Công tác Hội và phong trào nông dân cụm thi đua số 6: Mô hình mới giúp nông dân nâng cao thu nhập
Công tác Hội và phong trào nông dân cụm thi đua số 6: Mô hình mới giúp nông dân nâng cao thu nhập
Nha Mẫn
Thứ ba, ngày 22/11/2022 13:31 PM (GMT+7)
Ngày 22/11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 cụm thi đua số 6. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định dự và chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong cụm thi đua số 6 có đề cập, nhiều nông dân đã linh động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh để tạo nên sản phẩm nông nghiệp chất lượng.
Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định chủ trì, phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân cụm thi đua số 6. Ảnh: Nha Mẫn
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực, ấn tượng mà Hội Nông dân các tỉnh, thành trong cụm thi đua đã đạt được trong năm 2022.
Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh: “Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, trong đó vẫn còn tác động của dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều tỉnh, thành. Dù vậy, nông dân đã đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân năm 2022”.
Theo đó, năm 2022, Hội Nông dân các tỉnh, thành thuộc cụm thi đua số 6 đã tích cực phối hợp các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh, giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Tích cực kiện toàn tổ chức xây dựng bộ máy tổ chức; xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, phát triển Đảng trong hội viên nông dân...
Tại hội nghị, ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng thêm 20 tỷ; hỗ trợ cho rất nhiều hộ nông dân vay vốn để thực hiện chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Hội đã thành lập 12 mô hình mới về nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ kết hợp làm du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Bà Rịa –Vũng Tàu; thành lập 1 Câu lạc bộ nông dân tỷ phú với 7 thành viên; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Trong hoạt động, hội cũng có một số khó khăn, vướng mắc, như tuyên truyền vận động hội viên nông dân ở một vài cơ sở chưa thường xuyên, chưa sâu sát, nội dung chưa thuyết phục. Việc duy trì sinh hoạt ở chi, tổ hội chưa đảm bảo, sinh hoạt mờ nhạt, tỷ lệ hội viên sinh hoạt chưa cao”, ông Quang nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang nói rằng năm qua Hội đã tăng cường xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp, tổ chức nhiều buổi tập huấn để nông dân có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, hội phối hợp với doanh nghiệp triển khai chương trình đưa người dân đi xuất khẩu lao động sang Nhật, nhờ vậy nhiều gia đình thoát nghèo, có cơ hội xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế.
“Chúng tôi đề nghị Trung ương Hội quan tâm đến các trung tâm của Hội, nhất là trung tâm tự chủ 100% để có phương án, cơ chế hoạt động bền vững hơn. Bởi hiện nay nhân lực tại các trung tâm không thuộc biên chế nên đa phần phải tự chủ, tự lo”, bà Phượng nhấn mạnh.
Tương tự, đại diện Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh Tây Ninh chia sẻ về điểm mới của hoạt động hội năm qua với việc ký kết cùng VNPT về chương trình nông dân không dùng tiền mặt. Thay vào đó, VNPT sẽ gửi đến nông dân 1 sim điện thoại để cài đặt ví điện tử. Sau đó nộp tiền vào ví điện tử dùng dần vào việc mua phân bón, mua cây trồng, con giống…, thuận lợi hơn trong giao dịch mua bán.
Đặc biệt, Hội còn tăng cường hỗ trợ giống cây con cho nông dân, cho nông dân đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác.
“Chúng tôi còn ký hợp tác với bảo hiểm để bán bảo hiểm ô tô thay vì bán bảo hiểm xe máy như trước. Bởi hiện nay đời sống nông thôn phát triển mạnh, ô tô được sử dụng nhiều nên nhu cầu mua bảo hiểm ô tô cao. Nhiều nông dân bán được bảo hiểm có thu nhập cao, tạo điều kiện phát triển bản thân và kinh tế”, ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho hay.
Nông dân học hỏi tìm tòi mô hình mới để phát triển kinh tế
Trong khi đó, bà Hồ Thị Sự, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết thời gian qua, nông dân địa phương ra sức sáng tạo để có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Các cấp hội tăng cường hướng dẫn, chia sẻ khó khăn với nông dân.
Đồng Nai là một trong những tỉnh có thành tựu nổi bật về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn ngày càng tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người nhiều khu vực lên đến trên 70 triệu đồng/năm.
Riêng tỉnh Bình Thuận đã chia sẻ những khó khăn trong năm qua vì giá thanh long liên tục xuống thấp, nhiều lần phải giải cứu. Do đó, Hội mong muốn nhận được sự chia sẻ của các tỉnh bạn về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp áp dụng với thổ nhưỡng vùng đất Bình Thuận để đưa nông dân đi học hỏi, về phát triển cho địa phương.
Sau phần thảo luận, hội nghị đã tiến hành bình xét thi đua đối với các tỉnh thành thuộc cụm thi đua số 6 (đơn vị suất sắc, đơn vị tiên tiến, cờ thi đua).
Nhân dịp này, Cụm thi đua số 6 cũng trao tặng ngôi nhà đại đoàn kết cho hội viên, nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 50 triệu đồng.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nguyễn Xuân Định đánh giá cao những kết quả, nổ lực của các cấp Hội trong thực hiện các chỉ tiêu thi đua năm 2022; bày tỏ tin tưởng trong năm 2023, Hội Nông dân các tỉnh thuộc cụm thi đua số 6 sẽ tiếp tục phát huy và đạt nhiều kết quả cao hơn.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định yêu cầu Hội Nông dân các tỉnh thành tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Trung ương. Tăng cường công tác tuyên truyền Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Dại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc; tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân các cấp trên địa bàn, tỉnh thành.
Hội Nông dân các cấp cũng cần quan tâm, chú ý mời nhà khoa học, doanh nghiệp, sinh viên tham gia nói chuyện, trao đổi, sinh hoạt tại các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo ra sự đa dạng trong công tác Hội; đưa nông dân đi học tập cả nước ngoài...
"Các cấp Hội cần làm tốt hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, trong đó các đơn vị làm tốt như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Bình Dương, Tiền Giang...chia sẻ kinh nghiệm, cách làm cho các địa phương bạn, tạo điều kiện cho nông dân phát triển", Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.