Giữ lại một nền văn hóa
Việt Nam cho đến nay vẫn là một đất nước nông nghiệp với cây lương thực chủ đạo là lúa nước, lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với cây lúa, nền văn hóa Việt Nam cũng vậy, xuất phát từ nền văn minh lúa nước. Từ mảnh ruộng mà hình thành nên làng mạc, rồi từ đó mới có đất nước, từ “đất nước” được cấu thành từ hai yếu tố liên quan đến thửa ruộng của người Việt, “đất” và “nước”.
|
Ngày mùa ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. |
Kỹ thuật trồng lúa nước của người Việt được đánh giá là tinh vi nhất thế giới, đồng bằng sông Hồng cũng là cái nôi của nền văn minh lúa nước nhân loại. Theo tính toán của các nhà địa chất, trong điều kiện thổ nhưỡng bình thường, 1cm tầng đất mặt có lớp mùn được hình thành sau 100 năm. Để trồng được lúa nước, lớp đất mùn phải có chiều dày bằng với chiều dài của lưỡi cày từ 15-17cm, vậy là lớp mùn ấy đã được hình thành sau 1.500 đến 1.700 năm.
Để có được thửa ruộng, người canh tác phải tìm nơi có địa hình bằng phẳng, đất trồng lúa nước là loại đất bằng phẳng nhất trong các loại đất nông nghiệp, mặt ruộng không được chênh nhau quá 20cm nếu không cây lúa sẽ có chỗ hạn, chỗ úng. Trồng lúa nước là một kỹ thuật tinh vi tích lũy qua bao nhiêu đời. Mảnh đất ruộng là kết quả của sự sáng tạo của bao nhiêu thế hệ người Việt khi nhận được món quà từ thiên nhiên trao tặng, đó là phù sa sông ngòi.
Quá trình hình thành đất lúa gắn liền với quá trình hình thành một quốc gia nông nghiệp. Nền văn minh này đã tạo nên một xã hội lấy làng xã làm cơ sở, làng nào ruộng đó. Có ruộng thì sẽ thành làng, có làng sẽ có đình, chùa, ao hồ... các điểm tụ cư nông nghiệp cứ thế mà hoàn thiện dần. Ngôi làng nằm ở giữa, các cư dân của làng canh tác xung quanh, hết đất ruộng của làng này mới sang một làng khác.
Cây lúa nước với người Việt không chỉ là một tư liệu sản xuất đơn thuần mà là một nền tảng văn hóa. Nhìn từ thế kỷ XVII, ranh giới Đại Việt chỉ đến Đèo Ngang, nhưng chỉ 300 năm sau, diện tích đất nước đã tăng lên gấp đôi là bởi người Việt nắm trong tay một kỹ thuật trồng lúa rất tinh vi mà không phải dân tộc nào cũng có được. Có thể nói, bằng nghề trồng lúa nước, người Việt dần dần chiếm lĩnh những vùng đất trồng lúa, bám theo các con sông, dựa vào những bãi phù sa, cư dân lúa nước tiến đến đâu thì dân bản địa phải bạt đi đến đó. Làm ra hạt gạo, chủ động được về lương thực, người Việt đã mở rộng được địa bàn cư trú.
Tuân theo quy luật
Một đất nước phát triển thì đô thị phải được mở rộng, khu dân cư mở rộng, quá trình công nghiệp hóa phải có thêm những nhà máy, công xưởng, làm đường sá để phát triển hạ tầng, đất cho phát triển chỉ có thể là đất nông nghiệp, do vậy diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp là điều không thể tránh khỏi. Tuân theo quy luật tất yếu như vậy, trách nhiệm của những người làm quy hoạch lại càng nặng nề hơn bao giờ hết.
Trong diện tích đất nông nghiệp với khoảng gần 10 triệu ha, đất lúa là cốt lõi với khoảng 4.500.000ha, theo quy hoạch, hiện nay chỉ còn 3.800.000ha và có khả năng sẽ còn bị thu hẹp nữa. Trước đây, Luật Đất đai năm 1987 quy định nếu sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác mà trên 2ha thì phải có sự phê duyệt của Thủ tướng, dưới 2ha thì cấp tỉnh duyệt nhưng hiện nay, quy định này đã bị bãi bỏ và phân cấp về cho các địa phương quản lý.
Đất ruộng ở ĐBSCL có thể trồng liên tiếp 2-3 vụ mỗi năm và sản lượng lúa có thể lên đến trên 10 tấn/ha, phải nhường cho sân golf thì đau xót quá.
Điều này khiến cho tình trạng đất lúa bị cắt cho sân golf, cho dự án khu đô thị ngày một nhiều hơn, báo chí đã đưa tin cá biệt như chỉ một tỉnh Long An mà có tới 13 dự án xin làm sân golf. Thiết tha mong một quy hoạch vùng hoàn chỉnh cho đất lúa, trong mỗi vùng ấy, sẽ có một điều tra cụ thể về con số đất đai, nhân lực để từ đó xây dựng “một xã hội trồng lúa”.
Trong vùng quy hoạch đó, người trồng lúa được cung cấp đầy đủ hạ tầng cơ sở, trường học, bệnh viện, được hưởng thụ những dịch vụ xã hội tốt nhất, được tư vấn trợ giúp về giống má, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra để họ yên tâm làm tốt nhiệm vụ của mình và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Muốn bảo vệ đất lúa phải bảo vệ bằng một hệ thống chính sách.
Trong “cuộc chiến” để bảo vệ 3.800.000ha đất lúa, phải khiến mọi người có nhận thức coi trọng đất lúa nhưng quan trọng hơn là phải tổ chức cho được quy hoạch vùng. Giữ được thửa ruộng là giữ được làng mạc, giữ được lịch sử cha ông và bản sắc văn hóa dân tộc.
KS Tôn Gia Huyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.