Đây là loại quả ăn đắng, nhưng ai cũng ham mua giúp nông dân Hậu Giang trúng hàng chục triệu

Nguyễn Thị Nhãn (Cổng TTĐT TTKN Hậu Giang) Chủ nhật, ngày 20/11/2022 19:33 PM (GMT+7)
Mô hình trồng khổ qua là một trong những mô hình tiêu biểu, giúp người nông dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tăng thu nhập.
Bình luận 0

 Thời gian qua trên địa bàn huyện Long Mỹ đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân. 

Đây là loại quả ăn đắng, nhưng ai cũng ham mua giúp nông dân Hậu Giang trúng hàng chục triệu - Ảnh 1.

Ruộng trồng khổ qua ra nhiều trái của gia đình chị Tuyết, nông dân thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Trong đó, mô hình trồng khổ qua là một trong những mô hình tiêu biểu, giúp người nông dân ở đây phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Điển hình là hộ chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ngụ ấp 1, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang trồng cây khổ qua. 

Nhận thấy khổ qua có đặc tính sinh trưởng rất tốt, ít nhiễm sâu bệnh, sản lượng trái cao, thời gian thu hoạch nhanh. Từ đó, chị quyết định cải tạo 1.200m2 đất, lên liếp và xuống giống trồng khổ qua.

Chị Tuyết cho biết, trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu là từ trồng lúa. Nhưng giá lúa lên xuống bấp bênh, lợi nhuận từ cây lúa không đủ trang trãi cuộc sống gia đình. Nhưng từ khi thực hiện mô hình trồng cây màu trên đất ruộng, đặc biệt là trồng khổ qua đã giúp gia đình chị cải thiện cuộc sống.

Theo chị Tuyết, so với trồng lúa, chi phí đầu tư trồng khổ qua ban đầu thấp, với khoảng 5-6 triệu đồng chị mua màng phủ, hạt giống, lưới và cây làm giàn leo cho khổ qua. 

Sau 34 ngày xuống giống, cây khổ qua bắt đầu thu hoạch kéo dài đến 45 ngày kết thúc, năng suất khổ qua đạt 3 tấn/1.200m2, với giá khổ qua bán ổn định là 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 27 triệu đồng/1.200m2.

Khổ qua có thể trồng nhiều vụ quanh năm, ngoài các yêu cầu về kỹ thuật canh tác bước đầu như lên liếp, làm đất, bón phân lót thì người trồng phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh thường gặp như thán thư, ruồi vàng đục trái để phun xịt thuốc điều trị kịp thời.

Hiệu quả từ mô hình trồng khổ qua trên đất ruộng của hộ chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết trong nhiều năm qua không chỉ cải thiện nguồn thu nhập, mà còn giúp gia đình chị vươn lên khá giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem