) vào các năm 1761-1771 khi làm phó sư, khi làm chánh sứ.
Những lần đi sứ, ông đã thực hiện đúng phương châm “Toàn quân mệnh, tráng quốc uy” (làm tròn việc vua giao, làm tăng thế nước), ông được phong tước Hầu.
Nhà thờ ông ở thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) vẫn còn giữ được cờ, sắc phong của vua Lê Cảnh Hưng ban cho ông khi về vinh quy bái tổ.
Vậy là dù thi đỗ vào năm con khỉ (năm Thân) nhưng cả bốn đại khoa đất Thái Bình đều thăng tiến, đều xứng đáng là những người hiền tài, thẳng thắn, cương trực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.