Triển khai cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67: Làm chắc chắn, không nóng vội

Ngọc Quyết- Hải Minh Thứ hai, ngày 29/09/2014 11:13 AM (GMT+7)
"Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) không thể “ăn xổi ở thì”, bỏ ngay quan niệm làm theo phong trào. Đây là chủ trương có gắn bó bền chặt, lâu dài với ngư dân nên không nóng vội... “. 
Bình luận 0

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do NHNN vừa tổ chức.

Cấp đủ vốn cho đóng mới 2.000 tàu đánh bắt

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố ven biển và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai. Ông Nguyễn Tiến Đông- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngành ngân hàng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân đóng mới trên 2.000 tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Thời gian qua, các NHTM và đặc biệt là các NHTM nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67 như xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách cho vay, riêng 5 NHTM đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình này.

Ông Tiết Văn Thành- quyền Tổng Giám đốc Agribank, một trong những ngân hàng “trụ cột” triển khai chương trình này cho biết, các chi nhánh Agribank ở giáp biển đã tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank. “Agribank dự kiến dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67, riêng trong năm 2014 phấn đấu giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank hiện đạt 29.755 tỷ đồng”- ông Thành nói.

Đề cao vai trò của địa phương

Sức lan tỏa của Nghị định 67 đã thực sự được cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc để phối hợp cùng hệ thống ngân hàng và các bộ ngành, để sớm triển khai Nghị định 67. Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, phương thức triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân của ngành ngân hàng thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, tạo niềm tin cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển. “Về phía tỉnh, chúng tôi cam kết tích cực triển khai các công việc, phối hợp cùng hệ thống ngân hàng và các bộ, ngành để sớm triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh” - ông Thọ nói.

Ông Tiết Văn Thành  
 Agribank dự kiến dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67, riêng trong năm 2014 phấn đấu giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank hiện đạt 29.755 tỷ đồng”.   

Còn ông Nguyễn Ngọc Ẩn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh Phú yên đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 67, đăng ký với Bộ NNPTNT phân bổ số lượng đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư 642 tỷ đồng. Bên cạnh đó Sở NNPTNT tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thuyền, máy trưởng hạng 4, để đáp ứng theo yêu cầu. Đến nay đã có 22 khách hàng là ngư dân và doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên đăng ký vay vốn chương trình với tổng vốn trung và dài hạn dự kiến hơn 131 tỷ đồng, trong đó, khách hàng đăng ký đóng mới 7 tàu vỏ sắt, 12 tàu vỏ gỗ, cải hoán 5 tàu.

Tại hội nghị, một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định 67 cũng được đại diện các địa phương nêu ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Phùng Tấn Viết, trong thông tư hướng dẫn chưa làm rõ khái niệm thế nào là hoạt động khai thác hải sản xa bờ, có khả năng tài chính, đang hoạt động nghề cá hiệu quả. Ông kiến nghị cần làm rõ khái niệm này với tiêu chí và điều kiện cụ thể để tránh việc các ngân hàng và tỉnh triển khai phê duyệt danh sách và cho vay không đúng mục tiêu và chủ trương.

Ông Viết cũng đề xuất Bộ NNPTNT sớm công bố 21 mẫu thiết kế tàu vỏ sắt; Bộ Tài chính công bố các đơn vị bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm theo Nghị định 67 để ngư dân biết.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Nghị định 67 rất đúng và trúng để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ nhưng để chính sách đạt hiệu quả phải triển khai cho tốt. Chương trình này có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước nhưng không phải cho không nên phải đảm bảo hiệu quả. Khi triển khai, ngân hàng phải đặt ra mục tiêu, không những thu hồi được nguồn vốn cho vay ra mà còn phải gia tăng lợi ích kinh tế cho các địa phương. Hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ, còn tạo ra được động lực để tổ chức lại mô hình sản xuất, các dịch vụ đi kèm về hạ tầng cơ sở làm cho hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng tốt hơn.

Liên tưởng “con số” của Nghị định 67 tới hình ảnh chiếc xe Honda 67, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, chiếc Honda 67 chạy rất bền bỉ và đến nay nhiều người còn sử dụng. Vì vậy, khi triển khai Nghị định 67 cần lưu ý tới tính bền vững, không thể “ăn xổi ở thì” mà xác định đây là chủ trương bền chặt, lâu dài nên phải bỏ ngay quan niệm làm theo phong trào với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng không nóng vội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem