Nuôi loài đặc sản đội "của hiếm" trên đầu, ở nơi này của Ninh Bình nhà nào cũng đổi đời

Thứ tư, ngày 15/02/2023 19:38 PM (GMT+7)
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại để phát triển mô hình con nuôi đặc sản, trong đó có nuôi hươu, nuôi nai lấy nhung. Các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
Bình luận 0

Ninh Bình bước đầu đã hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, trên nền đệm lót sinh học bảo vệ môi trường tại huyện Gia Viễn, Nho Quan.

Mô hình nuôi nai lấy nhung của gia đình ông Lê Anh Tú đã phát triển được hơn 4 năm. Theo ông, nai khá dễ nuôi, ăn tạp và ít bị dịch bệnh. Đặc biệt là con nuôi đặc sản nên có giá bán cao, được thị trường ưa chuộng.

Nuôi loài đặc sản đội "của hiếm" trên đầu, ở nơi này của Ninh Bình nhà nào cũng đổi đời - Ảnh 1.

Mô hình nuôi nai lấy nhung của ông Lê Anh Tú, nông dân tỉnh Ninh Bình.

Còn theo ông Trịnh Văn Đàm, là hộ nuôi hươu lấy nhung đánh giá, phát triển con nuôi đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các con nuôi truyền thống. Nhất là hiện nay, khi du lịch phát triển, nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản, du lịch trải nghiệm, khám phá của du khách tăng, nên việc mở rộng quy mô chăn nuôi cũng được gia đình quan tâm.

Theo Quyết định số 783, ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình ban hành các danh mục ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022, các con nuôi đặc sản lĩnh vực chăn nuôi gồm: Lợn địa phương, gà Cúc Phương, hươu lấy nhung, nai, vịt biển, vịt trời. 

Để phát triển theo hướng bền vững, cùng với việc mở rộng quy mô đàn, các hộ dân đã đầu tư, ứng dụng công nghệ nuôi khép kín, hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, hệ thống máng uống tự động. Đồng thời, liên kết giúp đỡ nhau về kỹ thuật, giống, vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Nuôi loài đặc sản đội "của hiếm" trên đầu, ở nơi này của Ninh Bình nhà nào cũng đổi đời - Ảnh 2.

Mô hình nuôi con đặc sản-nuôi hươu lấy nhung của nông dân tỉnh Ninh Bình.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bước đầu đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn bản địa quy mô vừa theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, trên nền đệm lót sinh học bảo vệ môi trường.

Các mô hình nuôi lợn bản địa đặc sản tận dụng được nguồn chất thải hữu cơ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi tại huyện Gia Viễn, Nho Quan; đồng thời tạo nguồn sản phẩm hữu cơ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các vùng, khu vực chăn nuôi hươu lấy nhung ở xã Phú Long, Cúc Phương, huyện Nho Quan; phường Nam Sơn, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp với quy mô từ 500  đến 1.000 con. 

Hiệu quả kinh tế từ mô hình con đặc sản đã cho thấy đây đang là hướng đầu tư mới, phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển du lịch, cần được hỗ trợ, triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Thu Dung (Đài PTTH Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem