Đại án VNCB: Phan Thành Mai được trả 3,2 tỷ viết đề án tái cấu trúc

Quốc Hải - Hữu Ký Thứ hai, ngày 25/07/2016 18:24 PM (GMT+7)
Phải mất hơn một năm, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) mới viết xong đề án tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín và được Phạm Công Danh trả 3,2 tỷ đồng…
Bình luận 0

Vì sao một người được đào tạo bài bản ở nước ngoài với trình độ quản lý tầm cấp quốc gia như Phan Thành Mai, nhưng khi tham gia tái cấu trúc một ngân hàng 0 đồng phải thực hiện những hành vi trái pháp luật?

“Sốc” vì tình trạng “bét nhè” của VNCB

Trước khi về làm ở VNCB, Phan Thành Mai làm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) từ tháng 7.2011. Đến cuối năm 2011, Mai tình cờ quen biết Phạm Công Danh (Tập đoàn Thiên Thanh là một trong những doanh nghiệp thuộc Hiệp hội BĐS) và được Phạm Công Danh nhờ viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với chi phí 3,2 tỷ đồng.

Lúc đó, Phạm Công Danh có đưa ra các ý tưởng liên kết các doanh nghiệp ngành xây dựng và lập ra ngân hàng phục vụ cho các doanh nghiệp ngành này, còn Phan Thành Mai thì chưa biết gì về tình trạng thanh khoản và chăm sóc khách hàng của Ngân hàng Đại Tín lúc đó. Tuy nhiên Mai vẫn bắt tay vào viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín trong thời gian hơn một năm, từ năm 2012 đến tháng 5.2013.

img

 Bị cáo Phan Thành Mai (trái) tại phiên tòa ngày 25.7

Đang giữ trọng trách chủ yếu ở VNRea, Phan Thành Mai bất ngờ có tên trong danh sách bầu cử vào HĐQT Ngân hàng TrustBank (tên cũ của Ngân hàng Xây dựng) đúng thời điểm ngân hàng này thực hiện tái cấu trúc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Lúc này, lỗ lũy kế của TrustBank là khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn khoảng 2.000 tỷ đồng, số dư nợ khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó 95% không có khả năng thu hồi. Trung bình mỗi năm ngân hàng lỗ khoảng 2.000 đến 2.500 tỷ đồng.

Đến tháng 5.2013, Ngân hàng Xây dựng ra mắt thì Mai được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Lúc này Phan Thành Mai cùng Phạm Công Danh bắt tay vào triển khai đề án tái cấu trúc. Theo đề án này, Mai tính toán vực dậy Ngân hàng Xây dựng dựa trên mong muốn tăng trưởng tín dụng 10.000 tỷ mỗi năm, dự kiến dựa trên mức tăng trưởng từ ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu thì bài toán về vật liệu xây dựng không đủ để vực dậy được VNCB nên giải pháp tiếp theo được đưa ra là tăng vốn điều lệ, nhưng giải pháp này cũng dần đi vào bế tắc.

Tại phiên tòa ngày 25.7, Mai cho biết, trước khi về VNCB thì bị cáo chưa biết tình trạng thanh khoản và chăm sóc khách hàng của Ngân hàng. Bị cáo chỉ nghe sơ bộ trước đó và biết thế chứ không quan tâm nhiều. Chính vì thế bị cáo rất sốc khi biết được tình trạng của VNCB khi triển khai tái cơ cấu.

“Túng” quá hóa… liều

Theo cáo trạng, để thu hút khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng của VNCB phải tự điều chỉnh tỷ lệ trả riêng cho khách (ngoài lãi suất quy định) lên tới 10% (vào năm 2013) và giảm dần trong năm sau. Toàn bộ số tiền trả ngoài này không có giấy tờ, khách hàng đến gửi tiền sẽ nhận được hoa hồng ngay lập tức. Tuy nhiên, do chi phí trả lãi ngoài quá lớn đến khi ngân hàng không còn đủ tiền nữa, lúc này lãnh đạo ngân hàng chủ trương “tìm mọi cách” để có tiền. Và Mai đề xuất cách mượn tiền từ ngân hàng ra để cứu thanh khoản tạm thời.

Biết là không thể rút tiền từ ngân hàng ra một cách bình thường được do VNCB đang bị kiểm sát bởi NHNN, nên Mai đề nghị nâng cấp hệ thống CoreBanking để mượn tiền, rút tiền ra. Mai đề xuất với Phạm Công Danh việc rút tiền là tạm thời, sau đó sẽ tìm biện pháp để bù vào số tiền rút ra khỏi VNCB.

Cuộc họp nâng cấp hệ thống CoreBanking được nhanh chóng tổ chức với những thành phần gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương,… Sau đó, việc rút 63 tỷ đồng chuyển qua công ty của Phạm Việt Thép để Phạm Công Danh sử dụng. Tuy nhiên, 63 tỷ đồng cũng chỉ sử dụng để chăm sóc khách hàng được trong 2 tuần.

Tại phiên tòa chiều 25.7, bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận, việc chi lãi suất vượt trần là không thể hiệu quả nhưng lúc này bài toán cứu nguy cấp bách hơn bài toán kinh tế. Bị cáo thừa nhận là lúc đó cấp bách quá nên bị cáo buộc phải thực hiện như vậy. “Mọi việc làm trái pháp luật của bị cáo đều là các giải pháp nhằm cứu ngân hàng”, Mai nói.

Phan Thành Maisinh năm 1971, tốt nghiệp tại CH Liên Bang Đức về chuyên ngành Kiến trúc và Kinh doanh. Năm 2000, Phan Thành Mai về nước, từng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, làm Phó giám đốc công ty giải pháp tài chính. Sau đó "đầu quân" cho Ngân hàng VPBank, được thăng chức giám đốc năm 2005. Đến 7.2011 được đề cử làm Tổng thư ký VNRea và tháng 5.2013 chuyển sang làm Tổng Giám Đốc Ngân hàng Xây dựng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem