“Con đường thuốc Việt”: Hướng tới hiệu quả điều trị

Thứ bảy, ngày 21/12/2013 16:42 PM (GMT+7)
Ngày 20.12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổ chức lễ ra mắt Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”. Theo đó, mỗi năm, Hội đồng bình chọn sẽ lựa chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt có hiệu quả cao trong điều trị.
Bình luận 0
Không nên sản xuất dàn trải

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, muốn cho người dân tin tưởng sử dụng thuốc Việt thì yếu tố quyết định là chất lượng chứ không phải giá cả. Thực tế chứng minh trong thời gian qua, những thuốc chiếm thị phần nhiều trong các bệnh viện đa số là từ các công ty có đầu tư nâng cao chất lượng và có thử tương đương sinh học với các thuốc ngoại khác. Khi các bác sĩ thấy thuốc nội có hiệu quả điều trị tốt ngang với thuốc ngoại thì họ sẽ hạn chế kê đơn thuốc ngoại giá cao. Bà Lan cho rằng, điểm yếu của thuốc Việt chính là chưa có nhiều thuốc đặc trị, chính vì vậy, cần phải có sự chỉ đạo, định hướng để các công ty dược không sản xuất dàn trải mà nên đầu tư sản xuất các thuốc còn thiếu, còn phải nhập khẩu nhiều.

Sẽ ưu tiên thuốc nội trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Sẽ ưu tiên thuốc nội trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trafaco cho biết, chính sách nhà nước cần có thêm những ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất dược trong nước. Hiện các sản phẩm dược trong nước đang chịu sự kiểm soát giá của Bộ Y tế, tuy nhiên, không thể yêu cầu một sản phẩm tốt nhất mà giá lại thấp nhất được. Thật vô lý khi cũng là thuốc nhỏ mắt có thành phần, chất lượng, hiệu quả tương đương nhưng sản phẩm của Nhật, Mỹ có giá 40.000-50.000 đồng, trong khi sản phẩm Việt chỉ vài ngàn đồng. Tuy nhiên, bà Thuận lo ngại, nếu thuốc có giá cao hơn thì lại khó trúng thầu bệnh viện.

Sẽ có nhiều ưu tiên thuốc Việt


Theo ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược, công nghiệp dược nội địa đã có nhiều bước phát triển với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế GMP. Tuy nhiên, giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng trong bệnh viện cũng như trên thị trường tự do mới chỉ đạt xấp xỉ 48% tổng giá trị thị trường.

Mỗi năm, Chương trình “Con đường thuốc Việt” sẽ bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng thuốc và được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được nhân dân tin cậy sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một trong những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất dược trong nước là chi phí cho quảng cáo và hoa hồng được quy định thấp (chỉ 5-10%). Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài chi tới 30% cho quảng cáo. Chính vì vậy, thuốc Việt chưa được người dân biết nhiều. Năm 2013, Việt Nam đã nới rộng quy định, cho phép các doanh nghiệp được dành 15% chi phí cho quảng cáo, như vậy, thuốc nội sẽ có cơ hội truyền thông nhiều hơn, được nhiều người dân biết hơn.

Bà Tiến cũng cho biết, để tăng cường việc kê đơn thuốc nội trong các bệnh viện, Bộ sẽ điều chỉnh thông tư về quy định kê đơn, yêu cầu các bác sĩ ưu tiên thuốc Việt. Ngoài ra, danh mục thuốc bảo hiểm y tế cũng sẽ ưu tiên thuốc Việt, chỉ có những thuốc biệt dược mà thuốc Việt không có mới dùng thuốc ngoại.

Trong thời gian tới, Chương trình “Con đường thuốc Việt” sẽ là cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý, người dân và các doanh nghiệp dược, nhằm nâng cao nhận thức và gây dựng niềm tin của người dân với thuốc Việt.

Linh Hồng (Linh Hồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem