Nhiều năm trước, làng MRăh thuộc xã K'Dang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) luôn cận kề với cái đói giáp hạt hàng năm.
Thực hiện dự án đa dạng hoá nông nghiệp, năm 2003, dân làng MRăh đã tự nguyện chuyển đổi 88ha đất hoang hoá, nương rẫy sang trồng cây cao su tiểu điền, trung bình mỗi hộ trồng 2ha. Để giúp ổn định cuộc sống trong thời gian kiến thiết cơ bản 7 năm, bà con được ưu đãi hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ lương thực, tập huấn kỹ thuật... Ngoài ra, làng còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như làm mới và nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, làm mới nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng... Năm 2010, toàn bộ diện tích vườn cây cao su tiểu điền của làng đã cho thu hoạch vụ mủ đầu tiên với năng suất cao và bán được giá, bình quân mỗi hộ thu được 150 triệu đồng/2ha. Ngay khi có tiền, cộng đồng làng họp lại và quyết định, bà con phải trả hết món nợ vay cả gốc lẫn lãi cho dự án sau vụ thu hoạch mủ đầu tiên này, dù thời hạn vay còn rất dài. Trưởng làng Đinh Sương vui mừng bảo: “Dân làng MRăh giàu lên từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ quỹ đất hoang hoá, nương rẫy đã được chuyển sang trồng cây cao su tiểu điền và cái mốc làm giàu của dân làng kể từ đây”.
Hai vụ thu hoạch tiếp theo, tuy giá mủ có tụt giảm nhưng mỗi hộ vẫn thu về trên 100 triệu đồng/2ha/vụ. Làng MRăh bây giờ không còn nhà ở bằng tranh tre, vách nứa như trước đây nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà mới xây khang trang, sạch đẹp có giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhà anh Đinh Pấp trước đây nghèo khổ là vậy, nay vươn lên làm giàu có tiếng trong làng. Ngoài 2ha cao su tiểu điền trồng theo dự án, vợ chồng anh còn chuyển đổi được 5 sào lúa nước, trồng thêm được 2ha cà phê; tính ra tất cả các khoản thu nhập từ các loại cây trồng lên tới gần 300 triệu đồng/năm.
Cũng như gia đình anh Đinh Pấp, mỗi nhà trong làng đều sắm đồ dùng sinh hoạt không thiếu thứ gì, từ ti vi, xe máy, tủ lạnh, bàn ghế, giường tủ..., có những hộ còn mua sắm máy cày phục vụ sản xuất. Hệ thống giao thông trong làng và tới khu sản xuất được mở rộng và nâng cấp, đi lại thuận lợi cả vào mùa mưa, nắng. Điện, nước sinh hoạt được mắc đến từng hộ dân trong làng; 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường lớp học; trong làng không còn thầy "mo" chữa bệnh, các tập tục lạc hậu như chết chôn chung, đẻ rừng... đã được đẩy lùi.
Cũng nhờ phát triển cây cao su tiểu điền, mà dân làng MRăh đã nâng cao được kiến thức, biết cách làm ăn mới, làm theo kỹ thuật mới. Nhiều hộ đã biết chuyển đổi trồng lúa 1 vụ lên 2 vụ và thực hiện tốt các biện pháp thâm canh cho năng suất cao, khai phá thêm diện tích hoang hoá để mở rộng diện tích trồng các loại cây kinh tế như cà phê, bời lời... để làm giàu thêm lên.
Văn Thông (Văn Thông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.