Cuộc gặp Hà Nội và niềm tin của hai người hoài nghi

Đăng Thúy Thứ ba, ngày 26/02/2019 10:46 AM (GMT+7)
Những ngày này, nói không quá chút nào: Hà Nội đang là tâm điểm của thế giới, là thành phố hoà bình, nơi ghi dấu ấn lịch sử trong tiến trình hoà giải Mỹ - Triều.
Bình luận 0

Và, quan trọng hơn cả, Hà Nội của Việt Nam là nơi chiếm trọn niềm tin của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên - những người được cả thế giới biết đến là những nguyên thủ nổi tiếng hoài nghi.

Chỉ cần 0,31 giây nhấp chuột, một danh sách dài hàng triệu links bài viết có chứa từ khoá US - North Korea summit in Hanoi (Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội) hiện ra, đủ để thấy sức nóng của sự kiện, sức hút của địa danh đang lan toả trên thế giới với tốc độ chóng mặt cỡ nào.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore tháng 6.2018. Ảnh: AFP.

Vài ngày gần đây, ở đâu trên khắp Việt Nam, từ những câu chuyện bàn trà cũng nói đến cuộc gặp Kim - Trump ở Hà Nội. Có đi về miền quê mới thấy hết được sự lan toả của thông tin: Người già nói về Tổng thống Donald Trump với sự ngưỡng mộ về một vị nguyên thủ của cường quốc số 1 thế giới với tính cách mạnh mẽ khó đoán định; người trẻ nói về Chủ tịch Kim Jong-un với sự hào hứng về một nguyên thủ trẻ tuổi, tài ba vừa bí ẩn nhưng cũng đầy hoài nghi về thế giới bên ngoài.

Tính cách của họ là vậy, hẳn có những lý do đặc biệt để họ tin tưởng chọn Việt Nam là nơi gặp gỡ? Có rất nhiều phân tích cho lý do lựa chọn này.

Trước hết, là đối với Triều Tiên. Việt Nam có vị trí độc đáo, tương đồng XHCN như Triều Tiên, đã trải qua chiến tranh và hội nhập thành công khi cải thiện quan hệ với Mỹ đã có bước tiến dài, đem lại lợi ích cho hai nước. Hơn nữa, Triều Tiên có nhiều điểm tin cậy với Việt Nam…

Còn với Mỹ, Tổng thống Donald Trump cùng cộng đồng quốc tế muốn Triều Tiên nhìn thấy rằng, khi đi vào con đường hội nhập sẽ có những thành tựu như Việt Nam. Cả Mỹ và Triều Tiên đều thấy rõ vị thế quốc tế của Việt Nam. Triều Tiên đang muốn trở thành đối tác theo lĩnh vực hoặc đối tác đối thoại với ASEAN. Trong khi, Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, ngoài ra, Việt Nam là thành viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương được đề cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc…

img

Hà Nội trang hoàng chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Và, trong vô số lý do có thể liệt kê ra, cả Mỹ và Triều Tiên đều cảm thấy qua các lần tổ chức sự kiện tầm quốc tế, Việt Nam đã chứng minh được rằng, Việt Nam có năng lực tổ chức sự kiện lớn và chuyên nghiệp trong khâu bảo đảm an ninh. Niềm tin của ông Donald Trump và Kim Jong-un đều thể hiện rõ, trong cuộc gặp lần 1, Singapore đã 3 lần phải thay đổi địa điểm, nhưng Việt Nam đã hoàn thành việc đó sớm hơn Singapore.

Nhưng những điều trên chưa đủ, quan trọng hơn cả là lập trường đối ngoại rõ ràng của Việt Nam đã từng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn quốc tế và trong tất cả các cuộc tiếp xúc song phương rằng, Việt Nam chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tuân thủ các nghị quyết, ủng hộ đối thoại hòa bình, giải quyết, tôn trọng chủ quyền…

Với một quốc gia có lập trường vững vàng và trung lập không ngả theo bên nào như Việt Nam, có kinh nghiệm hoà giải với Mỹ trong quá khứ, Triều Tiên hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, Việt Nam đối với Triều Tiên là một người bạn đáng tin cậy, đối với Mỹ là một đối tác có trách nhiệm và đối với cộng đồng quốc tế là một quốc gia mang tiếng nói tích cực xây dựng hoà bình.

img

Diễu hành đạp xe vì hòa bình với quốc kỳ Việt Nam và hai nước Mỹ, Triều Tiên trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Ở cuộc gặp Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore tháng 6.2018, phải nói rằng, thế giới chỉ được nghe, biết những gì mà người Mỹ cho biết, chỉ nghe và biết về điều kiện tiên quyết của người Mỹ là Triều Tiên phải hủy bỏ toàn diện chương trình phát triển tên lửa tầm trung, tầm xa và chương trình vũ khí hạt nhân mà không mấy đề cập đến những yêu cầu của Triều Tiên. Triều Tiên hẳn nhiên không hài lòng về điều này và họ đã không chọn Singapore để quay trở lại.

Lần này, chưa bàn đến kết quả của hội nghị, bởi giải quyết quan hệ Mỹ - Triều ai cũng hiểu không thể ngày một ngày hai, mà là cả một tiến trình dài hoà giải, nhượng bộ và đánh đổi, nhưng có một điều nhìn thấy rõ nhất, đó là niềm tin của sự lựa chọn. Hẳn nhiên, cả Mỹ và Triều Tiên đều mong muốn rằng, những điều họ chưa ưng về cách tổ chức, hoặc chiến lược truyền thông của lần 1 sẽ được khắc phục trong lần 2 ở Hà Nội.

Hà Nội đang làm tất cả để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho hai vị nguyên thủ Mỹ - Triều, cũng như đảm bảo cho hội nghị diễn ra tốt đẹp như mong muốn của những người tham dự. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, hình ảnh đất nước Việt Nam được thể hiện qua từng cử chỉ của cán bộ, công chức, vì vậy phải chú trọng công tác lễ tân, đón tiếp cả về hình thức và nội dung, đặc biệt không để xảy ra sơ suất nhỏ; sẵn sàng có phương án ứng phó linh hoạt trước yêu cầu mới. Thủ tướng mong mỗi người dân thủ đô là một sứ giả quảng bá sự thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu "Hà Nội - thành phố vì hoà bình".

Còn đương nhiên, kết quả hội nghị, chỉ có thể do Mỹ và Triều Tiên quyết định!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem