Cuộc sống mới ở vùng đồng bào Khmer

Thứ tư, ngày 23/11/2011 13:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ vùng đất ven biển vốn nghèo khó, Vĩnh Hải đã "thay da đổi thịt" vươn lên trở thành mô hình xây dựng NTM điển hình của huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nơi có tới 52% dân số là đồng bào Khmer.
Bình luận 0

Hiệu quả cao trong sản xuất

Đột phá lớn nhất của Vĩnh Hải là đã chuyển được diện tích hơn 4.000ha đất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng 2 vụ màu, kết hợp 1 vụ lúa. Cây màu phổ biến được bà con trồng ở đây là hành tím, củ cải trắng, khoai lang, ớt...

img
Một vụ hành tím bội thu ở Vĩnh Hải.

Ngoài ra, 3.200ha ao nuôi tôm sú tự nhiên đã được chuyển sang ao nuôi bán thâm canh đạt năng suất, sản lượng cao. Để thúc đẩy sản xuất, hàng năm, xã Vĩnh Hải đã hỗ trợ trên 130 triệu con tôm sú, 4,5 tấn giống hành tím cho trên 200 hộ Khmer nghèo và cận nghèo.

Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội được trên 3 tỷ đồng, Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Châu đã đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 450 lao động dân tộc Khmer làm việc ở trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Nhờ đó, trong năm 2010, xã có 203 hộ thoát nghèo.

Chị Lý Thị Danh ở ấp Trà Sết cho biết: “Gia đình nghèo, không có vốn làm ăn, nên tôi đã đem 3 công ruộng nuôi tôm đi cầm nợ, gia đình dắt nhau đi làm thuê để lo cuộc sống. Năm 2006, được ngân hàng cho vay 10 triệu đồng để nuôi bò, chỉ sau 3 năm, tôi đã chuộc lại được 3 công đất”. Ngoài nuôi tôm, nhà chị Danh còn trồng 3 công hành tím, cho thu nhập cao.

Ở Vĩnh Hải thời gian qua, cuộc sống của rất nhiều hộ Khmer đã “phất” lên thấy rõ, không ít hộ có thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng/năm. Theo ông Lê Hoàng Nhịn - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Hiện chúng tôi đang tập trung hỗ trợ vốn, giống cho bà con chuyển diện tích nuôi tôm không hiệu quả và vườn tạp sang trồng 1 vụ lúa, kết hợp 2 màu. Tới đây, xã cũng sẽ lắp đặt điện kế, kéo đồng hồ nước sạch đến từng hộ dân, phấn đấu 100% hộ Khmer đều có điện sử dụng, nước sạch sinh hoạt”.

Chuẩn bị “lên đời”

Trong 3 năm trở lại đây, mức tăng trưởng kinh tế của xã Vĩnh Hải đạt từ 12 – 16%. Hiện nay, 8/8 ấp của xã được công nhận là ấp văn hóa, trong đó 82% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. 95% hộ Khmer ở xã đã được sử dụng nước sạch, 92% hộ có điện sử dụng, tỷ lệ hộ nghèo còn 5%...

Để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, xã Vĩnh Hải đã quy hoạch Đề án phát triển đô thị Vĩnh Hải. Ông Hoàng Văn Hướng – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong Đề án phát triển đô thị loại V, xã đã quy hoạch phát triển chợ ra hướng biển với quy mô lớn hơn hiện nay, khu dân cư thì theo dọc các tuyến giao thông và giáp biển, xây dựng công viên cây xanh cùng hàng loạt đường xương cá nối đường huyện 11 với Quốc lộ Nam sông Hậu và đường đê”.

Hiện tại chợ Vĩnh Hải có trên 200 tiểu thương tham gia buôn bán với đủ loại mặt hàng, từ nông sản thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng, đến vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc... Anh Lý Sên ở ấp Trà Sết mong muốn: “Theo tôi, xã phải đầu tư mở rộng chợ hơn nữa và xây dựng các khu dân cư tập trung để bà con có chỗ ở đàng hoàng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem