Cổng trại Bảo An Binh độc nhất trên phố Hàng Bài có gì đặc biệt?
Cổng Trại Bảo An binh độc nhất trên phố Hàng Bài có gì đặc biệt?
Ngọc Huyền
Thứ tư, ngày 12/07/2023 20:36 PM (GMT+7)
Công trình cổng cổ thuộc Trại Bảo An binh là một trong những dấu tích của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Sau khi được trùng tu, địa điểm này nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý của người dân.
Công trình cổng cổ thuộc Trại Bảo An Binh, tiền thân là trại lính khố xanh của quân đội Pháp. Địa điểm này đã trở thành dấu tích lịch sử khi quân ta chiếm lĩnh thành công vào ngày 19/8/1945.
Trại Bảo An Binh được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 bởi kiến trúc sư người Pháp Henri Vildieu. Theo tài liệu ghi chép lại, vị kiến trúc sư này cũng là tác giả của các công trình nổi tiếng như Phủ Toàn quyền, Phủ Thống Sứ,...
Kiến trúc của cổng Trại là sự kết hợp hài hòa giữa văn hoa phương Đông và phương Tây. Nhìn từ xa, chiếc cổng nhỏ bé trông như tam quan chùa bản địa, với các đường nét đậm chất Á Đông. Khi lại gần, dòng tên tiếng Tây "Garde Indigenne" lại khiến cổng trại càng thêm phần nổi bật.
Theo các tài liệu còn lưu lại, trại lính nằm trên diện tích rộng, từng là đồn trú của hơn 1.000 lính, nhưng đến nay chỉ còn dấu tích của cánh cổng nhỏ. Theo thời gian, cổng Trại An Binh xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi tham vấn giới chuyên gia, Bộ Công an và Hà Nội đã quyết định tu bổ, tôn tạo lại di tích lịch sử này sao cho giống nhất với hiện trạng cổng năm 1945.
Công trình được tôn tạo tỉ mỉ với sự tham gia của các thợ thủ công lành nghề. Các kỹ thuật và vật liệu được sử dụng trong kiến trúc đều là vật liệu truyền thống. Từng nét hoa văn được khắc họa lại cực kỳ chi tiết.
Toàn bộ phần cổng được phủ sơn lại nhưng vẫn giữ màu sắc xưa cũ, không làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa vốn có. Theo sử sách, trong những ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cổng Trại Bảo An Binh đã trở thành chứng nhân cho sự kiện Nhật đầu hàng, song vẫn án binh bất động chờ đồng minh tiếp quản.
Có thể thấy, việc trùng tu cổng trại Bảo An Binh đã thành công. Đứng từ xa, người dân có thể chiêm ngưỡng các hoa văn, hình khối một cách rõ nét.
Phần sơn đỏ tại cổng trại được lựa chọn phù hợp với tính chất một địa điểm di tích. Ngoài ra, các thợ thủ công đã vẽ tay đường vân màu trắng khiến vòm trại giống như những khối gạch đỏ xếp chồng lên nhau.
Phía bên trái cổng trại có bậc thang dẫn lên tầng tháp thứ hai. Tầng tháp này là nơi binh lính trực gác, quan sát. Cách đây 78 năm, ngày 19/8/1945, lực lượng Cách mạng đã tước vũ khí địch và chiếm lĩnh vị trí này.
Được biết, việc trùng tu cổng Trại Bảo An Binh đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm bảo tồn các giá trị lịch sử của thành phố Hà Nội. Mang trong mình sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, địa điểm này khiến nhiều du khách đi qua phải dừng chân ngắm nhìn, suy ngẫm.
Ngay tại cổng trại được đính tấm bia với dòng chữ đầy xúc động: "Nơi đây (Năm 1945 là Trại Bảo An Binh), ngày 19/8/1945 lực lượng cách mạng đã tước vũ khí của địch và chiếm lĩnh vị trí này".
Ông Trần Văn Hữu (63 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đi dạo qua thì thấy chiếc cổng này. Mới đầu tôi tưởng đó là cổng chùa, nhưng khi đọc được những dòng chữ trên tấm bia thì tôi mới ngỡ ngàng. Trong tôi, một cảm xúc tự hào, xúc động trào dâng".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.