Dân vận khéo như ở Phú Thọ, bà con đồng bào Mường phục dựng được 3 di sản văn hóa

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 13/09/2022 18:17 PM (GMT+7)
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã giúp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, lưu giữ nét đẹp quê hương, là nhân tố thúc đẩy du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ.
Bình luận 0

Phong trào thi đua "Dân vận khéo"

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Điều này nhằm lưu giữ nét đẹp quê hương, là nhân tố thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Sinh ra và lớn lên ở vùng Mường, ông Đinh Văn Thành (khu 11, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) dành tình yêu đặc biệt với bản sắc văn hóa Mường.

Ông đã nhiều năm sưu tầm, tìm hiểu về những bài hát ví, diễn tấu cồng chiêng, múa trống đu, đâm đuống, múa sênh tiền, lễ hội đóng, mở cửa rừng, tín ngưỡng thờ cúng của người Mường...

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 1.

Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ biểu diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Thành chia sẻ: "Là một người yêu nghệ thuật của dân tộc Mường, tôi mong muốn gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa của dân tộc mình. Tuy nhiên, việc này cần sự tham gia, góp sức và đồng lòng của toàn thể bà con.

Bởi vậy, tôi đã vận động người dân trong khu, trong xã bảo tồn văn hóa, trước hết là giữ gìn tiếng nói của dân tộc. Vận động người dân sử dụng tiếng Mường trong giao tiếp hằng ngày, dạy cho con, cháu mình nói tiếng Mường.

Tôi cũng trực tiếp hướng dẫn bà con những điệu múa, câu hát, những nghi lễ trong ngày lễ, Tết để mọi người cùng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình".

Đến Thanh Sơn vào những ngày cuối tuần, tại nhà văn hóa thôn, khu dân cư các xã của huyện, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng cồng chiêng, những điệu hát Mường của các cô, các chị hội viên phụ nữ.

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 2.

Bằng công tác dân vận khéo, Hội Phụ nữ các xã đã triển khai tới các chi hội thôn, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ trẻ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường. Ảnh: Hoan Nguyễn

Bằng công tác dân vận khéo, Hội Phụ nữ các xã đã triển khai tới các chi hội thôn, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ có vốn kiến thức về văn hóa Mường, có năng khiếu văn nghệ, khuyến khích hội viên phụ nữ trẻ tham gia sinh hoạt "Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường".

Bà Sa Thị Tâm (người Mường, trú tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn luôn tích cực tham gia câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường của xã.

Bà Tâm nhớ lại, từ nhỏ, bà đã được những người già trong thôn truyền dạy điệu hát dân tộc Mường. Khi 15 tuổi, bà đã biết hát những điệu hát ru, hát đúm, hát giao duyên, hát rằng thường…

Mỗi làn điệu là câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu, hay lời chúc năm mới, để mỗi người con dân tộc Mường giao lưu, chuyện trò cùng nhau.

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 3.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường, những năm qua, huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Yêu thích những điệu hát, điệu múa riêng vốn có của dân tộc mình, nhiều năm nay tôi cùng các chị em phụ nữ trong thôn, trong xã tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường. Chúng tôi cùng nhau tập luyện và biểu diễn trong các hoạt động lễ, Tết, nhiệm vụ chính trị của địa phương", bà Tâm vui vẻ nói.

Bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị văn hóa Mường nhờ "Dân vận khéo"

Thanh Sơn là huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, có trên 55% đồng bào dân tộc Mường sinh sống với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo.

Từ phong trào thi đua "Dân vận khéo", nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể từ tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, đến lễ hội truyền thống đã được kiểm kê, sưu tầm, phục dựng và truyền dạy để văn hóa Mường có sức lan tỏa trong đời sống.

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 4.

Đến nay, toàn huyện Thanh Sơn đã thành lập được gần 130 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường tại các xã, khu dân cư. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đến nay, toàn huyện Thanh Sơn đã thành lập được gần 130 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường tại các xã, khu dân cư, trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng; phục chế được nhiều hiện vật, đồ dùng, nghề thủ công truyền thống, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường.

Đặc biệt, huyện đã khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội.

Đồng thời, phục dựng 3 di sản, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian (diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu, hát ví, hát rang...), lễ hội truyền thống Đình Lưa (xã Tân Lập) và phục chế hiện vật, công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường (cối giã gạo, khung cửi dệt vải, cọn nước...).

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn nói chung, dân tộc Mường nói riêng, huyện Thanh Sơn đã ban hành Đề án tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác giai đoạn 2021- 2025.

Huyện Thanh Sơn đặt mục tiêu 100% xã, thị trấn thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường hoặc câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ các dân tộc.

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 5.

Điệu múa sênh tiền của đồng bào Mường. Ảnh: Hoan Nguyễn

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Khả Cửu Đinh Thị Thanh Hà nhấn mạnh, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường được thành lập nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Câu lạc bộ sẽ tập hợp, tạo điều kiện cho những người yêu thích văn hóa, văn nghệ được giao lưu, học hỏi, rèn luyện nâng cao kỹ năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời, truyền lại những nét đẹp và giá trị văn hóa lâu đời của người Mường cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy.

Các thành viên câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường của xã và các khu dân cư là những nhân tố tích cực vận động người dân trong xã giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 6.

Huyện Thanh Sơn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn, vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... mang đậm bản sắc văn hóa Mường. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Hiện xã Khả Cửu được chọn thực hiện thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Tại xã, nhiều ngôi nhà sàn, vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... mang đậm bản sắc văn hóa Mường được lưu giữ, bảo tồn.

Các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường trong xã hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Khả Cửu", bà Hà nói.

Bằng sự sáng tạo trong hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, người dân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của địa phương mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa trên các bản làng. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem