Ông là Đào Văn Dự, thôn Từ Thuận, xã Văn Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ông coi đó như là trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ và quê hương, mặc dù chẳng ai bắt mình phải làm như thế cả.
Tìm đường níu giữ nghề cha ông
Đến thôn Từ Thuận, xã Văn Từ, hỏi nhà ông Dự, ai cũng tíu tít chỉ: “Ông Dự chuyên may complet, chuyên đào tạo nghề may nức tiếng một thời chứ gì”. Nói rồi, mấy người dân chỉ cho chúng tôi: Nhà ông ở phía ngã ba kia kìa, nơi có cái biển quảng cáo to tướng đề chữ “Làng nghề may truyền thống”.
![Dù đã 75 tuổi nhưng hàng ngày ông Dự vẫn ngồi vào chiếc máy khâu làm việc. Dù đã 75 tuổi nhưng hàng ngày ông Dự vẫn ngồi vào chiếc máy khâu làm việc.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-03-12/1434372083-img_4194.jpg)
Dù đã 75 tuổi nhưng hàng ngày ông Dự vẫn ngồi vào chiếc máy khâu làm việc.
Rồi chúng tôi cũng tìm gặp được ông. Ban đầu, ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về cuộc đời, về những năm tháng thăng trầm của nghề may, lý do khiến ông vẫn “thủy chung” với nó cho đến tận bây giờ. Theo lời kể của ông Dự, cha của ông là cụ Đào Văn Ngự, vốn là một nhà buôn quần áo nổi tiếng ở phố Hàng Buồm, Hà Nội những năm 30 của thế kỷ trước. Với ông, cha vừa là thầy vừa là người bạn nghề, dìu dắt ông qua những chặng đường gian khó.
Còn nhớ, năm 1952, khi biết tin cha quyết định bỏ nghề, lùi về quê sinh sống, ông đã nghĩ rất nhiều, nỗi trăn trở với nghiệp cha ông trong ông tưởng như không bao giờ mạnh hơn thế. Ông tâm sự: “Từ ấy, tôi lặng lẽ đi khắp nơi những mong tìm lại chút hy vọng manh nha để vực dậy làng nghề truyền thống. Khi bước chân đã mỏi, gối đã chùn, tôi nghe ở Hà Nội có khu phố dạy nghề may nổi tiếng. Thế là tôi lặn lội tìm đến, vừa học nghề vừa làm nghề để sống quăng quật qua ngày. Người thầy đầu tiên dìu dắt tôi bước vào nghề may, người mà sau này có ảnh hưởng rất lớn với tôi là ông Đào Văn Thường, số 111 Hàng Gai, Hà Nội”.
Gắn bó với nghề may chẳng được bao lâu, năm 1961 ông đành phải gác lại món nợ với nghề, theo tiếng gọi của núi sông, lên đường vào Nam chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, ông trở về làm việc và tiếp tục cống hiến ở Công ty May 10 cho đến khi nghỉ hưu - năm 1991.
Theo ông Dự, người làm nghề may đo complet cũng gặp không ít thăng trầm, nhất là lúc đất nước còn nhiều khó khăn, nghề may lâm vào tình trạng suy thoái. Vai trò ông chủ với lối kinh doanh độc lập không còn phù hợp nữa, ông đành chuyển sang làm công nhân của Công ty May 10 vào năm 1960. Mang trong mình nhiệt huyết, ông Dự luôn ấp ủ trong mình ước mơ khôi phục nghề may mình đã từng có thời theo đuổi. Ông tâm sự: “Học nghề là một chuyện nhưng có gắn bó, có theo được nghề hay không lại còn tùy thuộc vào duyên nữa”.
Truyền nghề cho nhiều “ông chủ”
Vào năm 1990, khi nguồn điện lưới chính thức về làng, ông Dự mới có cơ hội khôi phục nghề. Cùng với một số bạn khác, ông mở lớp dạy nghề cho nhiều thế hệ thanh niên trong làng. Đặc trưng nghề nghiệp là phải thực hành nhiều mà điều kiện ban đầu ở lớp học lại vô cùng khó khăn. Nan giải nhất là việc thiếu vải để học viên luyện tập cắt và ráp lại, dựng thành áo. Trong khi đó, vải để dựng complet rất kén chất liệu, chưa kể đến việc do tính chất loại hàng này thời bấy giờ chưa phổ biến.
Ông Dự cho biết, trào lưu diện complet đến công sở không còn bó hẹp trong những dịp lễ tết hay các ngày quan trọng nữa, nên lượng hàng ông nhận gia công tăng một cách chóng mặt. Tuy nhiên, riêng với loại trang phục này, vẫn có rất nhiều chi tiết cần phải làm bằng tay mới đảm bảo độ chuẩn xác. Đặc biệt là khâu "tra tay", bắt buộc người thợ phải tập trung làm thủ công hoàn toàn, bởi chỉ có thực hiện bằng tay thì mới gò được các góc cạnh sao cho đúng với yêu cầu kỹ thuật của loại trang phục này.
|
Tận dụng mối quan hệ từ trước, ông lặn lội tìm về những hàng chuyên đóng complet nổi tiếng trên các tuyến phố chính như Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên (Hà Nội)... xin nhận hàng về gia công cho các chủ tiệm với mức giá khá "mềm".
Ông Dự bảo, đó là “ngón nghề” lợi dụng vải của các cửa hiệu để vừa có thu nhập lại vừa giúp cho công việc giảng dạy của mình được chu đáo, mà lại tạo điều kiện cho bà con theo học nghề có thu nhập. Từ đó tiếng vang về lớp học may, về sau đã thu hút rất nhiều học viên về theo học.
Ông bộc bạch: "Việc bạo gan để học viên thực hành ngay trên sản phẩm mình chịu trách nhiệm về kỹ thuật với các chủ tiệm may cũng có nhiều rủi ro. Vì học viên chỉ cần một chút sơ sẩy, đường cắt may bị hỏng hay phạm lỗi kỹ thuật nghiêm trọng thì không chữa được, số tiền mình bỏ ra để đền bù không hề nhỏ".
Đến bây giờ ông vẫn nhớ như in kỷ niệm cậu học trò tên Tuấn. Do chưa quen việc, cuống cuồng quá, cậu này đã sơ ý làm hỏng một chi tiết nhỏ là chiếc túi lót bên trong của chiếc áo. Tính ra số tiền tương đương với chiếc túi lót bị hỏng đó khoảng 40.000 đồng thời bấy giờ.
Quá lo sợ về số tiền phải đền cho khách, trong khi gia đình lại khó khăn nên cậu học trò nghèo này đã bỏ trốn khỏi nhà. Mấy chục năm nhìn lại, nay cậu học trò nghèo ngày nào đã là chủ một doanh nghiệp lớn có nhiều cơ sở may mặc ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Tuy là một ông chủ thành đạt nhưng anh Tuấn vẫn luôn qua lại thăm nom người thầy đáng kính mỗi dịp về thăm quê.
Một người khác cũng thành đạt nhờ được ông Dự truyền nghề là chị Trần Thị Loan, ở thôn Cổ Chế. Nhà chị Loan vốn nghèo rớt mồng rơi, nghe tin ông Dự dạy nghề may miễn phí, chị mua 1 chiếc máy khâu tìm đến theo học. Học trong suốt 1 năm liền thì thành nghề. Sau đó chị xin thầy về mở cửa hàng riêng để làm nghề tại nhà. Giờ chị đã có kinh tế khá giả, trở thành một người thành đạt.
Học may loại trang phục đòi hỏi kỹ thuật cao, người học và người dạy đều không thể nóng vội theo kiểu ăn xổi được. Phải học lần lượt, tuần tự, học từng công đoạn kỹ lưỡng sau đó mới chuyển sang chi tiết khác. Riêng các chi tiết, kiểu dáng túi, cổ... khác nhau, học viên phải mất thời gian 2 tháng mới thực hiện được.
Còn chi tiết khác, có thể tốn ít thời gian hơn, nếu học viên tinh ý, tiếp thu nhanh. Tổng thời gian học tối thiểu phải 6 tháng mới có thể nắm vững được. Đối với nghề này, theo ông, người thợ không thể nóng vội. Chỉ một đường ráp tay áo lỗi kỹ thuật sẽ không đảm bảo ôm ngực, thậm chí dẫn đến dáng áo bị xô lệch, nhìn rất mất thẩm mỹ.
Những năm trước, do thị trường phụ kiện chưa phổ biến như bây giờ nên nguyên liệu dùng cho việc dựng áo chủ yếu dùng canh tóc và toan tay-ơ hay trũi để dựng cho cứng áo. Nhưng xu hướng hiện nay, đa phần các trang phục được "ép mếch" theo công nghệ của châu Âu để ép vào mặt vải của thân trước thay vì dựng cánh và toan tay-ơ như trước đây mà vẫn đảm bảo nhanh và đẹp.
Mặc dù sau này điều kiện kinh tế cho phép, nhiều người có thể trang bị máy móc đắt tiền để hỗ trợ công việc may đo như máy thùa khuy, máy ép... loại trang phục hiện đại này rất cần sự hỗ trợ của máy móc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.