Đằng sau những kỳ án: Do yếu tố con người!

Thứ ba, ngày 12/02/2013 07:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kỳ án - đó là từ mà báo giới và người dân quen dùng - để chỉ những vụ án đặc biệt, có nhiều tình tiết lắt léo, đầy tranh cãi khiến quá trình tố tụng và xét xử gặp vô vàn khó khăn mà có khi chưa thể đến cái đích cuối cùng: Trả lại sự công bằng.
Bình luận 0

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Hợp doanh Thiên Thanh - nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN.

Luật sư (LS) Truyền đánh giá, việc các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong một vụ án là một điều hết sức bình thường và xét ở một góc độ nào đó, nó còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng "tự xem lại mình" và cẩn trọng hơn trong quá trình tiến hành tố tụng. Tại các nước phát triển, đặc biệt là các nước có hệ thống tư pháp mạnh và độc lập thì sự "đối lập" trên càng phổ biến hơn".

"Để xảy ra những "kỳ án" như "Kỳ án vườn mít" hay "Kỳ án 3 thanh niên hiếp dâm ở Hà Đông", theo tôi lỗi phần lớn là do yếu tố "con người", cụ thể là "những người tiến hành tố tụng" chứ không phải hoàn toàn do "lỗ hổng pháp luật".

"Về mặt các quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là các quy định về tố tụng, tôi cho rằng đã tương đối chặt chẽ và điều chỉnh khá toàn diện các quan hệ xã hội nói chung và các hoạt động tư pháp nói riêng. Việc để xảy ra những vụ kỳ án như "Kỳ án vườn mít" hay "Kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông" theo tôi lỗi phần lớn là do yếu tố con người. Như vậy, yếu tố con người trong hoạt động tư pháp là yếu tố hàng đầu, có tính chất quyết định đến nội dung vụ việc và cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên những kỳ án tại VN" - LS Truyền khẳng định.

Với kinh nghiệm thực tế trong quá trình bào chữa cho các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, LS Truyền cũng đưa ra một số thực trạng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, có thể là những yếu tố tạo nên những kỳ án:

Thứ nhất, với cách hiểu cứng nhắc quy định "cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm" trong pháp luật tố tụng hình sự, chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu tiếp cận vụ việc, những người tham gia tố tụng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ chứng minh tội phạm và tìm ra chứng cứ buộc tội. Khi điều tra thường thiên về thu thập xác định chứng cứ buộc tội, còn chứng cứ gỡ tội dù theo luật vẫn phải thu thập nhưng không được chú trọng.

Thời gian vừa qua, dư luận đã đưa quan điểm về việc ban hành và áp dụng "quyền im lặng" (remain silence) của bị can, bị cáo và chế định LS được tham gia vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, đây là một hướng rất tốt để khắc phục tình trạng trên. Trong trường hợp các quyền trên được thể chế thành các quy phạm pháp luật, nó có thể giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng tìm ra sự thật khách quan của vụ án, quá trình điều tra, truy tố và xét xử sẽ được diễn ra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó với quy định của pháp luật về các điều kiện để được xem là chứng cứ hợp pháp trong vụ án hình sự là phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trong khi đó, việc các bị can, bị cáo (kể cả trong trường hợp bị tạm giam hay được tại ngoại) tự thu thập chứng cứ để chứng minh là mình vô tội là rất khó khăn và khi được xuất trình trước các cơ quan tiến hành tố tụng thì thường không được xem xét một cách ngang bằng về giá trị pháp lý đối với các chứng cứ do các cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng thu thập.

Thứ hai, tâm lý bị can, bị cáo trong giai đoạn đầu khi mới bị khởi tố, bắt giam thường rất hoang mang, lo sợ, chính vì vậy việc bị các cán bộ điều tra hỏi cung theo định hướng bất lợi thường xuyên xảy ra. Như trong "Kỳ án vườn mít", một trong những căn cứ mà LS bảo vệ bị cáo Mai đưa ra để lý giải cho việc khai trơn tru trước các cơ quan tiến hành tố tụng là do bị cáo Mai đã "đọc thuộc lòng" bản cáo trạng của Viện Kiểm sát trong quá trình bị tạm giam. Đây là một thực tế xảy ra khá phổ biến trong các vụ án hình sự tại Việt Nam.

Trong thực tế, các vụ án hình sự mà tôi tham gia, thường thì trong quá trình điều tra, hầu hết các điều tra viên ít tham gia trực tiếp vào các buổi lấy cung bị can mà thường giao cho cán bộ điều tra dưới quyền thực hiện. Nhiều khi cán bộ điều tra thiếu kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là trong các vụ án lớn, có nhiều tình tiết phức tạp cần phải chứng minh. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hồ sơ vụ án bị đi theo một hướng sai ngay từ ban đầu trong quá trình điều tra và hậu quả là việc trả đi, trả lại hồ sơ hoặc xét xử đi, xét xử lại một vụ án mà thực chất tính chất vụ án không đến mức đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Đỗ Xuân Tựu - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự, Viện KSND Tối cao: Cả nguyên nhân khách quan và chủ quan

Các vụ án kéo dài hay còn gọi là kỳ án hình sự ở Việt Nam diễn ra không phải là ít. Lý do để xảy ra tình trạng này theo tôi có hai nguyên nhân chủ yếu là chủ quan và khách quan. Về khách quan, hiện nay các cơ quan tố tụng gặp rất nhiều khó khăn về thẩm quyền cũng như chồng chéo nhau trong quá trình điều tra ban đầu, khởi tố, truy tố và xét xử. Luật pháp chúng ta chưa đồng bộ và thống nhất hoàn toàn trong tố tụng hình sự. Hơn nữa, các đối tượng phạm tội giờ dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lừa cơ quan điều tra, nên công tác điều tra ban đầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chứng cứ. Về mặt chủ quan, những người làm tố tụng cũng có nhiều mặt yếu kém về chuyên môn, năng lực, cũng như nhìn nhận vụ án, đặc biệt là cấp cơ sở. Do đó, các cơ quan tố tụng có quan điểm trái ngược nhau trong một số vụ án phức tạp cũng không khó hiểu. Nhiều vụ án, Viện KSND Tối cao chúng tôi kháng nghị thành công hoặc không thành công, do chúng tôi thấy nhiều sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng từ hồ sơ vụ án của các cấp cơ sở chuyển lên (sai sót từ điều tra ban đầu đến xét xử). Theo tôi, để xử lý các vụ án tránh tình trạng kéo dài, oan sai và tốn kém tiền của, cần phải tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo về tố tụng trong các bộ luật. Cán bộ tham gia tố tụng phải được đào tạo, tuyển chọn hết sức kỹ lưỡng để không mắc phải sai lầm, thiếu sót ở các vụ án, đặc biệt là vụ án phức tạp.

Luật sư Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) Nên in những kỳ án thành sách

"Thời gian trước, trên thị trường sách đã có cuốn "Oan sai", tập hợp 30 vụ án oan được bạn đọc chý ý. Tuy nhiên cuốn sách này lại nói về những vụ án ở Trung Quốc. Cuốn sách thể hiện sự nhìn nhận thẳng thắn góp phần không nhỏ trong việc thực hiện đổi mới hoạt động tư pháp ở nước bạn.

Cuốn sách rút ra 8 nguyên nhân dẫn đến án oan sai ở nước bạn, gồm có: Suy diễn; xét xử qua loa, đại khái; định tội dựa vào khẩu cung; bao che tội phạm; hành pháp chuyên quyền; chạy theo lợi ích kinh tế; lén bỏ tang vật để hãm hại; định tính sai. Theo tôi, ở nước ta cũng nên in thêm những ấn phẩm tập hợp các kết luận điều tra, cáo trạng, bản án trong những vụ án oan, để làm tư liệu giáo dục pháp luật, để những người làm công tác tố tụng tham khảo tránh theo vết xe đổ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem