Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Là đại biểu phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Minh Sơn – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang bày tỏ, cơ bản đồng ý với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đại biểu, việc để xảy ra tình trạng kit test Covid-19 không đạt chuẩn nhưng vẫn được lưu hành và sử dụng không chỉ cho tiêu dùng cá nhân mà còn ở các trung tâm CDC và cơ sở y tế gây ra sự lãng phí cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Dẫn thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an, ông Sơn cho rằng, sau 17 tháng Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test Covid-19 từ tháng 4/2020 đến hết 2021 thì Công ty này chỉ bán cho trung tâm CDC và cơ sở y tế cũng đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
"Không kể những sai phạm nêu trên thì tại một số thời điểm trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, nhất là vào những tháng cuối năm 2021 khi thực hiện chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 thì việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, việc đưa ra yêu cầu về kit test âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại truy vết nguồn lây chưa thật sự thuyết phục, tiêu tốn một nguồn lực rất lớn ngân sách Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh", đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.
Nói thêm, đại biểu tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục hành chính cấp phép, xin-cho với hình thức giấy đi đường liên tục được thay đổi, ban hành mới, công tác phối hợp tổ chức thực hiện tại một số nơi còn thiếu tính đồng bộ nhất quán, linh hoạt đã có tác động tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng vào hoạt động sản xuất kinh doanh gây lãng phí nguồn lực con người được huy động và nguồn ngân sách cho hoạt động này.
Ngoài ra, sự hạn chế trong việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch cũng là một sự lãng phí nguồn lực xã hội. "Đề nghị các bộ ngành báo cáo rõ nét hơn", đại biểu Lê Minh Sơn nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) nhấn mạnh, đến nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021 vẫn còn tồn tại 7 nhóm hạn chế nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Trong đó, đại biểu là Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm đến nhóm hạn chế đấu thầu, mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập, có vi phạm quy định trong đó có vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Công ty Việt Á và một số cơ quan địa phương trong thời gian vừa qua gây thất thoát lãng phí, kinh phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.
"Tôi xin phép tiếp cận nội dung hạn chế này ở một góc nhìn khác, rộng hơn để nhìn toàn diện về vụ Việt Á. Bởi lẽ, vụ án này không chỉ dừng lại ở nội dung thất thất thoát lãng phí, kinh phí tài sản công mà còn làm thất thoát, lãng phí một loại tài sản khác có giá trị quý giá hơn và quan trọng hơn. Đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Bởi lẽ, có niềm tin là có tất cả, nhưng khi mất niềm tin thì nguy hại khôn lường", đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Theo ĐBQH tỉnh Trà Vinh, dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại khá nặng nề đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đến nay nước ta có trên 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi.
"Chắc chắn rằng cuộc sống của các em phải chịu nhiều thiệt thòi trong tương lai sắp tới, nỗi đau này mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của mỗi người chúng ta.
Thế nhưng, nỗi đau lớn nhất là trong khi cả hệ thống chính trị, nhất là khi đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế, sĩ quan, chiến sĩ, lực lượng vũ trang… gồng mình chống dịch. Trong đó có cả những người đã hy sinh tính mạng của mình để đổi lại sức khỏe cho cộng đồng thì có một số bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực, vô cảm trước nỗi mất mát của chính đồng bào, tự biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền.
Đặc biệt, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ… mà chỉ mới đây thôi, chính họ là người được tôn vinh, có người còn được trao tặng Huân chương Lao Động… nhưng trong chớp mắt, một cơn đại dịch Covid-19 đi qua đã trở thành những phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy mưu hèn kế bẩn của Việt Á. Chính họ đã làm hoen ố chiếc áo blouse trắng thanh tao mà họ đang khoác trên người và cũng chính họ đang làm lãng phí niềm tin của nhân dân", đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Nhấn mạnh: "Họ làm sai thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật", song đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu vấn đề cần được làm sáng tỏ. Thứ nhất, có phải quy định của pháp luật hiện hành còn có kẽ hở, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật thiếu tính răn đe nên dẫn đến hàng loạt cán bộ ngành Y sai phạm.
"Họ ở nhiều địa phương khác nhau, có cả ở bộ ngành Trung ương nhưng sai phạm lại giống nhau. Và nếu thực sự như thế, ngoài ngành Y còn có bao nhiêu "Việt Á" đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác", đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Vấn đề thứ hai được đại biểu tỉnh Trà Vinh đặt ra và mong muốn cần được làm sáng tỏ đó là: "Công ty Việt Á là ai? Tại sao họ có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn đến như vậy?".
"Từ 2 vấn đề nêu trên, tôi trân trọng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo rà soát chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như Kết luận số 14 của Bộ Chính trị", đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Kết lại phần phát biểu của mình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh cho rằng: Theo dõi vụ án Việt Á, cử tri cả nước cùng nhận định rằng, rất may Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kịp thời phát hiện và vào cuộc quyết liệt để xử lý hàng loạt cán bộ tha hóa biến chất đó. "Chính sự quyết liệt này đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, song giá như không để xảy ra những vụ việc đau lòng như thế để không làm lãng phí niềm tin của nhân dân", ông Tuấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.