Ngày 22.8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm về các hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng chuyển sang phần bào chữa bổ sung, tự bào chữa.
Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định các nhân viên tập đoàn Thiên Thanh và ngân hàng VNCB đều không có động cơ, mục đích gì khác và chỉ được nhận tiền lương. Ông lạc giọng và bật khóc khi đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc cho các thuộc cấp của mình.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Bị cáo Danh cho rằng ông khao khát tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín, nhưng ám chỉ bị bà Hứa Thị Phấn lừa. Ông đã chuyển khoản cho bà Phấn 3.600 tỷ đồng với hy vọng lấy được tài sản ra, trong đó có 2 bất động sản tại Q.2 và huyện Nhà Bè (TP.HCM) được định giá lên hơn 7.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên ông đã bị “tiến thoái lưỡng nan” khi nhận được thông báo không được lấy tài sản ra. Tại tòa, bị cáo Danh một lần nữa tha thiết xin được khắc phục hậu quả và nếu được phép thì 100% sẽ khắc phục được. Ông đề nghị thu hồi lại số tiền 3.600 tỷ để thực hiện điều này. Ông cũng cho rằng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức sẵn sàng giúp đỡ ông khắc phục, mỗi người chỉ cần góp chút đất là xử lý được sai phạm.
Còn bị cáo Phan Thành Mai cho rằng ngân hàng VNCB đã trải qua giai đoạn rất khó khăn. Đến nỗi, ngân hàng phải cắt giảm tối đa chi phí sinh hoạt, phải tiết kiệm đến từng cuộn giấy, ly nước uống… Nhân viên cũng chỉ được hưởng 20% lương, 80% còn lại nhận vào cuối mỗi quý. Cán bộ ngân hàng còn không được hưởng các chính sách phúc lợi, không được đi khám bệnh…
Do đó có đến 300 cán bộ công nhân viên đã xin nghỉ việc, chỉ có những người còn tâm huyết ở lại. Nhiều cán bộ ngân hàng đã làm việc không kể cuối tuần, ăn, ngủ cũng ôm máy tính trên tay, họ hết sức yêu nghề, tâm huyết với nghề. Nhưng đáng tiếc những người tâm huyết phần lớn lại là bị cáo trong phiên tòa này.
“Những người ở lại đều tin vào đề án tái cơ cấu. Nhiều người cho rằng nếu không có đề án này không biết ngân hàng đi về đâu, không biết có bao nhiêu vụ án bị khởi tố”, bị cáo Phan Thành Mai lạc giọng nói.
Đến phần nói về việc ủy thác đầu tư trái phiếu, đến các hồ sơ vay, bị cáo Mai thừa nhận sai sót và bật khóc tại tòa.
Về khắc phục hậu quả, bị cáo Mai đề nghị HĐXX thu hồi khoản tiền 2.700 tỷ đồng (tiền Phạm Công Danh trả lãi cho Trần Ngọc Bích) để khắc phục, đồng thời thu hồi 300 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích vì khoản tiền này được giải chấp sổ tiết kiệm trả về cho nhóm bà Bích.
Riêng khoản tiền trả cho nhóm Phú Mỹ, bị cáo Mai đề nghị HĐXX tuyên rằng hợp đồng giữa ông Danh và nhóm Phú Mỹ là vô hiệu và trả tiền về vị trí cũ. “Còn với các khoản tiền chưa xác định được địa chỉ thì trong quá trình quy hồi thì ưu tiên theo trình tự từ các khoản nhiều bị cáo nhất đến các khoản liên quan ít bị cáo nhất để triệt tiêu trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.”, bị cáo Mai nói.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.