Con mắc bệnh tự kỷ, tưởng bị ma bắt

Thứ năm, ngày 06/01/2011 13:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông thầy phán: “Con anh bị người âm nhập vào, phần hồn của nó đã bị “bắt”. Để trục cái vong này đi thì phải… đánh tráo, tức là đổi tên, đổi họ, đổi cả bố mẹ thì may ra mới thoát”...
Bình luận 0

Một số bậc phụ huynh ở nông thôn có nhiều cách chữa bệnh khá kỳ quặc khi con có biểu hiện không nói, chậm vận động, không nhận biết được cha mẹ - dấu hiệu điển hình của trẻ bị bệnh tự kỷ.

Đổi tên để… chữa bệnh

img
Chờ khám bệnh tại BV Nhi T.Ư.

Bé M – con anh Nguyễn Duy S (Duy Tiên, Hà Nam) được gần 1 tuổi vẫn không vận động, đặt đâu nằm đấy dù chân tay bình thường. Khuôn mặt bé nhìn lanh lợi nhưng không hề có phản ứng khi nhìn thấy bố mẹ, cũng không cười, nói.

Lo lắng, anh S mang con tới một ông thầy cúng tận Vụ Bản (Nam Định). Ông thầy phán: “Con anh bị người âm nhập vào, phần hồn của nó đã bị “bắt”. Để trục cái vong này đi thì phải… đánh tráo, tức là đổi tên, đổi họ, đổi cả bố mẹ thì may ra mới thoát”.

Rà soát hết tuổi tác của họ hàng, ông thầy mới chọn ra được một người anh rể họ xa “hợp với thằng bé”. Gia đình anh S phải làm lễ… nhận bố mẹ mới cho con, sau đó làm lễ đổi tên. Cầu cúng, lễ lạt hết gần 20 triệu đồng nhưng tình trạng của bé M vẫn không hề thay đổi.

Tương tự, vợ chồng chị Hoàng Thị L ở Phúc Thọ (Hà Nội) cũng có cậu con trai 2 tuổi mà chưa biết nói, chỉ thích ngồi chơi một mình, thích xếp các loại hoa quả thành từng chồng (nhà chị L buôn hoa quả). Ai động tới chồng hoa quả đã xếp là cậu bé nổi xung lên. Thay vì đưa cháu đến bác sĩ, bà nội bé đi khắp các đền chùa cầu cúng, làm lễ giải hạn, “bán khoán” mà cậu bé vẫn “ngơ ngơ”.

Không biết con bị bệnh

Gia đình chị Hoàng Thị L dù có người nhà là bác sĩ đã nói chắc chắn con chị bị tự kỷ, bố và bà nội bé vẫn không tin, không hiểu đó là bệnh gì. Đến khi đọc tài liệu về bệnh này chị L hốt hoảng định cho con đi khám tại BV Nhi T.Ư nhưng cả nhà chồng cản lại.

Cũng như chị L, anh Nguyễn Văn S chưa từng nghe tới bệnh tự kỷ. Gặp vợ chồng anh trên đường đưa con đi làm lễ lần 2, chúng tôi vô cùng xót xa khi nhìn bé nằm im trong tay mẹ, khuôn mặt vẫn linh lợi nhưng không nhìn bất cứ ai, còn mẹ bé thì giàn giụa nước mắt.

Chúng tôi nói tới bệnh tự kỷ và khuyên đi khám, anh S nghe một lúc rồi hỏi lại hồn nhiên: “Có bệnh như thế thật à? Thôi cứ đưa nó đi cầu cúng cho hết lễ rồi khám sau”.

Trao đổi với chúng tôi, BS Quách Thuý Minh - Trưởng khoa Tâm bệnh, BV Nhi T.Ư cho biết, số trẻ đến khám bệnh tự kỷ ở khoa rất nhiều. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tự kỷ mà chủ yếu điều trị bằng các biện pháp giáo dục và tâm lý. Ngoài ra, cha mẹ các bé cũng phải được “đào tạo” để phối hợp cùng điều trị cho con tại nhà.

Tự kỷ là hiện tượng rối loạn về vận động, rối loạn về giao tiếp. Trẻ mắc bệnh tự kỷ chậm nói (2- 3 tuổi vẫn chưa biết nói), hay nói lắp, cách hiểu đơn giản, thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác, kể cả bố mẹ, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện. Theo BS Minh, nếu qua 10 tuổi mà không chữa, trẻ dễ chuyển sang bệnh tâm thần.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem