Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ra bốn nội dung sau. Thứ nhất, một số đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe nắm bắt tâm lý của một bộ phận người dân không muốn học mà có bằng nên đã cắt xén chương trình dạy, hoặc dạy tiểu xảo để thi đỗ. Trước tình trạng người dân phía nam đăng ký thi bằng lái ở phía bắc khiến đại biểu Thủy đặt nghi vấn “phải chăng có cơ sở dễ dãi hơn” và đề nghị Bộ Công an phải điều tra bằng chuyên án thì mới phát hiện được những cơ sở vi phạm, vì “các hồ sơ đều đã được làm tròn”.
Thứ hai, một số cơ sở kinh doanh vận tải chỉ chú trọng lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe và khả năng đáp ứng của lái xe, vô trách nhiệm với vai trò của người cầm lái. "Vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã ép lái xe tăng chuyến, tăng thời gian... khiến lái xe và phụ xe hầu như lênh đênh trên đường cả ngày lẫn đêm, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn).
Thứ ba, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực trạng, chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng và cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng là đã nhận được giấy khám sức khỏe đủ điều kiện lái xe. Có những trường hợp tới khám bác sĩ chỉ hỏi và ghi, không khám, không xét nghiệm...
“Điều này dẫn đến tình trạng người dương tính với ma túy, người bị tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe như ở các tỉnh Hòa Bình, Đăk Nông”, đại biểu Thủy nói.
Cuối cùng, theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn, những tiêu cực trong lực lượng thanh tra giao thông cũng được đại biểu này đề cập, tiêu biểu là vụ án nghiêm trọng liên quan đến 7 thanh tra giao thông nhận tiền từ 57 doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong suốt nhiều năm nhưng không bị ngăn chặn. “Thực tế này đã góp phần hình thành suy nghĩ cứ vi phạm là có thể xin được, hoặc không xin được thì có thể hối lộ”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.