Lễ hội Am Chúa có ý nghĩa đặc biệt thế nào trong đời sống tâm linh của người dân Khánh Hòa?

Công Tâm Thứ hai, ngày 12/06/2023 16:44 PM (GMT+7)
Hàng năm, tại khu di tích cấp quốc gia Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) lại tổ chức lễ hội Am Chúa, đây được xem là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Khánh Hòa.
Bình luận 0

Theo thông lệ, cứ đến ngày mùng 1/3 âm lịch hàng năm, tại khu di tích cấp quốc gia Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) lại rộn ràng mùa lễ hội Am Chúa.

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 1.

Lãnh đạo chính quyền địa phương đến dâng hương tại lễ hội Am Chúa. Ảnh: C.Tâm

Lễ hội Am Chúa hay còn có tên gọi khác là Lễ hội Thiên Y A Na sẽ được tổ chức ở Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Am Chúa thuộc núi Đại An, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. 

Am Chúa là nơi thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu (Po Nagar), còn gọi là bà chúa Ngọc, một vị phúc thần rất được kính trọng ở Khánh Hòa. Am Chúa được xây dựng trên một ngọn núi Ðại An (núi Dưa), huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 2.

Lễ hội Am Chúa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân. Ảnh: CTV

Theo truyền thuyết được Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản ghi lại trong một tấm bia đá từ năm 1856 ở Tháp Bà, Am Chúa là nơi phát tích của Bà Po Nagar lúc ấu thơ sống với cha mẹ nuôi, còn Tháp Bà (Nha Trang) là nơi thờ Bà khi đã hiển thánh.

Ngay từ đầu triều Nguyễn- Vua Gia Long, Thiên Y Ana đã được sắc phong là Hồng Nhơn Phổ Tế Linh Ứng Thượng Ðẳng Thần và tại Am Chúa mỗi khi tế lễ thường được tổ chức theo nghi lễ quốc gia do quan đầu tỉnh làm chủ tế.

Am Chúa là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời của xứ Trầm Hương, gắn liền với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Cùng với truyền thuyết về Thiên Y Thánh Mẫu, di tích Am Chúa đã thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hoá Việt - Chăm.

Lễ hội Am Chúa luôn được tỉnh Khánh Hòa tổ chức trang trọng.

 Lễ hội Am Chúa được diễn ra với các nghi lễ bao gồm: Tế lễ, dâng hương, biểu diễn múa bóng… mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tế lễ là nghi thức trang nghiêm nhất, được những người chức sắc thực hiện, đại diện cho người dân Khánh Hòa gửi đến Bà Chúa Xứ Sở lòng biết ơn và sự tôn kính. 

Tiếp theo là phần lễ dâng hương được sự tham gia của đông đảo du khách, người dân và lãnh đạo các ngành, chính quyền địa phương. Đây là cơ hội để mọi người gửi gắm những mong cầu của mình đến bà Chúa Ngọc. Mọi người và du khách cầu bình an, cầu may mắn, cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, cầu cho công việc thuận lợi, cuộc sống an yên…

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Diên Khánh đánh hồi trống khai hội. Ảnh: C.Tâm

Theo các bậc cao niên trong làng, năm 1987, lễ hội Am Chúa được chính quyền và nhân dân phục hồi. Trải qua 36 năm, lễ hội Am Chúa đã trở thành lễ hội truyền thống lớn của huyện Diên Khánh và thu hút đông đảo bà con nhân dân từ mọi miền Tổ quốc về tham dự. 

Năm 1999, di tích Am Chúa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với sự chung tay góp sức của nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành nên di tích Am Chúa đã trở nên khang trang hơn. Sau nghi thức khai mạc, các đại biểu đã lần lượt vào dâng hương lên Thiên Y Ana Thánh Mẫu và nguyện cầu những điều tốt đẹp đến với bản thân, quê hương, đất nước.

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 3.

Nhiều nghi lễ sẽ diễn ra tại lễ hội Am Chúa. Ảnh: C.Tâm

Trong năm 2023, lễ hội Am Chúa diễn ra với các nghi lễ truyền thống trang nghiêm như: Lễ tế cổ truyền; lễ dâng hương và biểu diễn hát văn, múa bóng của các đoàn hành hương ở trong và ngoài tỉnh.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Am Chúa năm 2023 đã có 100 đoàn hành hương với gần 3.000 người đã đăng ký với ban tổ chức để thực hành các nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra, còn đón tiếp khoảng gần 10.000 lượt người dân, khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh cũng về tham dự lễ hội.

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 4.

Màn múa lân diễn ra tại lễ khai mạc Am Chúa. Ảnh: C.Tâm

Điểm đặc biệt của lễ hội Am Chúa thường kéo dài trong 3 - 4 ngày. Sau khi kết thúc phần lễ sẽ đến phần hội. Phần lễ được tiến hàng tôn nghiêm theo những nghi thức cổ truyền ngàn đời thể hiện sự tôn trọng và thành kính với Bà Chúa Xứ Sở. Còn phần hội rất vui tươi, nhộn nhịp, với các trò chơi dân gian, rước lân, múa lân, không khí náo nhiệt và sôi động.

Bà Đổng Thị Mai (dân tộc chăm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cho biết: "Hàng năm, tôi cùng gia đình đến đây thắp nén hương và kèm theo các lễ vật chuẩn bị trước đó dâng lên Thiên Y Ana Thánh Mẫu và nguyện cầu những điều tốt đẹp đến với bản thân, quê hương, đất nước. Đồng thời, cầu chúc cho gia đình được bình an, mưa thuận, gió hòa, con cháu học tập đến nơi đến chốn". 

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 5.

Các phụ nữ chuẩn bị chu đáo các lễ vật. Ảnh: Giang Đình

Theo người dân địa phương, lễ hội Am Chúa là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Khánh Hòa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Am Chúa thờ mẹ Xứ Sở đã dạy cho dân biết cày cấy, trồng dâu, dệt vải, nuôi tằm, buôn bán…

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 6.

Đông đảo người dân tham dự lễ hội Am Chúa. Ảnh: CTV

Am Chúa được xây dựng trên núi Đại An hay còn gọi là núi Dưa, thuộc địa phận thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 25 km.

Nét văn hoá cổ truyền trong lễ hội Am Chúa tại Khánh Hòa - Ảnh 7.

Lễ hội Am Chúa đã trở thành lễ hội truyền thống lớn của huyện Diên Khánh và thu hút đông đảo bà con nhân dân. Ảnh: C.Tâm

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 3 Âm lịch, người dân cũng như du khách thập phương lại tề tựu về đây tổ chức lễ hội Am Chúa, tưởng nhớ công ơn của Mẹ Xứ Sở.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, Am Chúa còn là di tích lịch sử đặc biệt, chứng kiến cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân Khánh Hòa.\

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem