Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói gì về nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật?
Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói gì về nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây bất bình dư luận?
Khánh Đăng
Thứ hai, ngày 07/06/2021 14:22 PM (GMT+7)
Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng, sự việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận thời gian qua là một bài học đắt giá. Và nghệ sĩ cần phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, làm sai thì nên chịu trách nhiệm.
Chiều 4/6, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị các Sở VHTT, Sở VHTT&DL kịp thời chấn chỉnh "hiện tượng" nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật hoặc nói quá về công dụng của sản phẩm, gây bất bình trong dư luận.
Nghĩa là Bộ VHTT&DL cũng đã nhìn nhận, đây là sự việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và giới nghệ sĩ chân chính nói riêng. Ngoài ra, việc làm này cũng tác động không nhỏ đến niềm tin của công chúng với các nghệ sĩ.
Để rõ hơn về quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, phóng viên Dân Việt đã có buổi trò chuyện với ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) về sự việc gây ồn ào này.
Với tư cách là người đứng đầu đơn vị quản lý về nghệ thuật biểu diễn, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây ồn ào vừa qua?
- Nghệ sĩ được nhiều người yêu mến, hâm mộ... và có sức ảnh hưởng nhất định tới công chúng nên được nhiều thương hiệu, nhãn hàng mời tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm là điều dễ hiệu. Việc nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo cũng là quyền của mỗi công dân. Pháp luật không cấm thì bất kỳ ai cũng đều có thể tham gia. Đây hoàn toàn là quan hệ dân sự giữa cá nhân nghệ sĩ với các nhãn hàng.
Tuy nhiên, một số nghệ sĩ vì không kiểm chứng thông tin về nguồn gốc, chất lượng, công dụng và giá trị thực của sản phẩm trước khi quảng cáo nên đã gây nên nhiều bức xúc trong dư luận là một câu chuyện rất đáng tiếc, đáng buồn. Sự việc này vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh vốn dĩ rất tốt đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng.
Tôi nghĩ rằng, bất kỳ công dân nào, không riêng gì nghệ sĩ... khi đã tham gia quảng cáo đều phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Càng là nghệ sĩ thì càng phải nắm rõ luật và có những hành xử thận trọng.
Thực tế, việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm không phải là câu chuyện mới. Nhưng việc nhiều nghệ sĩ được các nhãn hàng, thương hiệu... mời tham gia quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tik Tok, YouTube... lại là chuyện mới. Chính vì sự mới mẻ này nên nhiều nghệ sĩ cũng không thể tránh khỏi được những sai sót hoặc sự cố trong việc kiểm chứng thông tin sản phẩm.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có những văn bản nào để nhắc nhở, chấn chỉnh... các nghệ sĩ khi họ tham gia hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo các sản phẩm như: thực phẩm cải thiện sức khỏe, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...?
Như chúng ta biết, hôm 4/6, Bộ VHTT&DL đã có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành có liên quan chấn chỉnh "hiện tượng" nghệ sĩ tham gia quảng cáo gây bức xúc dư luận và đề nghị đẩy mạnh công tác tuyền truyền – phổ biến về pháp luật.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Về phía cá nhân tôi – với tư cách đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thì tôi khuyến khích các nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo để có cơ hội quảng bá hình ảnh bản thân và tăng thêm thu nhập, bên cạnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chính.
Tuy nhiên, trước khi tham gia hoạt động này, nghệ sĩ nên đọc kỹ các quy định của pháp luật, cái nào cho phép, cái nào không cho phép. Và phải vô cùng thận trọng và nghiêm túc trong việc tìm hiểu về nguồn gốc, lai lịch, chất lượng, công dụng và giá trị thực tế của sản phẩm mà mình sẽ quảng cáo.
Nghệ sĩ không phải chỉ biết từ chối quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng, không rõ ràng về nguồn gốc, gây nguy hại cho người tiêu dùng mà còn phải biết từ chối trước các clip quảng cáo có nội dung không lành mạnh, kém văn hóa, trái với thuần phong – mỹ tục.
Riêng với các sản phẩm mang tính "nhạy cảm" như: thuốc men, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng thì lại càng phải cực kỳ thận trọng.
Tôi rất khuyến khích và cổ vũ các nghệ sĩ tích cực giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, các loại nông sản Việt. Những ngày qua, chúng ta kêu gọi nhau giải cứu các mặt hàng nông sản của bà con nông dân ở các vùng có dịch.
Nghệ sĩ tham gia vào các chiến dịch này không chỉ giúp bà con nông dân giải quyết được khó khăn cho đầu ra nông sản mà còn giúp hình ảnh nghệ sĩ trở nên gần gũi hơn. Không nên chỉ chăm chăm cái gì có lợi cho mình thì mới làm mà cũng nên có trách nhiệm với cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận nhưng khi câu chuyện bị "bóc mẽ" lại im lặng, không lên tiếng hoặc chỉ nói đôi câu xin lỗi bâng quơ là xong như một động thái "đổ thêm dầu vào lửa". Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi đồng ý với quan điểm, nghệ sĩ cũng phải bình đẳng trước pháp luật như các công dân khác. Ai vi phạm, ai sai sót... đều chiếu theo luật mà xử lý. Chúng ta không bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ ai.
Nghệ sĩ cũng cần phải biết thẳng thắn nhìn sự thật. Cái nào mình làm sai, được mọi người góp ý thì cần phải nhận thức ra cái sai của mình và lên tiếng xin lỗi chân thành. Và khi nghệ sĩ đã nhận ra cái sai, biết nói lời xin lỗi thì công chúng cũng nên cho họ cơ hội để sửa sai.
Ông bà ta có câu: "Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Thực tế, nghệ sĩ đôi khi rất bay bổng, lãng mạn và đơn giản hoá mọi việc. Vì thế, đứng trước những câu chuyện có phần nghiêm trọng, họ cũng đơn giản hoá theo thói quen.
Những nghệ sĩ lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm còn tìm ra các phương án để xử lý. Các nghệ sĩ trẻ do chưa nhiều vốn sống nên vẫn bị lúng túng trong "khủng hoảng" của chính mình. Bởi lẽ đó mới có câu chuyện, có người biết xin lỗi nhưng cũng có người im lặng. Nhưng ngay cả khi im lặng thì tôi vẫn tin các nghệ sĩ trẻ đã rút ra cho mình những bài học sâu sắc.
Tôi nghĩ, nghệ sĩ nên ý thức được giới hạn của mình và lập cho mình những rào chắn. Không nên dễ dãi quá với bản thân và phải luôn có ý thức gìn giữ danh tiếng của cá nhân lẫn giới nghệ sĩ. Về phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn, chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở và nhấn mạnh điều này mỗi khi làm việc trực tiếp với các đơn vị, Nhà hát cũng như cá nhân nghệ sĩ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với các Sở VHTT, Sở VHTT&DL, nhất là Sở VHTT Hà Nội và Sở VHTT TP.HCM - nơi có nhiều nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhất để tăng cường tuyên truyền - phổ biến pháp luật cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Sự việc ồn ào lần này là bài học đắt giá cho tất cả các nghệ sĩ. Và những ai đang tham gia hoạt động quảng cáo đều phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm cho bản thân và rèn cho mình một phong cách làm việc chuyên nghiệp. Trong đó, sự uy tín, cái tâm của người nghệ sĩ phải luôn đặt lên hàng đầu.
Và cũng không vì một vài lần "vấp ngã" mà không tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, cho xã hội. Cố gắng chứng tỏ cho mọi người thấy được sự cải chính của mình bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả cho cộng đồng. Tôi tin, dư luận sẽ luôn có cái nhìn khách quan và mở rộng vòng tay đối với những ai biết sửa sai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.