"Cơn sốt" mang tên sầu riêng đã lan đến Bình Phước, ngành chức năng khuyến cáo thế nào?

Thứ bảy, ngày 25/03/2023 18:47 PM (GMT+7)
Hơn 2 tháng nay, “cơn sốt” trồng sầu riêng đã lan sang Bình Phước. Mặc dù có kinh nghiệm với những “cơn sốt” đã từng bùng phát như “sốt” cao su, hồ tiêu, bưởi da xanh… nhưng hiện nhiều nông dân ở tỉnh Bình Phước vẫn bất chấp các điều kiện cần và đủ để trồng sầu riêng
Bình luận 0

Rất cần các biện pháp “hạ sốt”, tránh tình trạng chặt bỏ khi sầu riêng mất giá.

Trong “cơn sốt” sầu riêng

Một thành viên trên diễn đàn mạng xã hội Nông dân Bù Đăng, có tài khoản Hoang Ngoc Anh chia sẻ: “Tôi có ý định cưa mấy ha điều già cỗi để trồng sầu riêng, mong cho thu nhập khá hơn. Nhưng thấy bà con trong vùng ai cũng trồng sầu riêng nên nẫu hết cả ruột gan, không biết phải làm thế nào? 

Mùa khô của Bình Phước cũng sắp hết, bắt đầu mùa mưa, mùa xuống giống cây trồng. Để giúp gia đình em mau chóng làm đất, kịp thời vụ, mong các bác cho em lời khuyên. Nếu không trồng sầu riêng thì trồng cây gì các bác nhở? Giúp em với, cảm ơn nhiều nhiều ạ!”.

"Cơn sốt" mang tên sầu riêng đã lan đến Bình Phước, ngành chức năng khuyến cáo thế nào? - Ảnh 1.

Những năm gần đây, sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên được nhiều nhà nông trong tỉnh Bình Phước lựa chọn trồng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng chặt bỏ khi sầu riêng rớt giá, rất cần định hướng chiến lược của ngành chức năng - Ảnh: Viết Bằng

Anh Ngô Văn Tùng ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng (Bình Phước) có 2 ha cao su 10 năm tuổi cho năng suất kém, giá mủ lại thấp, không đủ trả tiền công cạo và chi phí đầu tư nên anh quyết định thanh lý. 

“Ban đầu, tôi tính trồng bưởi da xanh, rồi nghĩ đến trồng mít Thái. Nay thấy bà con xung quanh ai cũng trồng sầu riêng nên gia đình quyết định trồng theo. Lo lắng nhất của tôi là nguồn nước tưới hơi “hẻo”, phải đầu tư khoan giếng mới đảm bảo cho mùa khô và băn khoăn chưa biết chọn giống nào để trồng” - anh Tùng cho biết.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện có gần 14.000 ha, trong đó sầu riêng 4.802 ha, khoảng 2.289 ha đã cho sản phẩm, năng suất ước đạt 95,24 tạ/ha. Dự báo diện tích trồng sầu riêng ở Bình Phước sẽ còn tăng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng đã có những biện pháp “hạ sốt” sầu riêng.

Khuyến cáo của ngành chức năng

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thông tin: Bình Phước đã được cấp 8 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 500 ha. 

Phần lớn diện tích còn lại có thể xem như trong tình trạng “sốt cao”, nằm ngoài hợp đồng, không dự đoán được thị trường. “Để đáp ứng các điều kiện khắt khe khi tham gia thị trường xuất khẩu, nông dân buộc phải liên kết, hợp tác với nhau để sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa, số hóa, công nghệ thông tin để giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. 

Đặc biệt, cần liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết cung ứng từ vật tư đầu vào, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đến thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm” - Thạc sĩ Long khuyến cáo.

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước (TP. Đồng Xoài) đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, xuất khẩu nông sản chính ngạch vào các thị trường tiềm năng, trong đó có sầu riêng

Điển hình như mối liên kết giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời với hơn 20 hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Bù Đăng và Hớn Quản với diện tích 30 ha. Thông qua chuỗi liên kết sẽ góp phần nâng cao nhận thức về áp dụng khoa học - kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, đảm bảo đầu ra ổn định. Đây còn là nền tảng cho việc dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.

Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang có 7 loại trái cây xuất khẩu gồm: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít. 5 loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Ngoài ra, các loại chanh leo, ớt tươi đang duy trì xuất khẩu tạm thời và một số nông sản khác đang trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường gồm: bưởi, na, dừa, chanh…

Các mặt hàng này muốn xuất khẩu đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Đây là những thông tin mà nông dân cần cập nhật, phân tích để đưa ra lựa chọn đúng khi quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trong tình hình hiện nay.

Và tư vấn của nhà khoa học

Tiến sĩ Mai Văn Trị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ tư vấn: Bà con nông dân không cần lo lắng, phân vân giữa trồng cây gì, nuôi con gì, mà nên cân nhắc, tính toán đến việc mình có hội đủ các điều kiện để sản xuất được sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt, khắt khe của thị trường xuất khẩu không. 

Riêng cây sầu riêng rất khó trồng, nhiều sâu bệnh hại, phải hơn 4 năm mới cho thu hoạch, chi phí đầu tư cao khoảng 7-8 triệu đồng/cây. Nếu không có giống tốt, kỹ thuật canh tác, tài chính để chăm sóc thì sẽ không đạt năng suất, chất lượng. 

Để trồng sầu riêng đạt hiệu quả, việc đầu tiên là phải kiểm tra, đánh giá về khí hậu, thời tiết, nước tưới, đất trồng. Đánh giá lại tiềm lực tài chính đầu tư khi trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và xa hơn là GlobalGAP.

Chứng chỉ VietGAP là một trong các yêu cầu gần như bắt buộc khi tham gia xuất khẩu, nhưng khó thực hiện. Tuy nhiên, khi nông dân đạt được chứng chỉ VietGAP sẽ có nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng được kênh phân phối trực tiếp và quan trọng nhất là tạo ra cơ hội rất lớn để xuất khẩu.

“Để xuất khẩu được sầu riêng hay bất kỳ nông sản nào, nông dân phải liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra sản lượng lớn, chất lượng cao, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đây là những vấn đề khó mà nông dân trước khi trồng sầu riêng cần tính đến.

Đối với những nông dân đã trồng, cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu khi xuất khẩu sầu riêng” - Tiến sĩ Mai Văn Trị nhấn mạnh.

Trước cơn sốt sầu riêng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cây giống trên địa bàn tỉnh. Nông dân nên chọn giống ở những cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng để hạn chế thiệt hại

Nông dân thời 4.0 phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, không chỉ giỏi về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà còn phải thông thạo kỹ năng quản lý, quản trị, kinh doanh, liên kết, thương mại. Có như vậy mới có sức “đề kháng” với những “cơn sốt” và tự tin vươn ra thế giới.

Huỳnh Nguyên (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem