Cụ bà 86 tuổi gần một thập kỷ vác khối u khổng lồ trên mặt

Thứ năm, ngày 24/01/2013 07:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi chúng tôi đến, cụ Minh chống gậy tre, vịn vào tường khập khiễng bước ra mở cửa mời chúng tôi vào. Khối u trên mặt cụ to phình từ mắt phải xuống tận cằm, lấn hết khuôn mặt già nua.
Bình luận 0

Người ta thường bảo sinh ra có cái miệng để được ăn, được nói nhưng gần chục năm qua, khối u khổng lồ trên khuôn mặt đã tước đi của cụ bà 86 tuổi cái quyền tối thiểu ấy. Sống cô độc trong mái chòi nhỏ với cái nghèo đè nặng tấm thân già, những ngày cuối đời, cụ chỉ mong có được một bữa ăn ngon thì dù chết cũng cam tâm, mãn nguyện.

Anh Doãn Duy Trung, chi hội phó CLB Nguyện Ước Xanh, trực thuộc Hội từ thiện tỉnh Quảng Nam, đã dẫn chúng tôi về thăm cụ bà Trần Thị Minh trú tại tổ 4, thôn 3, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào một buổi chiều ngày đầu năm mới 2013.

img
Cụ chỉ mơ có được một bữa ăn ngon

Khối u quái ác

Căn nhà nhỏ của cụ Minh nằm ngay trên con đường nhựa khang trang mới xây dựng của TP.Tam Kỳ. Trên đường đi, anh Doãn Duy Trung tâm sự: “Cụ Minh năm nay đã 86 tuổi, sống đơn chiếc, lại mang một khối u lớn trên mặt nhưng không bao giờ cụ than vãn về nỗi khổ của mình. Nhưng ai tinh ý thì sẽ thấy sau nụ cười méo mó của cụ là cả một nỗi buồn nặng trĩu lên phận đời bất hạnh”.

Chẳng còn ai thân thích

Chị Mai Thị Phượng (46 tuổi, hàng xóm với cụ Minh) cho biết: “Cụ già rồi nhưng chẳng còn ai thân thích. Cả đời cụ sống hiu quạnh trong mái tranh nghèo. Thời cụ còn con gái, tôi nghe cha mẹ kể lại, có rất nhiều người đến cầu hôn nhưng cụ không ưng ai. Gần chục năm nay, tự nhiên trên mặt cụ nổi lên cục u quái ác làm cụ nhiều phen khổ sở. Nghĩ cũng tội cho cụ mà chúng tôi chẳng giúp được gì.”

Khi chúng tôi đến, cụ Minh chống gậy tre, vịn vào tường khập khiễng bước ra mở cửa mời chúng tôi vào. Khối u trên mặt cụ to phình từ mắt phải xuống tận cằm, lấn hết khuôn mặt già nua. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, cụ Minh đưa tay sờ lên khối u rồi bảo: “Cả chục năm nay nó là cục khổ cứ đeo bám theo tôi mãi”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, cụ Minh không có một lời oán trách hay than vãn về phận mình. Cụ luôn hy vọng và tin yêu vào cuộc sống. Người dân nơi đây thấy cụ khổ nên cứ hay nói lệch khối u là “cục khổ’ bởi chính nó làm cụ mất ăn, mất ngủ nhiều đêm dài.

Vì cái “cục khổ” ấy mà cụ chẳng dám ra khỏi nhà, sang hàng xóm chuyện trò cho khuây khỏa vì lo lũ trẻ con sợ hãi. Cụ kể: “Có lần, một đứa bé hàng xóm lẽo đẽo theo mẹ sang nhà tôi chơi. Khi thấy tôi, nó bỗng hét to, khóc um lên, cứ ôm lấy chân mẹ không chịu buông. Tôi càng dỗ nó càng khóc to hơn. Cuối cùng, mẹ nó phải bồng con về nhà và không bao giờ dám dẫn con sang nhà tôi chơi nữa.”

Đang nói chuyện, giọng cụ bỗng trầm lắng lại: “Mà cũng đúng thôi, ai thấy khối u này mà không sợ. Người lớn cũng khiếp chứ nói chi đến lũ trẻ con. Thôi thì hạn chế ra đường hoặc đi đâu thì phải che kín mặt vậy”.

Thèm có một bữa ăn ngon

img

Sống một đời lẻ loi nơi xóm nhỏ nghèo nhất, nhì của TP.Tam Kỳ, ít ai biết rằng tuổi thơ của cụ Minh cũng bình thường như bao người khác. Ngày còn trẻ, cụ nổi tiếng xinh đẹp trong làng. Biết bao chàng trai đến ngỏ lời nhưng cụ đều khước từ bởi duyên trời chưa tới. Rồi cha, mẹ, anh, chị, em lần lượt qua đời hết, cụ sống vậy để thờ phụng ông bà, tổ tiên.

Cuộc sống cứ dần trôi cho đến một ngày, trên khuôn mặt cụ bỗng nhiên mọc lên một cục u nhỏ như hạt bắp nằm gần miệng. Vì nhà nghèo, cụ chủ quan không chú ý. Cục u nhỏ xíu đó dần to lên bằng cái ly, rồi bằng cái bát và nhanh chóng phình ra chiếm hết khuôn mặt. Khối u làm miệng cụ bị méo xệch, gây khó khăn khi vận động cơ miệng, ăn uống, nói cười.

Nghĩ đến “cục khổ” nặng trĩu, cụ Minh rưng rưng nước mắt. Cụ bảo: “Khi cục u mới mọc, nhà tôi nghèo đến mức không có gạo để thổi cơm hằng ngày nên đâu dám nghĩ đến việc đi bệnh viện để khám chữa. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ khối u đó bình thường. Đến khi tích lũy được chút ít tiền đi khám thì mới biết đó là khối u độc và có thể mất mạng trong nay mai nếu không có tiền phẫu thuật. Căn nhà này cũng nhờ chính quyền và hàng xóm tích góp xây cho thì tôi mới có chỗ trú mưa, tránh nắng. Làm sao tôi có được mấy chục hay cả trăm triệu để phẫu thuật cơ chứ. Thôi thì đành cam chịu số phận ông trời đã an bài”.

Bữa cơm của cụ Minh rất đạm bạc. Thoạt nhìn nhiều người cứ tưởng cụ ăn chay. Ngoài nồi cơm nhỏ, trên mâm chỉ toàn là rau tập tàng, không có một miếng thịt, miếng cá nào. “Ông trời cho tôi sống chừng này cũng nhiều rồi, tôi chẳng mong ước gì thêm. Những ngày cuối đời, mỗi đêm ngủ, tôi chỉ ước khi mở mắt ra sẽ không thấy cục u trên mặt nữa để có thể ngồi bưng một chén cơm ăn ngon lành. Dù có chết cũng được vì gần chục năm qua, tôi không có được một bữa ăn ngon” - cụ Minh nghẹn ngào tâm sự.

Rời mái tranh nghèo của cụ Minh khi bóng chiều dần tắt. Bà cụ đáng thương lủi thủi chống gậy ra tiễn chúng tôi. Gần tới mặt đường, cụ vội quay trở lại nhà khi nhìn thấy lũ trẻ con đang hồn nhiên chơi đùa cạnh đó. Có lẽ cụ sợ chúng hốt hoảng bỏ chạy hoặc khóc thét lên khi nhìn thấy khối u mà cụ sẽ phải mang theo đến hết cuộc đời.

Mọi sự giúp đỡ cụ Trần Thị Minh xin liên hệ với Tòa soạn báo Dòng Đời, 13 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội - ĐT: 0904865699. Hoặc chuyển tiền trực tiếp vào TK đại diện của báo Dòng Đời: Huỳnh Tuyết Hoa, TK 001100 410 1740 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) - ĐT: 0938381349. Báo Dòng Đời sẽ đăng tải công khai danh sách bạn đọc ủng hộ cụ Minh trên các số báo tiếp theo.
Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem