Con tôm và nỗi ám ảnh kháng sinh

Thứ hai, ngày 22/12/2014 18:30 PM (GMT+7)
Nỗi ám ảnh tôm nhiễm dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép  đã kéo dài trong nhiều năm qua, nó khiến cho danh nghiệp thiệt hại, người nuôi lao đao, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Đã đến lúc cần nhìn trực diện, không né tránh để tìm ra căn nguyên thực chất của vấn đề này.
Bình luận 0

 Góc nhìn thẳng: “85% hộ nuôi tôm dùng kháng sinh”     

Tôm bị nhiễm kháng sinh là vấn nạn đã kéo dài trong nhiều năm qua, giờ đây câu chuyện tôm xuất khẩu (XK) bị trả về dường như không còn khiến nhiều người bất ngờ, vì gần như năm nào cũng có. Vẫn một kịch bản cũ - dư lượng kháng sinh, hóa chất vượt giới hạn cho phép, điển hình là các chất Trifluralin, Ethoxyquin, hay mới đây nhất là Oxytetracycline (OTC). Không chỉ bị “trục xuất” trả về, con tôm còn bị đưa vào diện kiểm soát nghiêm ngặt, điều này khiến thị trường tôm XK bị ảnh hưởng, đặc biệt là 3 thị trường chính: Mỹ, EU và Nhật Bản.

img

Ảnh: Phan Thanh Cường.

Tại Nhật Bản năm 2010 có 85 lô hàng thủy sản của VN đã bị cảnh báo dư lượng hóa chất cấm vượt mức quy định, năm 2011 số lô hàng bị cảnh báo tăng lên 123 lô, năm 2012 có 97 lô hàng. Trong năm 2012, XK tôm sang Nhật Bản gần như giậm chân tại chỗ do ảnh hưởng của quy định kiểm tra 100% dư lượng Ethoxyquin (chất chống oxy hóa sử dụng trong thức ăn nuôi tôm) với mức 0,01ppm trong các sản phẩm tôm Việt Nam. XK tôm sang thị trường này giảm liên tiếp trong nhiều tháng khiến tổng XK cả năm chỉ tăng 1,7% so với năm 2011.

Năm 2013 tình hình có được cải thiện, XK tôm Việt Nam tăng trưởng trở lại, tuy nhiên đến năm 2014 thực trạng cũ lại tái diễn, trong vòng 6 tháng đầu năm 2014,  Nhật Bản cảnh báo 12 lô hàng thủy sản từ Việt Nam, châu Âu cảnh báo 57 lô hàng, phần lớn các lô hàng này bị nhiễm kháng sinh OTC.

Do phát hiện thấy OTC trong 2 lô lôm NK từ Việt Nam, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra đối với 100% tôm nuôi và các sản phẩm chế biến từ tôm nuôi NK từ Việt Nam về chỉ tiêu chất này với mức giới hạn 0,2ppm từ giữa tháng 3. Còn cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng OTC trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn với tôm NK từ Việt Nam, thậm chí có thể tạm đình chỉ NK. Nếu như các thị trường chính đóng cửa với tôm Việt Nam thì các DN XK sẽ trở nên điêu đứng.

img 
Ảnh: Phan Thanh Cường.

Thực tế sau khi Nhật Bản, EU cảnh báo, tình trạng dư lượng OTC không hề được cải thiện. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Kể từ khi áp dụng chế độ kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh OTC với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam, số lượng lô tôm bị phát hiện chỉ tiêu này vượt mức cho phép không hề giảm đi. Đáng lo ngại nhất là khả năng thị trường Nhật quay lưng với con tôm Việt Nam chuyển sang nhập tôm từ Indonesia và Ấn Độ là rất lớn”.

 

 Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở các vùng nuôi không hề giảm đi, các cơ sở nuôi tôm vẫn sử dụng kháng sinh OTC một cách tràn lan, vô tội vạ. Vào những ngày cuối tháng 8.2014, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã có một đợt kiểm tra hiện trạng sử dụng kháng sinh OTC trong nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Nói về kết quả của đợt kiểm tra này, ông Nguyễn Huy Điền  - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Sau khi kiểm tra gần 300 cơ sở nuôi tôm tại 3 tỉnh nói trên, kết quả chúng tôi thu được thật đáng báo động, có tới 85% số cơ sở nuôi tôm có sử dụng kháng sinh OTC. Phần lớn các cơ sở nuôi tôm sử dụng kháng sinh OTC  để trộn với thức ăn với hàm lượng khác nhau tùy theo tình trạng của tôm nuôi. Đáng nói hơn, có một số cơ sở còn dùng kháng sinh OTC hòa vào nước để tạt xuống ao nuôi với tần suất 1 lần/ngày”.

          Cần tổ chức lại vùng nuôi    

Tôm nhiễm kháng sinh, các nước nhập khẩu quay lưng với tôm Việt Nam, doanh nghiệp (DN) chế biến và XK là đơn vị đầu tiên chịu tổn thất về cả kinh tế lẫn uy tín. Tuy nhiên, họ không thể tự giải quyết vấn nạn này được và họ sẽ tiếp tục phải gánh chịu tổn thất một cách bị động như hiện nay bởi gốc rễ của vấn đề là kiểm soát nhà nước về kháng sinh và hóa chất cấm cho theo chuỗi sản xuất vẫn chưa thể thực hiện được. Và chắc chắn, DN có đầu tư thêm bao nhiêu nữa cho công tác kiểm nghiệm thì cũng không thể khắc phục được tình trạng nhiễm kháng sinh cấm nếu như căn nguyên của vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này ông  Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN (Vina Cleanfood) thừa nhận: “Chính việc các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, thiếu mạnh tay với vấn nạn lạm dụng kháng sinh,  nạn bơm tạp chất vào tôm đã làm mất uy tín của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm XK vào các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, EU. Việc sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi tôm sẽ làm tôm bị nhiễm hóa chất thụ động. Do vậy mỗi năm Vina Cleanfood đã phải chi khoảng 3 tỷ USD cho công tác kiểm nghiệm nhưng vẫn không thể ngăn nổi tình trạng này”.       

Quan điểm

Ông Nguyễn Hữu Dũng -  Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP
  Ai làm ra thuốc đấy, ai hướng dẫn cho dân dùng thuốc đấy, ai cho phép người dân dùng thuốc đấy, đó là những người đáng trách và là những người có lỗi lớn nhất 
“Rõ ràng để xảy ra tình trạng tôm nhiễm kháng sinh lỗi trực tiếp là nằm ở các hộ nuôi nhỏ lẻ – Ông Nguyễn Hữu Dũng -  Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP nêu quan điểm - bởi vì các hộ nuôi đã lạm dụng hoá chất dẫn đến môi trường ô nhiễm và dịch bệnh xảy ra tràn lan. Tuy nhiên các hộ nuôi này không biết gì nhiều về liều lượng kháng sinh, sử dụng như thế nào, thời điểm nào. Và câu chuyện đáng nói ở đây là: Ai làm ra thuốc đấy, ai hướng dẫn cho dân dùng thuốc đấy, ai cho phép người dân dùng thuốc đấy, đó là những người đáng trách và là những người có lỗi lớn nhất. Không thể trách nông dân được, vì họ phải cứu tài sản của họ bằng mọi cách có thể. Bây giờ các cơ quan quản lý cần giúp DN cùng người nuôi tổ chức lại vùng nuôi, nếu không tổ chức lại vùng nuôi thì vĩnh viễn không giải quyết được nạn kháng sinh ở tôm”.
Đình Thắng (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem