Dân chưa mê nghề trồng sâm dây

Thứ ba, ngày 29/04/2014 11:36 AM (GMT+7)
Nghề đào và bán sâm dây đang giúp hàng ngàn hộ dân nghèo ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cải thiện cuộc sống. Nhưng một nguy cơ là loài sâm quý này có thể biến mất, và người dân mất nghề.
Bình luận 0
Thu 300.000 đồng/ngày

Đến thôn Tu Cấp, xã Tu Mơ Rông, chúng tôi gặp hàng chục cô bé, cậu bé đang loay hoay thu gom “chiến lợi phẩm” sau một ngày ròng phơi mình trên sườn đồi.

Em A Thanh Huỳnh -học sinh lớp 9A Trường THCS Tu Mơ Rông hồ hởi: “Cứ vào mùa mưa (tháng 6–8) là sâm rừng lại mọc, đầu mùa đào bán sẽ đắt giá hơn. Mỗi ngày em đào được 5kg, bán cho các cửa hàng tạp hóa dưới huyện với giá 70.000 đồng/kg tươi”. Em A Thuận (thôn Đăk Ka, xã Tu Mơ Rông) cũng bộc bạch: “Từ khi biết đến sâm dây, có ngày chúng em đào và kiếm được 300.000 đồng, cha mẹ vui lắm và không còn bắt ở nhà lên rẫy như trước kia nữa, cái bụng cũng no để đến lớp học”.

Sâm dây được khai thác tận diệt ở Tu Mơ Rông.
Sâm dây được khai thác tận diệt ở Tu Mơ Rông.

Chị Y Lan (mẹ em Huỳnh) tâm sự: “Trước thì ăn sắn, ngô nhưng 10 năm trở lại đây, bà con phát hiện ra loại cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh nên cả làng rủ nhau đào sâm dây để bán, cuộc sống giờ đỡ vất vả hơn”. Theo tìm hiểu, cây hồng đẳng sâm (bà con hay gọi sâm dây) là một trong những dược liệu quý có tác dụng chữa nhiều loại bệnh và hồi phục sức khỏe, mọc tự nhiên ở vùng rừng núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông.

Cây tập trung nhiều nhất ở xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu... Loài cây này thường mọc lẫn trong cỏ, ở nương rẫy, ven rừng, ven suối. Giá bán sâm dây từ 400.000 – 600.000 đồng/kg khô, 70.000 – 100.000 đồng/kg tươi.

Người dân còn ít tham gia

Ông Dương Thái Khoa cho hay: “Năm 2014, chúng tôi sẽ phát triển thêm 10ha sâm dây, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sâm dây, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu...”.

Theo thống kê của UBND huyện Tu Mơ Rông, toàn huyện có 5.041 hộ là người dân tộc Xê Đăng, 2.205 thuộc diện hộ nghèo, bà con sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. “Tu Mơ Rông hiện có sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, và người dân giờ có thu nhập khá nhờ khai thác các loại cây này”- ông Dương Thái Khoa – Phó trạm Khuyến nông huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Điều đáng nói, theo ông Khoa, là khi bà con biết đến giá trị của cây sâm dây nên đã ồ ạt tìm kiếm, đào bới để bán dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên quý hiếm”. Từ thực tế này, huyện Tu Mơ Rông đã ban hành Chương trình số 36 phát triển cây sâm dây, phấn đấu đến năm 2020 sẽ nhân rộng diện tích sâm dây lên khoảng 250ha.

Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ Kon Tum phối hợp Phòng NNPTNT huyện Tu Mơ Rông đã nghiên cứu nuôi cấy mô, nhân giống vô tính cây sâm dây và đưa vào trồng thử nghiệm trên 3,5ha. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, sâm dây đã cho thu hoạch và hiện đang được triển khai, nhân rộng. Tính đến nay toàn huyện đã trồng trên 10ha sâm dây.

Dù đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình, cán bộ kỹ thuật tới tận nhà trực tiếp dạy “nghề” trồng sâm, hướng dẫn trồng thử nghiệm... thế nhưng số người hưởng ứng rất ít. Thậm chí những hộ đã tham gia trồng từ 1 – 2ha thì vẫn vào rừng khai thác thêm. Chị Y Bắp ở xã Măng Ri trồng sâm dây trên diện tích 1ha, nói: “Khách hàng cho rằng sâm mọc tự nhiên có tuổi đời lâu hơn nên nghĩ rằng sẽ chất lượng hơn sâm trồng có 2 – 3 năm”.
Ngô Xuân (Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem