Cuối 2015 ngư dân mới có thể có tàu vỏ thép

Hồng Anh Thứ ba, ngày 04/11/2014 07:07 AM (GMT+7)
Nghị định 67 (về cho vay vốn phát triển thủy sản) đã ban hành được một thời gian không ngắn, song đến thời điểm này, tại nhiều địa phương bà con ngư dân vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở…
Bình luận 0

Cầu lớn hơn cung…

Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, Quảng Nam được giao thực hiện 92 tàu đóng mới và cải hoán nâng cấp. Đến nay, ngư dân đã mạnh dạn đăng ký đóng thêm tàu vỏ thép từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ song họ lại lo lắng khi đóng tàu vỏ thép thì phải đặt hàng ở các địa phương khác vì Quảng Nam chưa có cơ sở nào đóng tàu bằng vật liệu này.

Việc phải đóng tàu ở địa phương khác sẽ khiến cho ngư dân tốn kém vì giá thành đóng tàu bị đội lên. Người một nơi, của một nơi nên ngư dân cũng không thể biết con tàu mình đóng ở địa phương khác chất lượng ra sao. Quy định về tổ chức thực hiện Nghị định 67 có đề cập hỗ trợ chi phí để duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép nhưng chưa có hạn mức cụ thể.

img Một tàu cá vỏ thép được đóng ở Nam Định.    QUANGNAPA

 

Mặt khác, nhiều ngư dân bày tỏ lo ngại xung quanh việc không biết sử dụng tàu vỏ thép có phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân, sẽ neo đậu tàu ở đâu, nhất là trong mùa mưa bão…

Một vấn đề nổi lên tại các địa phương hiện nay là nhu cầu vay vốn của ngư dân thì cao nhưng phân bổ của Chính phủ thì thấp nên nhiều ngư dân lo ngại khó có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định 67. Như tại tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014-2016 theo kế hoạch được giao tỉnh này sẽ đóng mới 189 tàu, trong đó có 72 tàu vỏ gỗ và 117 tàu vỏ thép (gồm tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá), với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Con số này theo ngư dân Quảng Ngãi vẫn là thấp so với nhu cầu của ngư dân địa phương.

Bên cạnh đó, theo quy định, đối tượng được vay vốn chủ yếu là các chủ tàu, hoạt động nghề cá ổn định, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất hiệu quả. Trong khi đó, rất nhiều ngư dân tuy không phải là chủ tàu nhưng có kinh nghiệm và năng lực đánh bắt tốt, hiệu quả, nhưng chỉ vì thiếu vốn nên chỉ đi làm thuê cho các chủ tàu, vậy nay có được tiếp cận với nguồn vốn theo Nghị định 67 hay không?

Tại Bình Thuận, đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng đã có 185 hồ sơ đăng ký được hỗ trợ vay vốn, trong khi đó, Bình Thuận chỉ có 152 chỉ tiêu tàu được Bộ NNPTNT phê duyệt theo Nghị định 67, trong đó 137 tàu đánh bắt, 15 tàu hậu cần. Do vậy, nhiều ngư dân cũng hết sức băn khoăn, lo lắng, bởi không biết mình không lọt được vào danh sách này hay không?

Làm sao vốn sớm đến ngư dân?

Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Nghị định 67 là nghị định “lịch sử” của Chính phủ vì nó ban hành nhanh nhất, đi vào cuộc sống hay nhất. Nhưng bây giờ phải làm sao để vốn đến được với ngư dân một cách sớm nhất? BIDV là một trong những ngân hàng được chỉ định giải ngân gói tín dụng cho vay theo Nghị định 67 cho ngư dân.

Hiện nay, BIDV là ngân hàng đầu tiên triển khai để ngư dân tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hà cũng lo lắng về tiến độ triển khai nghị định này. Theo ông, nghị định đã có hiệu lực từ 25.8.2014 song bây giờ chúng ta vẫn đang loay hoay ở mức phân bổ. Tổ chỉ đạo Nghị định 67 ở huyện, xã đều có nhưng nhiều nơi vẫn chưa được tiếp thu tinh thần của nghị định này. Ông Hà lưu ý rằng, với tiến độ triển khai Nghị định 67 như hiện nay thì cuối năm 2015 ngư dân mới có tàu vỏ thép.

Thực tế, theo phản ánh của các địa phương, những hồ sơ đang được đăng ký là những ngư dân tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm về biển khơi, họ đưa ra phương án khả thi chứ không phải đăng ký để được vay vốn rồi làm ăn không hiệu quả. Do đó, lấy ai, loại ai sẽ là một vấn đề đòi hỏi việc lựa chọn, xét duyệt phải kỹ càng và công bằng.

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục cập nhật những trường hợp ngư dân đăng ký vay vốn để hỗ trợ về mặt thủ tục, hồ sơ, giúp họ sớm tiếp cận được nguồn vốn vay. Để tránh những hạn chế như chương trình vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ trước đây, các địa phương sẽ phải xem xét, thẩm định kỹ phương án sản xuất để chọn những ngư dân có năng lực, tâm huyết.

   Qua thực tế khảo sát tại các địa phương, bà Nguyễn Vũ Anh (Ban Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân của Agribank) cũng cho biết, chỉ một phần nhỏ ngư dân là có kinh nghiệm   sử dụng tàu công suất lớn, và hầu hết đều có nhu cầu về tàu gỗ. Ngoài e ngại về công nghệ mới, vốn đầu tư lớn cũng đang là nỗi lo chung của các chủ tàu.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem