Đà Nẵng: Cùng nông dân làm nên bức tranh thôn quê giàu đẹp

ĐĂNG BÌNH Thứ ba, ngày 04/02/2020 05:10 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tiến Lực- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cho biết, suốt 10 năm liền, hội viên Chi hội Nam Thành đóng góp rất lớn trong việc giúp thôn Nam Thành đạt danh hiệu “Thôn văn hóa cấp huyện”; năm 2018 đã được các cấp công nhận thôn Nam Thành hoàn thành hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và  đã đạt “Thôn kiểu mẫu NTM”, là một điểm sáng ở vùng quê của huyện Hòa Vang.
Bình luận 0

Toàn Chi hội nông dân Nam Thành có trên 200 hộ hội viên, chủ yếu làm nghề nông. Hội viên nông dân đã tích cực giúp nhau giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hiện trong chi hội chỉ còn 7 hộ nông dân nghèo. Trong những năm qua, hội viên nông dân đã tích cực hiến đất, phá bỏ tường rào, đóng góp ngày công, kinh phí để làm đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 4.000m.

“Các mô hình phát triển kinh tế được thực hiện tốt, như có 30 hộ nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ làm trang trại nuôi gà, dê, lợn, trồng nấm rơm, nuôi bò. Có 10 vườn mẫu NTM, 100% gia đình có nhà ở ổn định, 98%  số người dân ở xã tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế”- ông Nguyễn Tiến Lực cho hay.

img

 Nông dân Nam Thành với mô hình nuôi cá nước ngọt làm giàu tại quê hương. (ảnh: Đăng Bình) 

Trong những thành tựu xây dựng nông thôn văn minh ở Nam Thành, đáng chú ý là mô hình “Thôn NTM kiểu mẫu 4 không”, gồm: Không rải vàng mã, không để người chết quá 48 tiếng, không đàn nhạc và không thuốc lá, hạt dưa trong việc tang, được người dân đồng thuận và nghiêm túc thực hiện. Phong trào này đã được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng.

Ông Nguyễn Tấn Yến - Chi hội trưởng Chi hội nông dân Nam Thành bộc bạch: “Do tục lệ ma chay xưa nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên rất khó để thay đổi, chưa kể liên quan đến yếu tố tâm linh.

Để triển khai mô hình “4 không”, chi hội nông dân phải tích cực vận động, tuyên truyền và mỗi cán bộ, hội viên nông dân làm tốt và nêu gương để người dân hiểu, thấy được giá trị nhân văn cũng như lợi ích kinh tế. Từ 1-2 gia đình làm được, dần dần cả thôn sẽ làm được.

Đến nay, mô hình đã đi vào ổn định, người dân có sự nhìn nhận và ý thức nghiêm túc trong việc thực hiện”.

Theo ông Nguyễn Tiến Lực, Nam Thành trở thành một điểm sáng về thực hiện NTM và  đạt được những kết quả to lớn là nhờ người nông dân nơi đây có truyền thống đoàn kết, tâm huyết với phong trào, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại sự thay da đổi thịt, khoác lên cho thôn “chiếc áo mới” của một vùng quê yên bình.

“Việc xây dựng thôn kiểu mẫu NTM không chỉ thay đổi mạnh mẽ, toàn diện bộ mặt thôn, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi..., nên hội tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện”- ông Lực khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem