Đá đỏ Quỳ Châu dĩ vãng một thời

Cảnh Thắng Thứ bảy, ngày 04/02/2017 13:00 PM (GMT+7)
Vùng đất Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) hơn 30 năm trước nổi tiếng cả nước vì những viên đá đỏ trị giá hàng tỷ đồng và “cơn lốc” khai thác đá đỏ. Biết bao người đã mất mạng, biết bao gia đình tan nát... Qua những năm tháng buồn đau, nay chính những “ông trùm” đá đỏ năm xưa đang góp sức hồi sinh vùng đất “chết” ấy.
Bình luận 0

Những trận "quyết tử" trên đồi Tỷ

Không ai biết chính xác đá đỏ Quỳ Châu được phát hiện từ bao giờ. Theo một số người dân bản địa kể lại, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, có một nhóm cán bộ địa chất từ ngoài Hà Nội vào khảo sát vùng đất này. Tình cờ, họ phát hiện một viên đá to bằng ngón tay, có màu đỏ tươi và hình thù rất đẹp. Tò mò, họ đem về Hà Nội nghiên cứu, sau đó bán viên đá cho người nước ngoài với giá gần 3 tỷ đồng. Bỗng dưng tìm thấy “báu vật” nên sau đó nhóm người này đã âm thầm trở lại xứ Nghệ để tiếp tục tìm cơ may. Họ thuê người bản địa đào bới tìm kiếm đá màu với thù lao hậu hĩnh. Sau đó, thông tin bị  lộ và gây ra một “cơn sốt” đổ xô đi tìm đá đỏ. Từ đó, bao nhiêu câu chuyện buồn bao quanh vùng quê nghèo...!

img

     Quỳ Châu đang đẩy mạnh làm du lịch. Trong ảnh: Coọng nước trên đường vào bản dệt Hoa Tiến - Quỳ Châu. Ảnh:  K.V

Những địa danh nổi tiếng như đồi Hoa cỏ may, đồi Tỷ hay đồi Tử, đồi Triệu, đồi Mồ... có tên từ khi dòng người đổ xô về Quỳ Châu khai thác đá đỏ. Đồi Tỷ hay đồi Tử, chính là nơi người ta tìm thấy những viên đá quý có giá hàng tỷ đồng, nhưng cũng là nơi xảy ra những trận tử chiến tranh cướp đá quý, lấy đi sinh mạng của hàng trăm người. Trái ngược cảnh hỗn loạn, náo nhiệt năm xưa, giờ đây đồi Tỷ hoang vắng, lặng lẽ, xác xơ như một vùng đất chết. Có cả sự u ám, rờn rợn cứ như còn đó những oan hồn sập hầm đang vảng vất...

Anh Nguyễn Thế Đình  nhà ở xóm 3/4, xã Châu Bình, mắt nhìn xa xăm, kể lại: “Cả một câu chuyện buồn kéo dài đã mấy chục năm nay rồi. Người dân vùng đất này không thể nào quên được sự đau thương, mất mát của một thời huyết chiến, cướp bóc vì đá màu”. Cũng theo anh Đình, những trận huyết chiến của hơn 30 năm về trước đã để lại những “cái sẹo” rất lớn trong lòng những “anh hùng đá đỏ” cũng như người thân của họ và cả người dân từng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng hồi đó.

Người dân Châu Bình vẫn không thể quên cái tên Vi Văn Phong - tức Phong “trọc”- một đại ca giang hồ có tiếng thời đó, hàng ngày cùng nhóm đàn em xách dao, búa đi “dẹp loạn” các băng nhóm khác để thống lĩnh lãnh địa đá đỏ. Bàn tay của y nhuốm máu bao người. Vậy rồi Phong chết ở tuổi 43, chết lặng lẽ, không người thân đưa tiễn, nấm mồ không bia mộ.

Liều lĩnh và táo tợn hơn cả là băng cướp Cờ Đỏ do “Long” mặt chai” cầm đầu. Chúng không chỉ tiến hành cả trăm vụ đâm chém, cướp, giết tại các bãi xung quanh đồi Tỷ và đồi Triệu, mà còn dùng uy để ép dân đào đãi, cướp đá, thu “phế” những người không cung phụng. Người nào chống đối chúng phải trả giá bằng máu và mạng sống của mình.

Hồi sinh vùng “chiến địa”

Quá khứ đau buồn ở vùng đá đỏ giờ đã qua đi. Nay, những người xưa kia xưng hùng, xưng bá đã nhận thức được cái đúng, cái sai. Và, cũng chính những người này đã tiên phong để góp phần hồi sinh vùng đất này”. 

Ông Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu

Phan Bá Giang (SN 1964) thường được gọi  Giang “râu”, là một trong những đầu nậu mua bán, thôn tính vùng đất đá đỏ lúc bấy giờ. Thời điểm đó, khối tài sản của Giang lên tới chục tỷ đồng. Nghĩ rằng với khối tiền khổng lồ này sẽ ăn cả đời không hết, Giang “râu” bắt đầu lao vào ăn chơi, cờ bạc. Rồi cơn lốc đá đỏ chóng vánh đi qua, cờ bạc cũng nuốt dần khối tài sản kếch xù, Giang trở nên tay trắng.

Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên. Nghĩ là làm, anh Giang lên UBND xã làm thủ tục xin cấp đất, tiếp đó mua sách kỹ thuật ươm giống cây. Thấy “đại ca” Giang râu làm chuyện kỳ lạ mà cả vùng quê này chưa ai làm, nhiều bạn bè không tin liền ra giá: “Tôi đưa cho ông 1 triệu đồng, nếu trồng được rừng thì biếu không luôn, còn không thì trả lại cho tôi gấp 10 lần”. Hàng chục người như thế đưa tiền đến thách thức làm chị Ngà vợ anh lo lắng. “Tôi khuyên chồng là anh đã từng ôm tiền tỷ, quen sống sung sướng, bây giờ trồng rừng gian nan lắm, thôi trả tiền lại cho người ta đi, lỡ thất bại thì lấy đâu gấp 10 lần mà trả nợ” – chị Ngà nhớ lại.

Đầu tiên, anh làm một vườn ươm cây keo giống, trước tiên để mình trồng rừng. Năm tháng vợ chồng mồ hôi trộn nước mắt, 10ha rừng keo dần dà lên xanh mướt mát, làm làng bản, bạn bè hết sức ngỡ ngàng và khâm phục. Thấy việc hay, nhiều người cũng học theo Giang “râu” nhận đất trồng rừng. Khi rừng Châu Bình gần phủ hết một màu xanh, thì mùa khai thác keo đầu tiên của vợ chồng Giang cũng đã đến. Đó là năm 2002, anh khai thác 10ha keo bán được 500 triệu đồng...

Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: “Xã có khoảng hơn 3.000ha rừng nguyên liệu thì riêng anh Giang có hơn 100ha. Giờ nếu anh Giang bán số rừng keo này cũng được khoảng gần 10 tỷ đồng. Anh ấy còn chung vốn chung đất trồng rừng ở các huyện như Quế Phong, Nghĩa Đàn...”.

Cũng trắng tay sau “cơn lốc” đá đỏ, Thuận “ngón tay vàng” trốn vào Tây Nguyên làm ăn. Sau nhiều năm cơ cực, anh  quyết trở lại Châu Bình để “trả nợ” rừng xanh. Đến nay anh Thuận đã trồng được 160ha rừng - là người có diện tích rừng nhiều nhất hiện nay ở xã Châu Bình. Mới đây anh thu hoạch 50ha rừng nguyên liệu và đã triển khai trồng  lứa thứ 2.

Bây giờ người dân Châu Bình đã trồng được khoảng 3.000ha rừng keo nguyên liệu và keo lấy gỗ. Bình quân mỗi hộ trồng 6ha, nhiều hộ trồng hơn 50ha. Xã có gần 200 trang trại thì đã có gần 100 trang trại trồng rừng nguyên liệu. Mỗi ha rừng cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng, tức người dân  Châu Bình đang nắm trong tay 150 tỷ đồng... Quá khứ đau thương do cơn sốt đá đỏ ở Quỳ Châu đã dần đi vào dĩ vãng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem