Bà Đông Mai và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Trong buổi gặp gỡ với bà Đông Mai – chị gái ruột của nhà thơ Xuân Quỳnh, lần đầu tiên công chúng được nghe những câu chuyện kể thật nhất về nhà thơ nữ nổi tiếng tài sắc của Việt Nam từ một người thân thiết nhất trong gia đình.
Xuân Quỳnh và Đông Mai là chị em gái ruột. Bà Đông Mai kể khi mẹ mất sớm có dặn dò: “Mẹ chết thì con thương em nhé! Tôi bảo tôi chẳng thương đâu, nó hay khóc lắm. Mẹ khóc nước mắt rơi xuống chân tôi”.
Rồi khi mẹ mất, bố đi bước nữa, Xuân Quỳnh còn nhỏ nên về ở với bà, được bà che chở. Bà thương cháu nhưng cũng tằn tiện, chỉ ăn rau hái bờ ruộng. Hôm nào sang lắm thì có đậu phụ. Đông Mai lớn hơn nên được ở với bố và dì để phụ nấu cơm, làm việc nhà và vẫn được học hành. Còn Xuân Quỳnh chỉ được học hết tiểu học rồi vào văn công. Quỳnh đi học từ làng ra Hà Đông là 3km, đi chân đất đội nón mưa nắng đi về mỗi ngày.
Dù Xuân Quỳnh được học hành ít, nhưng Đông Mai sau này trở thành cô giáo dạy văn, thường mang sách văn học về cho em gái đọc, bởi vậy Xuân Quỳnh am hiểu văn học và văn chương. Quãng đời làm văn công là quãng đời hạnh phúc của Xuân Quỳnh, được đi đó đi đây, có rất nhiều người yêu mến và theo đuổi, chỉ có nỗi buồn là nhớ nhà. Nhớ nhà nhưng thực ra là hai chị em làm gì có nhà đúng nghĩa, cứ đến giao thừa là hai người lại ngồi ôm nhau khóc.
Dù vậy nhưng Xuân Quỳnh không hề hận cha mình, Quỳnh rất thương, sau này khi có nhuận bút vẫn gửi tiền phụ chị gái chăm cha. Sự thiếu thốn tình cảm gia đình chỉ khiến cho Quỳnh thêm nhạy cảm và dành tình yêu tuyệt đối cho các con của mình sau này. Bà Đông Mai kể Xuân Quỳnh rất chiều con, con muốn gì là được nấy. Khi vào bữa ăn Xuân Quỳnh đầu bữa là húp canh, cuối bữa cũng húp canh, ăn rất chậm, sau này càng nghĩ lại bà Đông Mai càng buồn vì hiểu ra Xuân Quỳnh nhường đồ ăn cho chồng cho con nên húp canh cho no bụng.
Bà Đông Mai cho rằng quãng đời Xuân Quỳnh sống với Lưu Quang Vũ cũng là quãng đời hạnh phúc trong nhọc nhằn của nữ thi sĩ. Ban đầu thì rất vất vả vì hai người cũng qua một lần đổ vỡ mới đến với nhau, cả Vũ và Quỳnh đều không có việc làm, Vũ còn kém Quỳnh vài tuổi, gia đình hai bên không ai đồng ý, đám cưới hai người chỉ có vài người bạn. Hai chị em đã giận nhau một thời gian vì Quỳnh quyết lấy Vũ.
Sau này khi Vũ nổi tiếng rồi, gia cảnh cũng có khá hơn nhưng không hẳn sung túc vì nhuận bút thời đó không được như bây giờ. Về cuối đời, vợ chồng Vũ - Quỳnh có được phân một căn phòng ở Ngọc Khánh, Quỳnh vui lắm, bảo em nhất định phải mua một cái giường, lâu lắm rồi không được nằm giường vì nhà ở phố Huế chỉ tuyền nằm đất. Nhưng chưa kịp nằm giường thì gặp tai nạn. Vậy là cả cuộc đời lấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh chưa bao giờ được ngủ trên một chiếc giường.
Từ khi Xuân Quỳnh qua đời, chị gái Đông Mai của Xuân Quỳnh như một người mộng du, không biết mình đang đi đâu, làm gì. Đối với bà, chồng có thể bỏ chứ em gái thì không, vậy mà người thân thiết nhất trên đời đã ra đi, bà đã nén đau thương để viết cuốn sách “Xuân Quỳnh – Một nửa cuộc đời tôi” để mọi người hiểu hơn về Xuân Quỳnh, qua đó hiểu hơn về những bài thơ mà Xuân Quỳnh đã viết, mặc dù lúc viết cuốn sách bà Đông Mai đã khóc rất nhiều.
Buổi trò chuyện về Xuân Quỳnh nằm trong tuần lễ tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh do Ơ kìa Hà Nội tổ chức này còn có sự có mặt của con trai riêng của Xuân Quỳnh và người chồng trước - anh Lưu Tuấn Anh. Anh cũng thoải mái đưa ra những câu trả lời về mẹ của mình với công chúng.
“Một buổi tối sâu lắng, đầy ắp những tình cảm và ký ức về mẹ tôi qua lời kể của bác Nguyễn Đông Mai, chị ruột của mẹ tôi. Có những câu chuyện về mẹ mà bản thân tôi cũng mới nghe lần đầu. Cuốn sách “Xuân Quỳnh, một nửa cuộc đời tôi” được các khán giả yêu thơ đón nhận nồng nhiệt ngoài mong đợi. Và tôi lại được nghe giọng của mẹ như thể bà đang ở đó cùng chúng tôi trong khán phòng.
Thật cảm động khi biết dù đã 31 năm, những người yêu thơ Xuân Quỳnh vẫn rất nhiều và khát khao muốn tìm hiểu về cuộc đời tác giả. Những câu hỏi chưa được trả lời về mẹ tôi vẫn còn đó và sẽ không bao giờ hết. Nhưng những gì bác tôi viết lại trong cuốn sách chắc chắn sẽ giúp độc giả có một cái nhìn đa diện và sâu sắc hơn về con người mẹ tôi và cuộc đời bà”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.