Cư dân "ôm" sổ hồng kêu khắp nơi vẫn không được vào nhà vì ban quản trị không hiểu luật

V.D Thứ sáu, ngày 12/03/2021 10:45 AM (GMT+7)
Nhiều thành viên ban quản trị chung cư thiếu hiểu biết về luật pháp và có cách vận dụng khác nhau khiến quyền lợi cư dân bị xâm phạm, dẫn đến xung đột, tranh chấp xảy ra.
Bình luận 0

Cư dân ôm sổ hồng kêu khắp nơi vẫn không được vào nhà

Xung quanh các tranh chấp giữa cư dân và ban quản trị (BQT) chung cư diễn ra nhiều năm qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng như giới luật sư cho rằng một số thành viên ban quản trị thiếu hiều biết về luật dẫn đến có cách vận hành cứng nhắc.

Bà Phạm Thị Phúc, cư dân chung cư Central Garden (quận 1, TP.HCM) cho hay, chung cư nơi bà ở đã vận hành được 13 năm mà chưa bao giờ được sửa chữa vì lý do không có phí bảo trì 2%. Chung cư nằm giữa trung tâm quận 1 mà rác thối um, nước nhỏ giọt... kêu không ai sửa.

Còn bà Nguyễn Thị Châm (cư dân chung cư Phú Hoàng Anh, huyện Nhà Bè, TP.HCM) phản ánh, 3 căn hộ tại chung cư Phú Hoàng Anh do con trai bà mua cho bà để dưỡng già. Cả 3 căn hộ đã được Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cấp sổ hồng cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh từ ngày 14/1/2017. Sau đó, chủ đầu tư đã sang tên sổ hồng cho con trai bà tên Đỗ Hoàng Hưng, con trai tiếp tục tặng lại cho bà để dưỡng già. Tuy nhiên, ban quản trị lại không mở cửa cho bà vào nhận nhà.

Tranh chấp chung cư: Quyền lợi cư dân bị xâm hại vì B quản trị không hiểu luật - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Châm (cư dân chung cư Phú Hoàng Anh) bức xúc vì Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh lạm quyền. Ảnh: V.D

Bà đã nhiều lần ôm sổ hồng, giấy tờ ủy quyền của con cho, một mình đi gõ cửa khắp nơi nhưng đến nay phía Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh vẫn không cho bà vào căn hộ của mình. Bà Châm lo lắng về việc những cư dân khác có thể có hành động bất lợi khi bà nhận nhà đã mua.

Trả lời về vấn đề này ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng Quản lý Nhà và Công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), cho rằng trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Châm, người có trách nhiệm bàn giao căn hộ cho bà là chủ đầu tư, không ai có quyền ngăn cản bà tiếp nhận và sử dụng tài sản hợp pháp của bà.

Theo ông Hùng, sau khi phối hợp cùng Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM rà soát cho thấy, việc cấp sổ hồng nhà cho bà Nguyễn Thị Châm hoàn toàn đúng pháp luật. Ai gây cản trở việc sở hữu nhà của bà Nguyễn Thị Châm là hành vi trái pháp luật.

Ban quản trị chiếm giữ phí bảo trì là có dấu hiệu hình sự

Dưới góc độ chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, cư dân trong các chung cư trước hết phải hiểu quyền của mình để tự bảo vệ mình. Đầu tiên nên tham gia các cuộc họp của chung cư, không cử người giúp việc, không cử em cháu đi thay...

Mô hình Ban quản trị nhà chung cư được tổ chức theo mô hình HĐQT trong công ty cổ phần hoặc Ban chủ nhiệm hợp tác xã. Trước đây quy định hội nghị nhà chung cư lần đầu phải có 75% cư dân nay sửa lại 50% và chỉ tổ chức 1 lần không thành thì phường đứng ra tổ chức là hợp lý.

Cư dân khi bức xúc có căn cứ pháp luật, thực tiễn gửi lên phường thì không cần lấy ý kiến 50% nữa mà phường có thể tổ chức hội nghị bất thường. Do vậy, cư dân phải cố gắng tham gia các hội nghị này, tham gia tích cực trong các hoạt động chung. Khi đó BQT chung cư sẽ không dám làm sai, không dám tự tiện chủ trương những vấn đề bất lợi... Đồng thời, phải đào tạo cho thành viên BQT; cư dân bầu người có năng lực như có người trong BQT biết kế toán, có cơ chế giám sát để tránh chuyện "thụt két", sai trái trong hoạt động của BQT.

Về góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Thu – Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng những tranh chấp giữa cư dân và Ban quản trị xoay quanh 3 vấn đề chính, gồm 2% phí bảo trì, phí quản lý và chi tiêu, sở hữu chung riêng giữa ban quản trị và cư dân.

Đối với phí bảo trì 2%, chẳng hạn như trường hợp xảy ra liên quan đến Phú Hoàng Anh, ban quản trị cũ không minh bạch trong chi tiêu, không bàn giao cho ban quản trị mới, chiếm dụng phí chung cư như bãi giữ xe, chưa hoạch toán rõ ràng các chi phí rõ ràng.

Tranh chấp chung cư: Quyền lợi cư dân bị xâm hại vì B quản trị không hiểu luật - Ảnh 3.

Nhiều thành viên Ban quản trị chung thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến có cách vận hành sai khiến quyền lợi của cư dân bị xâm phạm. Ảnh minh hoạ.

Theo Luật sư Thu, việc Ban quản trị chiếm giữ tiền phí bảo trì là có dấu hiệu của hình sự, BQT cũ giữ tiền không bàn giao cho ban quản trị mới, sử dụng không đúng mục đích, ngay cả khi cơ quan chính quyền có yêu cầu. Nếu người dân đưa vấn đề ra phường, lên quận nhưng chưa đủ giải quyết thì cần tố cáo lên Công an thành phố.

Nói về việc kiện tụng, Luật sư Thu cho rằng, đưa hồ sơ đến tòa án liên quan đến nhiều vấn đề. Ai là người tham gia đưa hồ sơ, vụ việc lên toà?  Người này có thể sắp xếp thời gian, công việc và lấy kinh phí từ đâu để thực hiện?

Như trường hợp số tiền lên đến hơn 40 tỷ đồng thì kinh phí mà người đi kiện phải lo khá cao. Trường hợp dân không đi kiện được mà thuê công ty luật thì nguồn kinh phí từ đâu?

Các quy định luật pháp xuyên suốt các vấn đề đều đã có, thiếu là thiếu ở vai trò, lương tâm của người thực hiện. Tranh chấp nhiều trong những năm gần đây đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như báo chí đưa ra những kiến nghị để kiện toàn, hỗ trợ người dân.

Ngoài ra, còn có một thực trạng, khi xảy ra tranh chấp, lúc đầu thì nhiều người ủng hộ đặt ra vấn đề để giải quyết nhưng sau đó, người đi đấu tranh rất cô đơn. Người dân cần tỏ ra trách nhiệm hơn, ngay từ bước đầu khi bầu ra ban quản trị cần có thêm tiêu chuẩn hiểu biết luật, cũng như chính sách đãi ngộ lương cho ban quản trị như thế nào cho xứng đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem