Dân nghèo dính lừa xuất khẩu lao động

Thứ năm, ngày 11/03/2010 11:10 AM (GMT+7)
NTNN - 9 hộ gia đình ở xã biển Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trở thành con nợ khi hợp đồng thoả thuận xuất khẩu lao động của con cái họ không được thực hiện như cam kết.
Bình luận 0

img
Ông Nguyễn Đức Trung (phải) đang trình bày vụ việc với công an xã.

Hợp đồng một đằng làm một nẻo

Trưởng Công an xã Bình Châu - Tiêu Viết Thạnh cho biết: 6 trong tổng số 9 thanh niên của địa phương bị lừa đi xuất khẩu lao động đã về đến TP.HCM từ ngày 1-2 đến ngày 12-2, 4 người đã về đến địa phương, còn 2 người đang ở TP.HCM.

Ngày 4-3 chính quyền địa phương mới nhận được đơn phản ánh  của  anh Trần Văn Út ở thôn Định Tân, xã Bình Châu về vụ môi giới xuất khẩu lao động sai cam kết, khiến 3 thanh niên cùng đi với anh đang bị tạm giữ tại Malaysia.

Theo đơn của anh Út, tháng 12-2009 ông Nguyễn Quốc Thái (SN 1975) ở 57/3 Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM đã hợp đồng thỏa thuận đưa anh và 8 thanh niên ở cùng xã đi xuất khẩu lao động tại Singapore. 

Theo các hợp đồng thoả thuận giữa bên A: Ông Nguyễn Quốc Thái (chưa chắc là tên thật) với bên B (9 thanh niên của xã Bình Châu) thì bên A đảm bảo ngày đi Singapore cho bên B. Đảm bảo cho bên B làm việc trong nhà hàng khách sạn với mức lương trong 3 tháng đầu là 900 đôla Singapore/tháng và thời gian làm việc cơ bản là 8 tiếng/ngày.

Nếu sau khi sang Singapore làm việc mà bên B không hưởng được đúng mức lương cũng như các chế độ bảo hiểm hoặc thời gian làm việc như bên A đã thông báo thì bên A phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho bên B... Đến Singapore một ngày là được chở sang Malaysia giao cho ông Đa Nel. Sau một thời gian, 9  người đều không có việc làm như cam kết. Hiện 3 người đang bị tạm giữ tại Malaysia điện về gia đình yêu cầu gửi tiền phạt 12 triệu đồng và tiền chi phí máy bay về nước 3 triệu đồng/người do hết hạn visa.

img
img
Giấy nhận tiền và hợp đồng thoả thuận.

Nợ chồng chất

Để có chuyến đi này, mỗi người phải nộp khoảng 80 triệu đồng. Trong đó, phí đặt cọc Singapore và môi giới 2.500USD, ngoài ra còn các chi phí như tiền làm hộ chiếu, tiền tàu xe vào TP.HCM, tiền học tiếng Anh... tốn thêm khoảng 30 triệu đồng.

Ông Dương Thành Trung và bà Phạm Thị Thức có con là Dương Thành Lực (đang bị cơ quan chức năng Malaysia tạm giữ), nói trong nước mắt: "Hơn 3 tháng qua gia đình đã vay của ngân hàng 40 triệu đồng và vay nóng hơn 30 triệu đồng để chi phí cho con đi xuất khẩu. Nào ngờ bị lừa, những ngày qua các chủ nợ liên tiếp đến đòi nợ.  Lực còn  điện về bảo gửi gấp 15 triệu đồng qua Malaysia thì mới được về nước".

Bà Thức nhớ lại: Nghe tin nhà nước tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động, bà  đến Trung tâm Giới thiệu việc làm  tỉnh Quảng Ngãi mua hồ sơ đăng ký cho con đi xuất khẩu lao động ở Nhật.

Thế nhưng, ông Nguyễn Đức Trung - một môi giới xuất khẩu lao động ở địa phương, lại là người cùng thôn Định Tân giải thích với vợ chồng bà Thức là nếu đi xuất khẩu lao động ở Singapore, chi phí sẽ thấp hơn, thủ tục nhanh hơn đi Nhật.

Gia đình bà Thức quyết định cho con đi làm việc ở Singapore theo "con đường" của ông Trung. Ngoài anh Lực, ở thôn Định Tân còn có 8 người khác đi xuất khẩu lao động theo đường dây này. 

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết, những người này  khi hợp đồng đi xuất khẩu lao động không thông qua chính quyền địa phương. Sau khi có đơn phản ảnh của anh Trần Văn Út, UBND xã đã chỉ đạo công an xã làm rõ sự việc, nhất là các môi giới liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem